.

Trở về Đại Bình

.

Biết tôi là dân Đại Bình chính gốc, mấy anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng nói sao tôi không làm một chuyến đưa các anh lên thăm thú cái nơi được mệnh danh là “Làng cây trái Nam Bộ giữa miền Trung”.

Bến sông vẫn trông chờ những cuộc trở về để làm một điều gì đó cho quê nhà Đại Bình.

1- Tôi sinh ra và lớn lên nơi làng quê yêu dấu này. Ngẫm lại, vẫn thấy tiếc một điều là hiện Đại Bình vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể có thể phá vỡ được sự bế tắc trong đời sống hiện tại của người dân. Hạt giống khi gieo xuống đồng ruộng đi kèm với nỗi thắc thỏm, lo âu. Bởi, những yếu tố nước, phân, cần, giống bao đời nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của việc canh tác. Người nông dân chỉ biết dựa vào nước trời cho nên mùa được, mùa mất, vừa đủ cái ăn là may lắm rồi.

Muốn vào làng, phải qua đò ngang và leo một con dốc. Nghỉ một lát ở phía sau cổng làng, nơi có câu “nhật nhật tân, hựu nhật tân”, hình như bao lo toan, phiền muộn và cả sự vất vả trên đường về Đại Bình như được trút hết. Có thể cuốc bộ khắp làng, lang thang bất cứ đâu muốn tới, con đường nào cũng rợp bóng cây, vườn cây nào cũng trái trĩu cành. Muốn vào thăm nhà nào, cứ gõ cửa và sẽ được đón mời như một thượng khách. Nếu đem theo xe máy, có thể để bất cứ nơi nào trên đường làng, khi quay lại, vẫn còn nguyên chỗ cũ. Ở đây, ban đêm không phải cửa đóng then cài.

Buổi sáng, chúng tôi ngồi lại bên bến đò Đại Bình, ngắm nhìn sự tấp nập của bến nước trung du. Trên những chuyến đò ngang, học sinh trung học qua trường bên kia sông, phụ nữ gánh gồng ngô khoai, cây trái xuống dốc, qua đò, rồi lại leo dốc để lên chợ Trung Phước. Bao đời nay, người phụ nữ xứ này cần cù, nhẫn nại, chịu đựng bao nỗi nhọc nhằn để nuôi con ăn học, trong khi sinh lực tuổi đời của họ vơi đi, nghĩ thật bùi ngùi...

2- Kể chuyện Đại Bình, không thể không nhắc đến ông Huỳnh Châu và cây sầu riêng ở xứ này. Năm 1932, ông Châu mang cây sầu riêng từ Nam Bộ về trồng trên đất Đại Bình. Những năm sung sức, nó cho năng suất lên đến 3 tấn/năm. Trận bão năm 2007 đã đánh chết cái cây có gốc ba người ôm mới hết này khi nó đã vượt xa tuổi “xưa nay hiếm”. Từ cây sầu riêng đầu tiên trồng thành công ở Đại Bình, giống cây gốc miền Nam này đã được nhân ra trồng khắp nơi trong tỉnh Quảng Nam, như một bằng chứng đầy thuyết phục rằng đất đai màu mỡ xứ này có thua gì Nam Bộ.

Trong khi đó thì cây trụ lông, một loại bưởi ruột trắng hồng, rất ngọt, có mùi thơm quyến rũ cũng đã được nhân giống và trồng khắp làng từ nhà ông Thủ Bảy, ông Thủ Sâm, ông Cửu Ban, ông Chín Cận. Trụ lông vỏ xanh, ngoài vỏ có một lớp lông tơ mịn trắng mượt mà như lông măng trên cánh tay con gái dậy thì. Trụ lông ra hoa vào tháng chạp, trắng muốt khắp cả đường làng. Những ngày giáp Tết, nắng xuân dịu dàng, gió xuân mơn man trên hoa ngàn cỏ nội, hoa trụ tỏa hương thơm như mái tóc người yêu mới vừa gội, ngào ngạt đêm đêm…

Những năm mưa thuận gió hòa, trụ lông ở Đại Bình cho sản lượng lên cả chục tấn. Nếu so sánh với bưởi Năm Roi ở Cần Thơ, Tiền Giang, bưởi da xanh ở Bến Tre, trụ lông Đại Bình phải được xếp vào hàng số một cả về chất lẫn lượng. Chính vì những tính ưu việt ấy của trụ lông, Viện Nghiên cứu cây giống miền Trung và Phòng Công thương huyện Nông Sơn đã thực hiện chương trình nhân cây giống sầu riêng và trụ lông bản địa để cho Đại Bình có thể phát triển hướng tới một làng trái cây đặc sản, tạo thương hiệu để xuất khẩu.

Cổng làng vẫn luôn rộng mở để đón du khách.

3- Từ ngày đình làng Đại Bình bị xóa sổ trong trận lụt năm Thìn 1964 đến nay, dân làng vẫn chưa tái lập được ngôi đình làng và mái đình xưa vẫn chỉ còn trong hoài niệm. Tôi tin rằng, sớm muộn gì ngôi đình cũng sẽ được xây dựng lại bề thế, hoành tráng hơn xưa. Một vấn đề lớn và cần thiết để thực sự cải thiện đời sống của dân làng Đại Bình là bắc cây cầu qua sông nhằm phá vỡ cái thế bế tắc của vùng dân cư này, tiến đến tạo dựng thành vùng du lịch sinh thái.

Cuối tháng 3 vừa rồi, lần đầu tiên một chiếc xe ủi đất chạy vào làng Đại Bình để sửa chữa sân bóng đá. Hè năm nay, con đường dài 3 cây số nối từ cầu Nông Sơn đến đầu làng sẽ được khai thông. Thế nhưng, đó chưa phải là con đường kinh tế và càng chưa thể phá vỡ thế bế tắc về địa lý cho tiềm năng du lịch và sự hưng thịnh của một làng quê hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.

4- Người Đại Bình mang nặng tính khí Quảng Nam, và hầu như gia đình nào cũng có cái hướng vọng vượt ra khỏi làng. Cho nên dù cực khổ đến mấy đi nữa, nhiều gia đình lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Có lẽ một phần do hoàn cảnh địa lý bị dồn nén từ bao đời nay. Trước mặt làng là dòng sông Thu mùa bão lụt thường trực đe dọa, phía sau là núi rừng Trường Sơn án ngữ, đầu làng và cuối làng là rừng, là núi, không có lối ra, ba trăm năm nay, làng chỉ có độc đạo con đường duy nhất đò ngang để ra khỏi làng.

Con đò ngang ở Đại Bình đã chứng kiến sự hưng thịnh và cả lúc suy vi của làng. Hàng ngàn người đã ra đi từ thủy đạo độc nhất này và hàng trăm người không quay về đò xưa bến cũ, để lại trên bến sông này bao nhiêu thương nhớ ngậm ngùi. Người lái đò trăm năm trước đã ra đi và những thế hệ con cháu sau này tiếp nối công việc. Người lái đò ngày xưa cũng như bây giờ, họ với dân cư trong làng là một, họ biết rõ đời sống từng gia đình, tính nết từng ông già, bà cụ trong làng. Giá như có ai đó về muộn lúc đêm khuya, chỉ cần đứng bên này sông gọi “Chú C. ơi/chú A. ơi..., cho tôi về với”, người lái đò sẽ trả lời ngay “Chú qua đây Tuấn ơi/Châu ơi hay Tuyết ơi…”.

Họ biết rõ từng người, nhớ từng giọng nói của nhau. Cái tình nghĩa ấy nó sâu nặng, nó thân thương biết lấy gì đo được! Tôi đã từng đi về trên con đò này hàng vạn lần. Con đò, bến nước, bưng bãi, dòng sông Thu đã in đậm nét trong tâm hồn. Cũng chính con đường đò ngang độc đạo này đã nâng đỡ những bàn chân son trẻ ra đi và ngày nay họ đã thành đạt đáng khâm phục. 3 tiến sĩ đang làm việc ở Hoa Kỳ, 1 tiến sĩ đang ở Nhật và 6 bác sĩ, thạc sĩ đang làm việc khắp nơi trong nước. Nhiều bạn trẻ cũng đã trở thành nhà triệu phú.

Đại Bình vẫn mong chờ bước chân trở về của những người đã ra đi từ con đò ngang này để họ có thể làm được điều gì đó cho những người nông dân cần cù lam lũ trên cánh đồng nước trời heo hút ấy.

Ký của HOÀNG QUY

 

 

;
.
.
.
.
.