Có thể nói thế này: cùng với “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam, “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, những tùy bút viết về món ngon của người Hà Nội của Nguyễn Tuân như phở, giò lụa, cốm… thì “Thú ăn chơi người Hà Nội” và nhiều cuốn sách, tùy bút của Băng Sơn đã cho thấy Hà Nội có hẳn một lĩnh vực văn hóa ẩm thực đặc trưng, cũng cho thấy các thế hệ nhà văn đều có những người dành tình cảm đặc biệt cho Hà Nội. Vừa rồi, ông còn trao khoảng 200 tùy bút, tạp văn về Hà Nội cho Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội phát dần trên đài, tivi. Để những nét đẹp của Hà Nội được gợi nhớ, được khẳng định và sẽ có nhiều người học theo.
Nhà văn Băng Sơn |
Nhà văn kể vậy, và ông làm như thế, không chữa, chỉ mỗi ngày uống vào mấy viên B1 để cho có cảm giác ăn uống ngon miệng. Về điều này, ông như tiếc nuối: “Trước đây, hầu như ngày nào tôi cũng đạp xe đi ra phố, thường là nửa ngày. Giờ thì chịu rồi, tuổi già đã giữ chân lại. Nếu có nhớ, muốn đi thì ra ngõ bắt xe ôm, thế thôi”.
Một người cả đời gắn bó với Hà Nội, thuộc ngõ ngách Hà Nội như thuộc cả “cỗ máy” sinh học trên cơ thể mình. Cũng có thời gian mấy chục năm làm thơ, từ năm 1947 cho đến 1970. Đến năm 1975 bắt đầu viết văn xuôi. Gia tài của ông là 2 tập thơ đã in, mấy trăm bài thơ, gần một trăm bài đã in báo. Với ông, thơ không nói hết được cảm xúc. Một lúc nào đó, người ta phải tìm đến văn xuôi để có thể nói được hết tâm tư tình cảm của mình. Những năm trước, ông thường cộng tác với khoảng 50 tờ báo. Giờ chỉ cộng tác với khoảng hơn chục tờ thôi. Mà phần lớn là họ đến lấy bài, về đăng, rồi lại mang nhuận bút đến, hoặc ông nhờ con gái đi lấy hộ. Nhà văn Băng Sơn quan niệm rằng, viết văn và làm báo là một. Có vài người nói rằng “tôi viết văn, nên chẳng viết những cái vặt vãnh”. Ông bảo họ nói thế là sai. Viết cái gì cũng là viết, miễn là của mình. Muốn viết được phải có ý nâng cao tác phẩm của mình lên, để sau khi in báo còn có cơ hội in thành sách. In báo thì có thể vài ngày là người ta quên, in sách thì ắt được nhớ lâu hơn.
Đi phố nhiều, bè bạn nhiều, nhưng ông lại là một người không biết đến rượu bia hay bất cứ một loại nước có men nào. Ông cụ thân sinh của nhà văn ngày xưa cũng vậy, và dường như ông được hưởng cái gien đó. Nét sinh hoạt này không hạn chế nhà văn viết về rượu, mà ông còn là một người viết rất hay về rượu, viết mà người khác phải nể. Cũng như ông viết cả những tập sách về món ngon đất Hà thành, những món ăn dân dã. Thực ra nhu cầu của ông đâu có nhiều như vậy. Ông là người thanh cảnh, ăn rất ít và rất nhiều món không ăn được. Ông nói mình chỉ ăn bằng cảm giác, bằng cái hồn cốt của văn hóa dân tộc chất chứa trong đó. Tôi hỏi: “Làm sao để ông có thể viết về món ăn mà khiến người đọc muốn được ăn đến vậy?”. Ông nói: “Với một nhà văn, khi giới thiệu một món ăn nào đó thì không phải đi miêu tả cách chế biến, mà làm sao cho họ cảm nhận được cái đẹp văn hóa chất chứa trong từng món ăn. Nếu ăn chỉ nhằm cho no bụng là anh phàm phu tục tử. Ăn cũng phải đẹp, mới là văn hóa”. Băng Sơn không phủ nhận mình ảnh hưởng bởi “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng. Ông đọc rất nhiều, đọc sách nghệ thuật, sách của Vũ Bằng, Cao Bá Quát, đọc cổ sử… để rồi chắt lọc thành một mảng văn hóa, thành cái chất của Băng Sơn mà ông từng nói là do sự kết hợp của một người sống trong nhiều giai đoạn cuộc đời, được biết đến nhiều món ẩm thực.
Nếu để nói về những kỷ niệm sâu sắc, thì có lẽ, Hà Nội là nơi chất chứa nhiều nhất kỷ niệm của ông. Từng ngôi nhà cổ, từng con phố, từng hàng cây hay dáng hào hoa thanh lịch thiếu nữ thủa nào… đã đúc kết nên một Băng Sơn đầy hoài cảm phố phường. Ông thuộc từng chi tiết, đường sá của Hà Nội, bởi có một quá trình thấm dần như đứa trẻ lớn dần lên. Cuộc sống, sinh hoạt đất Hà thành trở nên gần gũi, thân quen, nó cứ ngấm dần, ăn sâu vào máu thịt ông. Tôi hỏi: “Có phải bác rong ruổi phố phường là để có cảm hứng viết?”. Nhà văn lắc đầu: “Chẳng phải thế, đi là chỉ để rong chơi, để thấy mình gần gũi với cuộc đời. Đêm về thì viết, và thấy rằng Hà Nội ngấm vào mình thật”.
Quan niệm nghệ thuật của ông là nhà văn phải làm cho cuộc đời đẹp hơn lên. Có những cái rất gần gũi, ai cũng biết, nhưng chỉ nhà văn là phát hiện ra nó có điều gì đó đặc biệt. Và chính ông, là người đã phát hiện ra vẻ đẹp của hoa Sữa, hoa Sưa, cây lộc vừng ở Hà Nội để rồi người ta yêu hoa, cứ tìm đến mà ngắm, hoa thành đặc trưng, thành cái hồn của từng con phố. Những cây cối, loài hoa vốn đã mang trong mình vóc dáng diễm lệ, qua ngòi bút của ông, nó càng trở nên đẹp đẽ hơn, người ta lại cất công đi tìm chúng, chỉ để ngắm chơi, và nhận ra rằng, xung quanh mình vẫn còn nhiều điều đẹp đẽ.
Nhắc đến Băng Sơn là nhắc đến người viết tùy bút. Cũng có nhiều người viết thể loại này, nhưng chỉ là rẽ ngang qua, còn Băng Sơn, ông dồn tâm huyết cho tùy bút, gắn bó với nó, và bảo vệ nó. Đọc văn Băng Sơn, người ta thấy sự kỹ càng, tỉ tê, chi tiết và thấy lòng nhẹ nhõm. Ở những trang văn đầy trữ tình đó, người ta thấy hiện rõ lối sống, sinh hoạt của Hà Nội. Ở đó có hơi thở phập phồng của phố phường, của lá, có khoe sắc của hoa, có nồng ấm của rượu, có đậm đà các món ngon. Và để cho mỗi ai yêu Hà Nội sẽ yêu hơn, yêu thêm.
Những điều mà nhà văn Băng Sơn đề cập đến sẽ thành di sản của Thăng Long nghìn năm, của hồn dân tộc. Và văn ông đã làm nên chân dung ông, một chân dung của phố phường, của những điều đẹp đẽ.
Nguyễn Văn Học