Trẻ học trực tuyến phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó lo nhất là vấn đề an toàn về điện và những tác động đến thị lực. Phóng viên Báo Đà Nẵng ghi nhận lời khuyên của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Học sinh cần được nghỉ ngơi phù hợp sau giờ học để bảo đảm sức khỏe khi học trực tuyến. Ảnh: PHƯƠNG MINH |
* BS.CKI Hoàng Tùng, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng: Bảo đảm nguyên tắc “20-20-20”
Đa phần màn hình máy vi tính, điện thoại thông minh được phủ lớp chống ánh sáng xanh, nếu trẻ ngồi đúng tư thế, cách màn hình khoảng 40-70cm thì có thể bảo vệ được mắt. Tuy nhiên, việc học online thường xuyên làm thị lực suy giảm, về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.
Nhìn màn hình máy tính trên 2 giờ đồng hồ mà không có biện pháp bảo vệ mắt là một trong những nguyên nhân gây hội chứng máy vi tính (Computer Vision Syndrome). Hội chứng này có những biểu hiện như: nhìn 1 hình thành 2 hình (song thị); nheo mắt, nhìn mờ khi thay đổi khoảng cách giữa xa và gần; nhảy chữ trên màn hình máy vi tính; đỏ, ngứa, cộm, xốn và khô mắt; chảy nước mắt, chớp mắt nhiều lần; dễ nhạy cảm với ánh sáng. Ngoài ra, nếu không ngồi đúng tư thế trong thời gian dài, trẻ sẽ mỏi mệt, đau lưng, cổ, vai và cổ tay…
Để bảo vệ mắt của trẻ, cha mẹ cần điều chỉnh ánh sáng trong phòng, giảm bớt ánh sáng phản chiếu lên màn hình máy tính (gây ra chói, lóa mắt), sử dụng kính lọc màn hình để giảm lóa mắt, tăng sự tương phản của hình ảnh, giúp trẻ nhìn rõ hơn. Nếu bàn làm việc gần cửa sổ, bạn nên có rèm che; đối với phòng học quá tối, nên dùng đèn bàn, đặt ở vị trí phù hợp sao cho ánh sáng đèn không gây lóa màn hình máy vi tính.
Giữ khoảng cách từ mắt đến màn hình 40-70cm, độ nghiêng màn hình khoảng 10-20 độ, khoảng cách quá xa cũng có thể gây khó chịu cho mắt, nhất là với trẻ bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị). Nên chọn loại ghế điều chỉnh được chiều cao để mắt nhìn thẳng vào màn hình, tay đặt lên bàn phím tạo thành một góc vuông ở khuỷu tay; trẻ học trực tuyến thời gian dài cần tránh ánh sáng huỳnh quang.
Trẻ thường không chớp mắt nhiều khi đang tập trung nhìn vào máy tính, vì vậy cần bù trừ bằng cách nghỉ ngơi hay sử dụng nước nhỏ mắt. Nếu cha mẹ cho con học trực tuyến bằng màn hình ti-vi thì nên đặt ti-vi cách trẻ khoảng 182cm, giúp mắt không bị mỏi. Cần bảo đảm nguyên tắc “20-20-20”, nghĩa là mỗi 20 phút đọc hay nhìn máy tính, nghỉ 20 giây và nhìn ra xa 20 feet (khoảng 6m) để mắt được thư giãn.
Đối với trẻ đang bị tật khúc xạ, cha mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm tốt cho mắt như các loại rau xanh và trái cây giàu vitamin A, C, axit folic, selen và kẽm như cam, chanh, cà rốt, nho, đu đủ, các loại cá biển giàu Omega-3. Cần khuyến khích trẻ tập thể dục cho mắt, chớp mắt nhanh 1-2 phút để tăng cường tuần hoàn máu và giúp mắt thư giãn; tập nhìn vào không gian rộng, đặc biệt là cây xanh; đặt chiếc bút chì trước mặt, duỗi thẳng tay, từ từ gập cánh tay về phía mũi, mắt luôn nhìn vào bút chì cho đến khi trẻ không thể tập trung nhìn vào nó được nữa, lặp lại động tác này 10 lần. Ngoài ra, nên cho trẻ kiểm tra mắt định kỳ 1 lần/năm, tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt để lựa chọn loại kính phù hợp.
* Ông Hoàng Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Truyền thông, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC): Cha mẹ nên sử dụng ổ cắm và phích cắm có 3 chân, 3 dây
Để giảm thiểu rủi ro về tai nạn điện đối với trẻ em, cha mẹ, người lớn cần giáo dục, nhắc nhở trẻ nên tránh xa dây điện, thiết bị điện. Cụ thể, nếu có thiết bị điện rơi vào chỗ có nước, bồn rửa, tuyệt đối không chạm tay vào mà phải báo ngay cho người lớn; nếu đồ chơi rơi vào thiết bị điện, không được tự tìm cách lấy ra; bảo đảm tay khô hoàn toàn khi sử dụng các thiết bị điện; thấy dây điện bị sờn, hở, chạm chập điện, phải báo ngay cho người lớn; không chạm tay vào dây điện bị đứt rời hay dây điện bị hở; không dùng ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm điện; không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt; không sử dụng thiết bị điện hoặc rút phích cắm điện khi không được người lớn cho phép; không lấy dây điện, thiết bị điện làm đồ chơi…
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn điện cho trẻ trong thời gian thường xuyên học trực tuyến ở nhà, cha mẹ nên sử dụng ổ cắm và phích cắm có 3 chân, 3 dây để chống rò rỉ điện; chọn các mẫu ổ cắm điện có nắp đậy hoặc gắn thêm nắp đậy chống thấm khi lắp đặt; ổ cắm điện, công tắc nên được lắp đặt ở vị trí cao hơn 1,4m để trẻ em không thể với tới.
H.LÊ ghi