.

Thư pháp chữ Việt trên đường định hình

Gần đây phong trào viết thư pháp chữ Việt rộ lên ở khắp nơi, từ những hội chợ, triển lãm văn hóa, đến những hè phố, lề đường khắp ba miền Bắc Trung Nam. Và trong tình hình ấy, có 2 xu hướng: một là ủng hộ, một “phê phán” mạnh mẽ…

“Thư pháp” chữ Việt hay là “nghệ thuật viết chữ” đẹp?

Thực tế, người ta phê phán thư pháp chữ Việt vì họ vướng vào cái vòng “duy danh định nghĩa” của khái niệm “thư pháp” và truyền thống “danh bất hư truyền” của nền thư pháp Trung Hoa. Bởi lẽ, thư pháp của các dân tộc Trung Hoa, Nhật Bản, Ả Rập đã đạt đến tầm vóc “thư đạo”. Vương Hi Chi, một thư pháp gia của Trung Hoa mô tả về thư pháp Hán như sau: “Mỗi nét ngang như mây bay, như bày trận, mỗi nét móc như một cây cung cứng giương lên, mỗi nét chấm như một tảng đá từ cao rơi xuống, mỗi nét lượn như một cái móc đồng, mỗi nét sổ như một sợi khô đằng vạn tuổi, mỗi nét phảy như một đôi chân phóng chạy”. Khi viết chữ, nhà thư pháp phải vận công lực để tâm - ý - pháp nhất quán phóng chiếu một cách vô thức thành một tác phẩm nghệ thuật mà ở đó tư tưởng, phong cách, hành trạng người viết đều có thể hiện ra trên bức thư pháp ấy. Cách nói dân gian Việt Nam là “văn hay chữ tốt” cũng hàm nghĩa chữ và nghĩa, nội dung và hình thức, văn và người nhất quán trong một thể tính như vậy. Người Nhật gọi thư pháp là “shodo” (thư đạo). Đó là một pháp môn dẫn dắt họ vào thế giới tâm linh, chuyển tải tâm pháp. Còn nhìn những bức thư pháp Ả Rập thì có cảm giác đó là những điệu luân vũ của lửa, của màu sắc, của kiến trúc, vì người Hồi giáo xem thư pháp là nghệ thuật cao quý bậc nhất, nghệ thuật thị giác hàng đầu…

Sở dĩ nền thư pháp các dân tộc ấy đạt đến tầm vóc như vậy là vì loại chữ viết của họ là văn tự tượng hình, và thư pháp được xem là một nghệ thuật cung đình dành cho giới tao nhân mặc khách, quý tộc, trí thức. Mặt khác phương thức tư duy truyền thống của một nền văn hóa có tư tưởng, có tính triết học đã tạo ra một cốt cách linh diệu, siêu phàm cho thư pháp dân tộc họ.

Trong khoảng trên dưới mười năm lại đây, thư pháp chữ Việt mới hình thành và đang ở chặng định hình đầu tiên. Trong khi ở Trung Hoa, người chơi thư pháp là những danh gia, quý tộc thì các thư pháp gia của ta phần lớn là những người “tài tử”, có hoa tay. Nền thư pháp mới mẻ này lại nằm trong một nền văn hóa coi trọng tính phác thực, duy cảm, ít chất tư tưởng, triết học… nên vì thế vẫn còn la đà trên những nẻo đường chinh phục.

Thư pháp chữ Việt trên đường chinh phục

Từ trước đến nay, các dân tộc luôn cố gắng để chữ viết của mình vươn tới tính chuẩn mực và quy phạm. Bởi thế một số người đã cách điệu hóa, nghệ thuật hóa để thêm vào cho nó một chức năng mới: chức năng giải trí, chức năng thẩm mỹ…

Và nếu cùng một nội dung mà được thể hiện dưới hình thức đẹp thì cũng đáng để nhìn ngắm, suy tư, cảm xúc. Việc làm đẹp chữ viết là rất cần thiết sau bao nhiêu năm cải cách giáo dục tiểu học, nhưng cùng với sự tiện dụng của bàn phím máy tính đã khiến sự nghiệp “viết chữ đẹp” của lớp trẻ ngày nay dường như thoái hóa. Bây giờ một số cơ quan, trường học cho HS-SV làm báo tường bằng công nghệ in hi-flex, nhìn rất đơn điệu. Còn nhớ những cuộc thi báo tường thời trung học mươi năm về trước, nhìn những tiêu đề, những hình minh họa là thấy mê ngay. Lật những cuốn sổ ghi chép, ghi lời bài hát của các thế hệ trước mới thấy hết ý nghĩa của thư pháp chữ Việt.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời có những chữ viết tài hoa, bay bổng, rất riêng biệt của ông trên các khuôn nhạc đã đem lại cho chúng ta một cảm xúc đầy đủ hơn, ý vị hơn về nhạc của ông. Xa hơn là bức thư họa một người thổi kèn hiệu triệu được Bác Hồ ghép từ 4 chữ Quốc ngữ “Việt Nam độc lập” để minh họa bài thơ: “Việt Nam độc lập thổi kèn loa / Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già / Đoàn kết vững bền như khối sắt / Để cùng nhau cứu nước Nam ta”. Bức thư họa này được đăng trên tờ báo Độc lập, số 103, xuất bản tại Cao Bằng vào năm 1941. Hình thức tuyên truyền sử dụng thư pháp của Bác Hồ bấy giờ thật là sáng tạo và đầy cảm xúc.

Khoảng trên dưới 10 năm lại đây, thư pháp chữ Việt đã hình thành, bắt đầu phát triển và dường như không gian văn hóa của nó trải rộng ra khắp ba miền, từ những lề đường đến các triển lãm, hội chợ. Hiện gần như tất cả các cửa hiệu văn hóa phẩm, mỹ thuật trang trí đều có bán các sản phẩm liên quan đến thư pháp chữ Việt. Trong các gia đình, các cơ quan… người ta đã sử dụng các thư họa, đại tự… các kiểu liên quan đến thư pháp chữ Việt. Giới “thư pháp gia” dường như cũng đã hình thành với những tên tuổi như: Trụ Vũ, Vũ Hối, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Chính Văn, Song Nguyên, Nguyệt Đình, Lê Vũ, Bùi Hiến, Nguyễn Thiên Chương… Các hình thái thư pháp chữ Việt dù chưa định hình, nhưng đã có những tác phẩm mang phong cách thư họa, đại tự, họa tự đã ra đời.

Từ sự yêu chữ, làm mới chữ, từ các kiểu chữ fantasie đến các trang trí, hình vẽ bằng con chữ quốc ngữ, thư pháp chữ Việt đang hình thành và phát triển. Con đường đi tới để trở thành một loại hình nghệ thuật chưa thì chúng ta còn phải chờ đợi. Thế nhưng, như bất cứ loại hình thẩm mỹ mới nào khi vừa ra đời cũng bị những barie “chuẩn mực” phản ứng. Mặt khác khi một lớp người trẻ tuổi tham gia vào trò chơi chữ, yêu chữ, vẽ chữ trong một hiện trạng văn hóa còn quá nhiều trò chơi tạp nham, nguy hại thì chúng ta nên ủng hộ, dành một sự quan tâm cần thiết cho nó hơn là phản ứng cực đoan lại nó.

LÊ QUANG ĐỨC

;
.
.
.
.
.