Trong khi chờ cơ quan chức năng triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước thải, người dân sống quanh khu vực hồ Bàu Trảng và kênh hở Phần Lăng (thuộc địa bàn quận Thanh Khê) vẫn hứng chịu mùi hôi thối, ruồi muỗi phát sinh nên cảm thấy bất an, lo lắng.
Mặt nước thường xuyên nổi váng, bốc mùi hôi thối tại lòng hồ Bàu Trảng. (Ảnh do bạn đọc cung cấp). |
Người dân liên tục phản ánh
Một người dân giấu tên sống tại khu vực hồ Bàu Trảng (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) phản ánh, hồ Bàu Trảng hiện rất hôi thối do quá trình xử lý nước thải không hiệu quả; muỗi xuất hiện nhiều, bay đầy vào nhà dân. “Chúng tôi đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành phun thuốc diệt muỗi, phòng chống bệnh dịch, đồng thời sớm giải quyết ô nhiễm, mùi hôi từ lòng hồ”, người này nói.
Cổng góp ý thuộc Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố cũng nhận được thông tin phản ánh của người dân phường An Khê (quận Thanh Khê) về việc ô nhiễm tại khu vực kênh Phần Lăng, nằm giữa đoạn đường An Xuân 1 và An Xuân 2.
Ông Nguyễn Minh Anh, sống trên tuyến đường An Xuân 1 cho biết, người dân khu vực thường xuyên phản ánh tình trạng ô nhiễm tuyến kênh này lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra đều kém hiệu quả, màu nước trong lòng kênh vẫn đen xì, mùi hôi nồng nặc, phát sinh muỗi, ruồi…
Theo quan sát của chúng tôi, tuyến kênh hở chạy dọc đường Nguyễn Đình Tựu kéo dài đến đường Điện Biên Phủ (phường An Khê), nguồn nước thường xuyên ứ đọng gây mùi hôi. Đại diện lãnh đạo phường An Khê xác nhận trung bình mỗi tháng, địa phương tiếp nhận từ 3-4 thông tin phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở tuyến kênh hở Phần Lăng, đoạn qua địa bàn phường.
Mỗi lần như vậy, UBND phường đều liên hệ với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thành phố đề nghị hằng tuần phải phun hóa chất xử lý mùi hôi. UBND phường cũng tiếp tục kiến nghị UBND quận Thanh Khê có biện pháp lâu dài nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm.
Xử lý triệt để
Từ tháng 5-2019, Trạm xử lý nước thải hồ Bàu Trảng được nâng cấp, lòng hồ được nạo vét, nhưng tình trạng ô nhiễm đến nay chưa được giải quyết triệt để. Đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng lý giải, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm kéo dài do trạm bơm chuyển nước thải vào Trạm xử lý nước thải Phú Lộc đang quá tải, dẫn đến một lượng lớn nước thải chưa xử lý không được thu gom, tràn vào hồ Bàu Trảng.
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức đoàn kiểm tra thực tế, do ông Đặng Việt Dũng, lúc đó làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Trưởng đoàn. Tại buổi kiểm tra, các bên liên quan đưa ra những đánh giá, nhận định, bàn phương án giải quyết rốt ráo tình hình ô nhiễm tại khu vực hồ Bàu Trảng nói riêng và toàn bộ tuyến kênh hở Phần Lăng nói chung.
Một trong những giải pháp là mở cửa thải Yên Khê để lượng lớn nước thải chảy ra kênh Phú Lộc, giúp hạ mực nước tại hồ Bàu Trảng về đúng thông số kỹ thuật. Về lâu dài, tiến hành đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tại khu vực sân bay Đà Nẵng, Công viên 29-3 để giảm tải cho Trạm xử lý nước thải hồ Bàu Trảng.
Sau buổi làm việc nói trên, Sở Tài nguyên-Môi trường đã gửi văn bản đề nghị Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH SGMC (đơn vị tài trợ lắp đặt hệ thống sục khí cải thiện chất lượng nước hồ Bàu Trảng) chủ động phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, UBND quận Thanh Khê vận hành hệ thống sục khí, giúp cải thiện mùi hôi, ô nhiễm lòng hồ; đồng thời đề nghị Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tạo mọi điều kiện vận hành hệ thống, có phương án xử lý mùi hôi phát sinh trong quá trình vận hành sục khí để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Sau khi hệ thống sục khí hoạt động ổn định, sẽ bàn giao cho UBND quận Thanh Khê quản lý, vận hành.
Đầu tháng 3-2020, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký duyệt chủ trương xử lý ô nhiễm môi trường khu vực hồ Bàu Trảng và dọc kênh Phần Lăng. Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo triển khai lắp đặt bổ sung máy bơm và đường ống để bơm tăng cường, đưa nước thải từ trạm bơm về trạm xử lý nước thải Phú Lộc với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng; yêu cầu xử lý mùi và màu lượng nước thải tồn đọng trong lòng hồ Bàu Trảng hiện nay bằng cách sục khí, phun hóa chất, với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.
Trạm xử lý nước thải hồ Bàu Trảng nằm trong dự án thu gom, xử lý nước thải dọc kênh Phần Lăng ra Khe Cạn và dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành. Dự án có tổng kinh phí khoảng 130 tỷ đồng, thuộc Dự án phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng. Sau nhiều năm thi công, Trạm hoàn thành từ ngày 30-4-2019 nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, công trình hiện chưa thể vận hành khiến nguồn nước trong lòng hồ vẫn ô nhiễm. |
HUỲNH LÊ