.

Đá sáng

.

Ông Nguyễn Việt Minh ở cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ.

Là chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 (R20), tham gia nhiều trận đánh diệt Mỹ, ba lần bị thương, là cựu tù ở đảo Phú Quốc. Cựu chiến binh Nguyễn Việt Minh trở về đời thường với nghề đá mỹ nghệ ở Non Nước. Cuộc đời ông đã sáng lên từ đá.

Ở tuổi 67, thương binh Nguyễn Việt Minh có nét đẹp tài hoa của một nghệ sĩ hơn là một nghệ nhân. Quê ông ở Đông Hải, Hòa Hải-Ngũ Hành Sơn, lớn lên trong một gia đình có 4 đời làm nghề điêu khắc đá, từ nhỏ đã được nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Chất truyền nghề, 20 tuổi ông tạm gác ước mơ nghệ thuật để cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương, được tôi luyện trong đơn vị R20. Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị ông tiến công vào Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1, ông bị thương và bị địch bắt. 5 năm trong nhà tù địch ở đảo Phú Quốc, ông vẫn nung nấu ước mơ trở thành một nghệ nhân điêu khắc đá.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê hương và đứng ra thành lập Hợp tác xã đá mỹ nghệ Non Nước. Trong khó khăn của thời kỳ bao cấp, nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề đi tìm kế sinh nhai, làng nghề dần mai một, hợp tác xã chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi đành giải thể. Khát khao vực dậy một làng nghề vẫn được ông nung nấu. Ông động viên các nghệ nhân ở lại mở lớp dạy nghề, bám trụ chờ đợi cơ hội.

Và cơ hội đã mỉm cười với ông. Bước sang giai đoạn đổi mới, làng đá mỹ nghệ Non Nước tái sinh, cơ sở đào tạo và sản xuất tại nhà ông Minh thường xuyên có người theo học. Chỉ sau 20 năm đổi mới, ông đã đào tạo được gần 300 nghệ nhân trẻ. Riêng cơ sở của ông Minh có đến 30 thợ lành nghề với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng, gia đình ông có thu nhập hơn một tỷ đồng mỗi năm.

Chuyện của ông cứ ngỡ như huyền thoại. Một dũng sĩ diệt Mỹ của Tiểu đoàn R20 lừng danh, một thương binh 2/4, nay trở thành một nghệ nhân tài hoa, một doanh nhân điển hình. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, từ giao tiếp kinh doanh đến kiểm tra cơ sở sản xuất, từ chỉ dẫn học trò đến tự tay sáng tạo mẫu mã, và giữ vai trò của một Chủ tịch Hội làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Ủy viên Hội Doanh nhân thành phố, Ủy viên Hội Từ thiện… nhưng phong thái trong giao tiếp, chuyện trò của ông vẫn tao nhã, phong lưu. Sản phẩm điêu khắc đá của ông ngày càng tinh xảo, đa dạng, có sắc thái riêng và đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ tác phẩm của khách hàng, nhiều hợp đồng dài hạn được ký kết ở nhiều nước như: Mỹ, Pháp, Canada, Thái Lan, Đài Loan… Các công trình lớn ở các khu du lịch như Bà Nà, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đều có các tác phẩm của cơ sở ông góp phần tô điểm. Đi lên từ bàn tay trắng, khi cơ nghiệp đã vững vàng, hằng năm ông Minh dành hàng chục triệu đồng giúp đỡ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, tặng sổ tiết kiệm tình thương cho Bà mẹ VNAH, hoặc tặng học bổng cho con thương binh vượt khó học giỏi…

Nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến cơ sở của ông để khích lệ, động viên. Năm 2005, ông được đi dự và báo cáo thành tích tại Đại hội Thi đua “Biểu dương người cao tuổi sản xuất-kinh doanh giỏi” tại Hà Nội. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ tặng ông Bằng khen “Đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có nhiều thành tích trong phong trào đền ơn đáp nghĩa”. Vinh dự đó thật đáng tự hào đối với một thương binh bám trụ vững vàng để vực dậy một làng nghề truyền thống và làm việc nghĩa với tấm lòng nhân ái.

Trong nắng mai, nhìn ông đang hướng dẫn, chỉ đạo học trò trong vườn tượng, làng đá mỹ nghệ Non Nước rộn rã những âm thanh đục đẽo từ những khối đá trắng, trông ông thật dễ gần. Ông chỉ có một mong muốn: Sẽ có nhiều vị cao niên được vinh danh là nghệ nhân tài hoa để cho các thế hệ trẻ mai sau lấy đó làm gương mà phấn đấu, để làng đá Non Nước sẽ mãi mãi sáng lên từ đá.

HÀ NGUYÊN

;
.
.
.
.
.