Trẻ em cần sân chơi cộng đồng

.

Thiếu sân chơi là lý do khiến nhiều trẻ em chọn vỉa hè, lòng đường làm nơi đá bóng, đánh cầu lông... Thời gian qua, Thành Đoàn Đà Nẵng đã triển khai hình thành gần 30 sân chơi tại các khu dân cư với vật dụng làm từ lốp ô-tô cũ hoặc vật liệu tái chế, phần nào xóa được khoảng trống về sân chơi cho trẻ.

Trẻ em vui chơi tại sân Nhà văn hóa biển Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. (Ảnh chụp đầu tháng 7-2020)Ảnh: HUỲNH LÊ
Trẻ em vui chơi tại sân Nhà văn hóa biển Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. (Ảnh chụp đầu tháng 7-2020). Ảnh: HUỲNH LÊ

Cũng như nhiều gia đình có con nhỏ, chị Trần Thị Thanh Thúy (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) khá đau đầu mỗi khi con đòi đi chơi. Đưa con đến khu vui chơi tại Trung tâm thương mại Vincom, Helio hoặc khu vực cầu sông Hàn tốn khá nhiều chi phí, còn tại khu vui chơi tư nhân nhỏ, vé vào cổng cũng dao động từ 30.000 - 50.000 đồng.

Theo chị Thúy, phường Thanh Bình có một công viên công cộng ngay góc đường Ông Ích Khiêm - Thanh Thủy, nhưng thời gian qua cho một số người dân thuê kinh doanh các trò chơi cho trẻ. Rất khó tìm một khu vui chơi miễn phí dành cho trẻ em trên địa bàn.

Tương tự, anh Trần Minh Thông (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) có 2 con độ tuổi từ 7-12. Trong thời điểm Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19, các con phải ở nhà, còn thông thường cuối tuần nào vợ chồng anh cũng đưa con đi chơi. Anh Thông nói: “Quả thật tôi không thích dẫn con đến trung tâm thương mại vì ở đó có khá nhiều game dễ gây nghiện cho trẻ em. Giá như gần nhà có sân chơi công cộng nào đó vừa an toàn, vừa giúp các con vận động”.

Theo thông tin từ Viện Quy hoạch - Xây dựng Đà Nẵng, mạng lưới thiết chế văn hóa tại quận Hải Châu gồm 34 điểm, trong đó có 14 trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT), 6 nhà văn hóa (NVH), 14 khu thể thao. Tuy nhiên, phần lớn các công trình không đủ diện tích theo chuẩn quy hoạch, gây khó khăn trong việc bố trí sân chơi dành cho trẻ.

Đơn cử, Trung tâm VH-TT phường Thạch Thang nằm ở Nhà sinh hoạt cộng đồng Tân Lập 2 (kiệt 57 Nguyễn Chí Thanh) có diện tích 465m2, diện tích Trung tâm VH-TT phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) cũng khá khiêm tốn 522m2. Trong khi đó, chuẩn diện tích quy hoạch Trung tâm VH-TT phường phải đạt 2.500m2, nhưng các địa phương đều không còn quỹ đất để mở rộng. Đó cũng là thực trạng chung tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, mô hình “Góc xanh thanh niên” do Đoàn Thanh niên thành phố khởi công xây dựng tại địa bàn dân cư, phần nào xóa được khoảng trống về sân chơi cho trẻ. Theo đó, tại mỗi quận, huyện, Đoàn Thanh niên chủ động tìm 2 địa điểm xây dựng “Góc xanh thanh niên”, bao gồm vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi trẻ em và khu tập thể dục cho người dân địa phương.

Có thể kể đến công trình sân chơi thể thao tại Nhà văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) và công trình Khu vui chơi Thị An (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), mỗi công trình trị giá 100 triệu đồng vừa được Đoàn Thanh niên bàn giao cho địa phương khai thác, sử dụng.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn cho hay, trong năm 2020, Thành Đoàn tập trung nâng cao chất lượng đoàn viên, tạo thêm những sân chơi chất lượng cho thanh, thiếu nhi, đề xuất Thường trực Thành ủy hỗ trợ Đề án khai thác khu đất trống nằm trong khuôn viên Thành Đoàn để xây dựng sân chơi thể thao cho thanh, thiếu nhi theo hình thức xã hội hóa; đồng thời tăng cường mô hình “Góc xanh thanh niên” theo hướng sáng tạo, mới mẻ, thu hút trẻ em và người dân trong khu vực.

Không đòi hỏi quá nhiều kinh phí, từ những nguyên liệu như lốp xe cũ, phế liệu tái chế hoặc làm mới một số đồ chơi, công trình cũ..., một số sân chơi cộng đồng được hình thành tại các khu dân cư, phần nào giải quyết bài toán sân chơi cho trẻ. Chị Nguyễn Thị Diệu Nhi (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) chia sẻ, gần một tháng phải ở nhà vì Covid-19, các con chị nhớ mấy cái lốp xe ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc tại Trung tâm VH-TT phường Xuân Hà.

Nhà gần Trung tâm VH-TT, nên mỗi chiều các con chị đều qua sân này để chơi xích đu, cầu trượt, ghế bập bênh… “Gần một năm nay, sân chơi tại Trung tâm VH-TT phường Xuân Hà là điểm vui chơi hằng ngày của tụi nhỏ. Tôi cảm thấy yên tâm vì sân chơi gần nhà, dụng cụ trò chơi nhiều màu sắc, thân thiện môi trường, lại miễn phí nữa nên các con có thể đến bất cứ khi nào”, chị Diệu Nhi nói.

Sân chơi đặt tại khu dân cư thu hút sự quan tâm của trẻ em trong khu vực. Anh Nguyễn Duy Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 30 sân chơi cho trẻ với các vật dụng làm từ lốp ô-tô cũ. Các công trình do Đoàn Thanh niên cơ sở hình thành, duy trì và bảo dưỡng thường xuyên, vừa tạo sân chơi, vừa xây dựng ý thức bảo vệ môi trường qua việc tận dụng, tái chế vật liệu cũ. Trong lúc chờ đợi những sân chơi chất lượng, việc “tự túc” một sân chơi nhỏ, an toàn, lành mạnh tại chính các khu dân cư là điều cần thiết nhằm góp phần giải “cơn khát” sân chơi cho trẻ.

HUỲNH LÊ

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
Xem XSMB 100 ngày mở thưởng