Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, kinh tế - xã hội, kéo theo số lượng người nhập cư nhiều, gây áp lực không nhỏ đối với ngành giáo dục thành phố. Vì vậy, sự ra đời của các trường ngoài công lập đã góp phần giảm tải cho các trường công trên địa bàn thành phố.
Giáo viên Trường Mầm non - Tiểu học - THCS Đức Trí trong một tiết dạy. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Từng bước nâng cao chất lượng
Tháng 5-2016, Trường Mầm non Nốt Nhạc Xanh (phường Hòa Khánh Bắc) được thành lập và đi vào hoạt động. Ngôi trường ra đời đáp ứng mong mỏi của nhiều phụ huynh trên địa bàn quận Liên Chiểu. Bà Lê Phạm Hồng Điệp, Giám đốc điều hành Trường Mầm non Nốt Nhạc Xanh cho biết, nhà trường luôn chú trọng 2 vấn đề là chăm sóc và giáo dục. Ở khâu chăm sóc, trường chú trọng đến nguồn thực phẩm và công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với công tác giáo dục, trường bố trí, sắp xếp trẻ theo độ tuổi và số trẻ trong một lớp theo quy định; phân công giáo viên bảo đảm số lượng và theo năng lực trình độ chuyên môn...
“Đặc biệt, nhà trường thường xuyên xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều kiện cho giáo viên tham quan học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn; kết hợp trang bị đầy đủ tài liệu và phương tiện cho giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục. Nhờ đó, chất lượng giáo dục nhà trường từng bước được khẳng định, phụ huynh tin tưởng. Đến nay, trường có 564 trẻ từ 12 tháng tuổi đến 6 tuổi”, bà Lê Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh.
Một ngôi trường liên cấp ngoài công lập hiện nay được nhiều người biết đến là Hệ thống giáo dục Sky-line. Năm 2010, trường được thành lập với hơn 150 học sinh. Sau 10 năm tạo dựng thương hiệu, đến nay, trường có 5 cơ sở với gần 2.000 học sinh.
Thạc sĩ Tống Thiên Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường tập trung đào tạo giáo dục học sinh với triết lý “Học để sống hạnh phúc” qua 5 đề án đổi mới gồm: Đổi mới dạy học tiếng Anh theo khung năng lực châu Âu, giáo dục kỹ năng sống, đổi mới dạy học tin học theo chuẩn Quốc tế IC3, đổi mới giáo dục thể chất và năng khiếu nghệ thuật, trải nghiệm sáng tạo STEM-ES giúp cho học sinh tự tin, phát triển bản thân. Điều này được khẳng định qua chất lượng khi nhiều năm nay, Sky-Line luôn ở top dẫn đầu tốt nghiệp trung học phổ thông và đạt chuẩn tiếng Anh quốc tế với điểm 10 tương đương trong tốt nghiệp.
Ngôi trường liên cấp ngoài công lập hình thành và phát triển lâu đời nhất trên địa bàn thành phố là Trường Mầm non - Tiểu học - THCS Đức Trí (quận Hải Châu). Cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm 1989, xuất phát từ nhu cầu thực tế nhiều phụ huynh có điều kiện nhưng quá bận rộn, không thể chăm sóc con, cô đã xin phép chính quyền và ngành giáo dục thành phố thành lập nhóm trẻ gia đình. Do chăm sóc, nuôi dạy tốt, phụ huynh ngày một gửi con nhiều nên cô đã xin thành lập Trường Mầm non Đức Trí. Hai năm sau thành lập thêm cấp tiểu học. Cơ sở vật chất ngày một khang trang, đội ngũ giáo viên được tuyển dụng chất lượng, phụ huynh ngày một tin tưởng nên thương hiệu Trường Mầm non - Tiểu học Đức Trí đã vang xa. Cách đây 7 năm, Trường Đức Trí tiếp tục mở thêm cấp THCS, trở thành trường liên cấp Mầm non - Tiểu học - THCS. Đến nay, trường có quy mô hơn 1.500 học sinh; đạt nhiều giải thưởng tại các hội thi cấp quốc gia, quốc tế.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, toàn thành phố hiện có 406 trường, trong đó có 155 trường ngoài công lập với hơn 47.000 học sinh. Cấp mầm non có 140 trường, cấp tiểu học 2 trường, cấp THCS và cấp THPT có 11 trường. Việc hình thành hệ thống các trường ngoài công lập góp phần thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục của thành phố, giảm áp lực cho trường công lập.
Tạo điều kiện để trường ngoài công lập phát triển
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, công tác quản lý, tổ chức bộ máy các trường ngoài công lập đã có những bước chuyển biến tích cực, bộ máy tổ chức được kiện toàn kịp thời, đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ năng lực ngày càng cao, đội ngũ giáo viên cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và số lượng theo quy định. Để đạt được kết quả này, thời gian qua, Sở GD&ĐT tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT thường xuyên thanh tra, kiểm tra tại các trường, tập trung vào việc thực hiện quy chế chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh; công tác quản lý, sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học.
“Có thể nói, quy mô, mạng lưới các trường ngoài công lập tiếp tục được mở rộng, nền nếp, kỷ cương trong quản lý, tổ chức hoạt động được chú trọng, chất lượng dạy và học được nâng cao, thu hút ngày càng nhiều học sinh vào học tại các trường, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân trên địa bàn thành phố”, bà Thuận nhìn nhận.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, tại Việt Nam, giáo dục ngoài công lập phát triển hơn 30 năm nay, ngày càng có vị trí to lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Giáo dục ngoài công lập giải quyết các vấn đề về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho các lực lượng xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, giảm chi ngân sách, huy động sự đóng góp của toàn xã hội.
“Ở Đà Nẵng, thời gian qua, hệ thống các trường mầm non, phổ thông, đại học trên địa bàn Đà Nẵng phát triển đa dạng, có nhiều thành tựu, chưa xảy ra sai sót đáng tiếc nào về quản lý, tài chính. Hệ thống các trường ngoài công lập đã có những đóng góp lớn về đào tạo nguồn nhân lực, phong phú về ngành nghề, góp phần giảm tải cho các trường công lập; nhiều trường đã xây dựng được thương hiệu chất lượng cao, được nhân dân tin tưởng”, Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa đánh giá.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa, để hệ thống các trường ngoài công lập phát triển, thành phố nên tiếp tục tạo điều kiện phát triển hệ thống này, bình đẳng công - tư trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, các chính sách về tuyển sinh, sử dụng nguồn lao động.
NGỌC PHÚ