Báo Đà Nẵng nhận được phản ánh qua “đường dây nóng” về việc đường kiệt K54 Lê Hữu Trác (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) dài hơn 150m lâu nay bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, trở thành chợ tạm, thường xuyên gây cản trở giao thông.
Các hộ dân buôn bán ở K54 Lê Hữu Trác bày hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lòng đường. |
Theo ghi nhận, đường kiệt K54 Lê Hữu Trác chỉ dài hơn 150m, bề rộng 5m, điểm cuối tiếp giáp với kiệt K55B Nguyễn Duy Hiệu. Mặt đường kiệt mới đây đã được sửa chữa và được thảm nhựa. Ở đoạn giữa đường kiệt này là khu chợ An Hải Đông được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, vào buổi sáng và buổi chiều hằng ngày, toàn đường kiệt bị người dân chiếm dụng lòng đường bày bán các mặt hàng thịt, cá, rau củ quả... Nhiều người dân không muốn vào chợ nên dừng xe máy dưới lòng đường để mua hàng hóa, biến kiệt này thành chợ lộn xộn, cản trở giao thông. Nước rửa tôm, cá đều được các hộ buôn bán đổ thẳng ra đường, vừa gây mùi hôi, vừa tạo cảnh nhếch nhác.
Ngoài ra, hầu hết các hộ dân có nhà hai bên đường kiệt K54 Lê Hữu Trác lắp mái che, dựng dù bạt lấn ra làm ảnh hưởng không gian chung. Điều đáng nói là ngay trước mặt chợ An Hải Đông có tấm bảng lớn ghi rõ: “…cấm kinh doanh, buôn bán dưới lòng đường, cấm đổ nước thải ra đường, cấm để xe dưới lòng đường...”, nhưng biển này mất tác dụng.
Ông Phạm Tấn Thành, Trưởng Ban quản lý (BQL) các chợ quận Sơn Trà cho biết, hầu hết các tuyến đường quanh các chợ trên địa bàn toàn quận đều xảy ra tình trạng người dân tự ý lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán. “Ở kiệt K54 Lê Hữu Trác, việc buôn bán tràn lan nhưng công tác xử lý chưa thường xuyên, kiên quyết”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, phạm vi kiệt K54 Lê Hữu Trác thuộc trách nhiệm quản lý của UBND phường, còn BQL các chợ quận Sơn Trà chỉ chịu trách nhiệm bên trong chợ. Chỉ khi UBND phường yêu cầu phối hợp trong việc xử lý người buôn bán sai quy định ở khu vực phía cổng chợ thì đơn vị sẽ triển khai lực lượng cùng thực hiện.
Ông Thành cho hay, việc các hộ dân tự ý lấn chiếm đường kiệt làm nơi buôn bán không những sai quy định, mà còn dễ xảy ra sự cố về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Các thực phẩm bán trong chợ đều được kiểm soát, có nguồn gốc rõ ràng. Còn thực phẩm bán bên ngoài thì không ai kiểm soát. Chưa kể, việc buôn bán tự phát bên ngoài cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới các hộ kinh doanh trong chợ An Hải Đông”, ông Thành phân tích.
Theo một người dân sống ở đường Lê Hữu Trác, thi thoảng thấy lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị phường An Hải Đông đến kiểm tra, xử lý thì các hộ thu dọn đồ đạc vào trong nhà dân để lánh tạm. Khi lực lượng chức năng rút đi, tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường tái diễn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Đông cho biết, hầu hết những người buôn bán dọc đường kiệt K54 Lê Hữu Trác là cá nhân nhỏ lẻ; một số nhà dân vừa kinh doanh, vừa cho thuê mặt bằng buôn bán. “UBND phường thường xuyên cử lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý trật tự đô thị ở khu vực này. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì các hộ chấp hành tốt, nhưng lực lượng chức năng rút đi thì họ ùa ra. Có trường hợp bị thu giữ đồ đạc, hàng hóa nhiều lần, có cả trường hợp bị xử phạt nhưng sau đó lại vi phạm”, ông Sơn nói.
Để giải quyết dứt điểm “bài toán” lập lại trật tự đô thị ở kiệt K54 Lê Hữu Trác, theo ông Sơn, thời gian đến, UBND phường sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. “Sau khi việc xử lý đi vào ổn định, chúng tôi sẽ giao lại cho các tổ dân phố quản lý, đồng thời các tổ dân phố phải cam kết với phường không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm. Các tiểu thương và các hộ dân dọc tuyến đường có tham gia kinh doanh cũng phải cam kết buôn bán đúng quy định”, ông Sơn cho biết.
Trong khi đó, theo ông Phạm Tấn Thành, để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm nói trên, có hai cách cơ bản. Thứ nhất, UBND quận chỉ đạo các đơn vị chức năng của quận và UBND phường An Hải Đông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành; xử lý nghiêm, xử lý dứt điểm hành vi buôn bán không đúng nơi quy định. Thứ hai, UBND quận xây dựng đề án quy hoạch mặt bằng kinh doanh, có thể làm khu vực chuyên doanh mặt hàng nào đó cho tuyến kiệt K54 Lê Hữu Trác, hạn chế trùng lắp với các mặt hàng đã có trong chợ; sau đó có đề án cho vay vốn để người dân tham gia đông đảo, hiệu quả.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH