.

Cửa sổ tri thức

.

* Xin cho biết, vì sao có người khẳng định rằng hầu hết những bộ phim Việt Nam đang chiếu ở rạp cho dù được quảng cáo rầm rộ là phim nhựa, nhưng thật ra chẳng phải... nhựa? (Nguyễn Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).

"Áo lụa Hà Đông" là một trong những phim nhựa chính hiệu của Việt Nam. 

- Tuy gọi là phim nhựa, nhưng hầu hết các phim Việt Nam này đều được quay bằng công nghệ... digital, nghĩa là công nghệ kỹ thuật số! Do kinh phí đầu tư cho phim nhựa quá lớn, nên các nhà sản xuất phim Việt Nam đã không ngần ngại làm phim... giả nhựa.

Các hãng phim Chánh Phương và Phước Sang từng sản xuất những bộ phim nhựa 35mm đúng chuẩn là Dòng máu anh hùngÁo lụa Hà Đông, dù lôi kéo khá đông khán giả đến rạp, nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa thể lấy lại vốn. Bởi đơn giản là kinh phí sản xuất một bộ phim nhựa như Dòng máu anh hùng lên đến 25 tỷ đồng thì không thể bù lại vốn bỏ ra được.

Máy quay phim digital chuyên dụng HD hay Betacam hiện giá chỉ từ 5.000 USD đến 20.000 USD một chiếc. Trong khi máy quay phim nhựa dao động từ 300.000 đến cả triệu USD một chiếc, tùy nhãn hiệu; chưa nói đến các loại ống kính có giá khoảng chục ngàn USD trở lên. Ngoài ra, quay phim digital chi phí thấp hơn từ 30 đến 50%, sử dụng kỹ xảo trong phim kỹ thuật số cũng sẽ ít tốn kém ở khâu hậu kỳ hơn rất nhiều so với phim nhựa. Vì thế, ở Việt Nam, hiện chỉ có các hãng phim Nhà nước có tài trợ mới dám nói đến chuyện quay bằng phim nhựa.

Quy trình chung cho các bộ phim Việt Nam được gọi là “nhựa” chiếu ở rạp hiện nay là: quay bằng kỹ thuật digital - xử lý hậu kỳ trên computer - sau đó đưa sang các nước trong khu vực hoặc một vài công ty tại Việt Nam ép sang phim nhựa 35mm.

Rất nhiều bộ phim của các nước tiên tiến trên thế giới vẫn sử dụng công nghệ digital trong khâu dàn dựng, nhưng khi quay phần gốc vẫn sử dụng phim 35mm nên chất lượng hình ảnh ra rạp luôn đạt chuẩn. Trong khi chúng ta làm phim bằng công nghệ digital từ khâu đầu nên khi ép sang phim nhựa không thể đạt chất lượng cao.

Với giá vé trung bình hiện nay ở Việt Nam vào khoảng 3USD, so với ở Mỹ và châu Âu là 5USD, thì khó có thể nói giá vé xem phim ở ta rẻ hơn nếu tính theo thu nhập bình quân. Và khán giả vẫn vào rạp xem phim digital mà cứ phải trả tiền cho phim nhựa dài dài.

“Áo lụa Hà Đông” là một trong những phim nhựa chính hiệu của Việt Nam.

* “Bới lông tìm vết” là thành ngữ thuần Việt hay xuất phát từ thành ngữ Hán Việt? (Hoàng Văn Nam, Hội An, Quảng Nam).

- “Bới lông tìm vết” xuất phát từ thành ngữ Hán Việt: “suy mao cầu tì”. Trong tiếng Việt, thành ngữ này được dùng để chỉ hành vi của những người hay bới móc khuyết điểm, thiếu sót của người khác.

“Bới lông tìm vết” có xuất xứ từ việc xem xét các loại chim đẹp ở các hội thi chim ngày xưa bên Trung Hoa. Khi các chú chim đẹp cả về lông cánh, dáng điệu và tiếng hót được chọn vào vòng chung khảo, một số người đã có hành động moi móc không thiện ý, bới lông dò tìm những vết tích xấu ẩn giấu dưới lớp lông đẹp của chim để đánh sụt giá trị vẻ đẹp của chim. Từ đó, hình thành thành ngữ “bới lông tìm vết” để chỉ hành vi cố tìm moi móc khuyết điểm của người khác để hạ thấp uy tín của họ.

Trong Hồng Đức quốc âm thi tập (tuyển tập thơ chữ Nôm của vua Lê Thánh Tông và triều thần) có câu: Bới lông mựa nỡ tìm nơi vết/ Cũng có khi kinh, cũng có quyền.

Gần nghĩa với thành ngữ đang xét là “vạch lá tìm sâu”, “bới bèo ra bọ”.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.