Trong đơn gửi Báo Đà Nẵng, bà Phạm Thị Ngọc Thảo (36 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc) khẳng định mình không liên quan tới tiền ăn bán trú của học sinh, lại là người đã mạnh dạn đứng ra tố cáo Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc mập mờ trong thu chi.
Trường mầm non Tuổi Ngọc (quận Liên Chiểu) - nơi xảy ra vụ việc. |
Tuy nhiên, bà Thảo bị cơ quan chức năng quận Liên Chiểu đề nghị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Bà Thảo cho rằng, đây là kết luận oan sai.
Theo bà Thảo, năm học 2015-2016, với chức danh là Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc, bà được phân công phụ trách công tác bán trú và một số nhiệm vụ khác, trong đó có nhiệm vụ lên thực đơn ăn sáng cho trẻ. Tuy nhiên, khi lên thực đơn ăn sáng theo số lượng trẻ đăng ký, bà Ngô Thị Hòa - Hiệu trưởng nhà trường yêu cầu bà Thảo lập thêm một thực đơn ăn sáng khác, với số lượng thực phẩm thấp hơn so với tổng số trẻ do các giáo viên báo, từ khoảng 10-40 suất ăn/ngày. Nội dung thực đơn này được bà Thảo dùng hộp thư điện tử (email) cá nhân gửi đến địa chỉ email của Công ty TNHH Đắc Vinh.
Bà Thảo cho biết, về việc lập thêm một thực đơn ăn sáng, bà Hòa lý giải, làm như vậy để đến cuối tháng sẽ kiểm tra và trả lại tiền cho phụ huynh đã nộp tiền ăn sáng cho trẻ nhưng sau đó có những ngày trẻ nghỉ học. Hơn nữa, theo bà Hòa, điều này phù hợp với thực tế nhiều trẻ nghỉ học giữa chừng. “Bản thân tôi không quản lý thu tiền, trả tiền thực phẩm, giao nhận thực phẩm ăn sáng và cũng không liên quan đến những diễn biến sau đó. Khi nghi ngờ sự mập mờ trong việc thu - chi tiền ăn sáng, tôi đề nghị bà Hòa công khai nhưng không được chấp nhận”, bà Thảo nói.
Tháng 6-2016, bà Thảo cùng một số giáo viên làm đơn gửi cấp trên phản ánh về sai trái xảy ra tại trường. Thanh tra quận Liên Chiểu làm việc và phát hiện bà Hòa có hành vi cắt xén suất ăn của học sinh để bỏ túi riêng. Vụ việc có dấu hiệu hình sự nên được chuyển qua Công an quận Liên Chiểu tiếp tục điều tra, làm rõ. Bà Hòa sau đó bị khởi tố về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Bà Thảo cũng được Công an quận Liên Chiểu triệu tập làm việc. “Tôi thường xuyên bị điều tra viên và kiểm sát viên ép cung, dọa nạt rằng nếu không hợp tác thì tội sẽ nặng hơn. Họ còn bắt tôi tính toán ra số tiền ăn sáng, nhưng tôi đâu có liên quan tới tiền bạc thì làm sao tính toán được. Ngoài ra, cán bộ điều tra và kiểm sát viên còn ép tôi ký biên bản làm việc nhưng tôi thấy nhiều điều ghi chưa chính xác. Họ nói tôi không ký biên bản thì không cho về nên tôi buộc phải ký”, bà Thảo nói.
Kết luận điều tra số 83 ngày 23-7-2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Liên Chiểu nêu rõ, bà Thảo được cho là đã giúp sức để bị can Ngô Thị Hòa thực hiện hành vi cắt xén các suất ăn sáng, giúp sức cho bà Hòa chiếm đoạt hơn 163 triệu đồng và bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 2, Điều 280 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Còn cáo trạng số 84/CT-VKS ngày 31-8-2018 của Viện KSND quận Liên Chiểu kết luận “bà Phạm Thị Ngọc Thảo giúp sức cho Ngô Thị Hòa chiếm đoạt tiền ăn sáng của trẻ với số tiền hơn 9,3 triệu đồng” và bà Thảo bị truy tố ra tòa án về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 1, Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Phước Tốt, Phó trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, việc bà Thảo cho rằng bản thân bị truy tố oan sai là ý kiến cá nhân. “Quá trình điều tra, xét hỏi đều được chúng tôi thực hiện đúng quy trình, có kiểm sát viên tham gia giám sát nên không thể nói là ép cung. Còn nội dung kết luận vụ án cũng căn cứ các chứng cứ, hồ sơ, tài liệu, tang vật theo đúng quy định”, Thượng tá Nguyễn Phước Tốt nói.
Theo ông Trần Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện KSND quận Liên Chiểu, để có cáo trạng, đơn vị phải căn cứ vào hồ sơ, vật chứng do cơ quan công an cung cấp; đồng thời nghiên cứu, bóc tách, chứng minh hành vi phạm tội của bị can và đã chuyển hồ sơ qua tòa án. “Cáo trạng thể hiện quan điểm của Viện KSND. Bị can hoàn toàn có quyền tranh luận công khai tại tòa. Trên cơ sở xét xử và tranh luận, hồ sơ, Hội đồng xét xử sẽ đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Giang cho biết.
TAND quận Liên Chiểu đã đưa vụ án nói trên ra xét xử 2 lần nhưng đều hoãn vì lý do khách quan. Dự kiến phiên tòa sắp tới được xét xử vào ngày 14-2-2019. Báo Đà Nẵng sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này.
Bài và ảnh: YÊN GIANG