.

Đầu năm, công nhân đi đâu, về đâu?

.

Cho đến nay, dẫu đã qua rằm tháng giêng, nhiều DN trên địa bàn thành phố vẫn trong tình trạng sản xuất cầm chừng vì thiếu hụt nguồn lao động.

Xu hướng thay đổi việc làm sau Tết

Tìm được một công việc phù hợp và ổn định không là chuyện dễ dàng của nhiều công nhân tại các KCN.

Sau gần 20 ngày về quê Yên Thành, Nghệ An ăn Tết cùng gia đình, anh Nguyễn Minh Hiếu, công nhân KCN Hòa Khánh đã quay lại Đà Nẵng. Trong hành trang trở lại thành phố lần này của anh có kèm theo vài bộ hồ sơ xin việc. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng, anh Hiếu chia sẻ: “Tôi cũng không muốn thay đổi công việc, nhưng DN khi mới tuyển dụng thì đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn, sau đó lại “đè” lương của người lao động trừ đủ các khoản không tên. Mỗi lần nhận lương, chúng tôi thắc mắc, lại không được giải đáp thỏa đáng”.

Cùng đi với anh Hiếu, anh Lê Văn Linh (quê Quảng Ngãi), nguyên công nhân Công ty Hoa Việt cũng tỏ ra bức xúc. Anh làm ca 3 xuyên suốt, nhưng mức lương chỉ gần 2 triệu đồng/tháng. Tính chế độ làm ca 3 của công ty chỉ được 30% mức thu nhập bình quân mỗi ngày, lại không thấy tăng lương sau nhiều năm làm việc, nên anh quyết định thay đổi chỗ làm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh & Xã hội Đà Nẵng cho biết, theo thống kê của Sở, đến thời điểm mồng 10 Tết, trên địa bàn thành phố có ít nhất 5 DN (nhất là các doanh nghiệp FDI hoạt động trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất hàng may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử…) thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động do lượng công nhân thiếu hụt.

Xu hướng thay đổi công việc của lượng lớn công nhân cũng làm cho các DN lâm vào tình trạng khó khăn. Suốt những ngày qua, Công ty Mabuchi Motor treo bảng thông báo cần tuyển gấp 500 công nhân để bảo đảm tiến độ sản xuất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài - Trưởng phòng Tổng vụ cho biết, công ty đã mở đợt tuyển cả trong dịp nghỉ Tết âm lịch, nhưng đến nay, lượng công nhân đến xin việc rất ít. Sở dĩ công ty “lo xa” như vậy vì chuyện thiếu hụt lao động vào dịp đầu năm gần như đã thành lệ, DN đã quen với tình trạng này. Hướng giải quyết vẫn là chờ nguồn lao động từ các phiên giao dịch việc làm đầu năm.

Liệu có “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”?

Công ty Mabuchi Motor treo bảng thông báo cần tuyển gấp 500 công nhân, nhưng đến nay, lượng người đến nộp đơn rất ít. 

Chị Trịnh Thị T. (quê Thái Bình), nguyên là công nhân trong một công ty có 100% vốn đầu tư của Đài Loan cho biết: “Dịp cuối năm, công ty tăng giờ, tăng ca nhưng trả tiền công thấp. Công ty còn thay đổi thang bảng lương để giảm thu nhập của người lao động, cắt giảm chế độ tiền thưởng cuối năm khiến chúng tôi rất nản và muốn thay đổi công việc”. Được biết, dịp Tết vừa qua, cộng tiền lương, tiền tăng ca, tiền thưởng, chị T. chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng. Số tiền eo hẹp này không đủ để cô công nhân quê Thái Bình trang trải những chi phí như mua sắm Tết, mua vé tàu xe…

Nhiều công nhân thậm chí phải ở lại thành phố ăn Tết vì không đủ tiền về quê. Trường hợp của chị Trần Thị Thơm (quê Thanh Hóa), công nhân KCN An Đồn (Sơn Trà) là một ví dụ. Sau 5 tháng làm việc với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng, chị Thơm đành phải chắt bóp chi tiêu. Không có tiền về quê, Tết vừa qua, chị ở lại làm nhân viên phục vụ cho một quán café trên đường Lê Lợi, và sau đó là những ngày rong ruổi tìm kiếm cơ hội mới.

Một thực tế cho thấy, đầu năm, hầu như lúc nào nguồn lao động phổ thông cũng bị xáo trộn. Sau Tết, hầu hết các KCN đều xảy ra tình trạng “khát” lao động. Điều đó nói lên rằng, sự hỗ trợ của người sử dụng lao động hiện nay chưa giúp được gì cho công nhân cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, người lao động cần bình tĩnh hơn khi tìm hiểu thông tin về công ty mình muốn nộp đơn xin việc. Làm như vậy để không gặp tình trạng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Nếu thay đổi trong tâm trạng “đứng núi này trông núi nọ”, người lao động rất khó tìm được một công việc ổn định như mình mong muốn.

Theo thông tin từ Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng, nắm bắt được khả năng thiếu lao động trong năm mới, trước Tết có gần 50 đơn vị đăng ký nhờ tuyển dụng lao động tại các phiên chợ việc làm đầu năm. Nhu cầu tuyển lao động phổ thông gần 40%, còn lại là lao động trình độ công nhân kỹ thuật trở lên. Cho đến thời điểm này, trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm lượt người tham gia tư vấn xin việc, trong đó hơn một nửa là thay đổi công việc.



HUỲNH LÊ

 

 

;
.
.
.
.
.