.
Hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Đừng nói lời vĩnh biệt

.

Nhiều khi tôi cứ thầm tự hỏi: Tự lúc nào tôi nghĩ tới Hà Nội. Vậy rồi ký ức như một cuốn phim tư liệu cứ hiện dần lên Hồ Gươm, dòng Nhị Hà cùng với những âm thanh lắng dần trong tiềm thức. Những lúc như thế tôi thường lặng lẽ để nghe trong sâu xa một giai điệu quen thuộc:

Hồ Gươm. (Ảnh tư liệu) 
Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời
Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó…

Tôi nhớ, vào một mùa đông se se mưa bụi, bên bến đò sông La quê tôi có mấy anh bộ đội ngồi nhìn ra bờ sông và khẽ bật bung những dây đàn băng giô. Người ôm đàn trước ngực là anh Phan Hồng Thái

Đây hồ Hoàn Gươm bên dòng Nhị Hà
Đi học về qua tôi vui hát ca…

Thế là từ đó, trong tôi đã có Hồ Gươm, có Nhị Hà, có chợ Đồng Xuân và tên một người mà tôi chưa biết mặt, nhưng trong sâu xa, tôi thầm biết ơn ông nhiều lắm, bởi chính ông là người đã cho tôi cảm hết cái nhớ, cái yêu Hà Nội, để rồi Hà Nội cứ lung linh trong tôi, hiện về trong những giấc mơ. Đó là nhạc sĩ Huy Du. Năm đó tôi là cậu bé con mười tuổi, chưa hết lớp một trường làng.

Những ngày thần tiên sau ngày hòa bình lập lại. Tôi được ra Hà Nội học. Trường học đầu tiên với những người bạn Hà Nội là ngôi trường tiểu học Ngô Sĩ Liên trên con phố nhỏ yên ả Hàm Long. Nhưng bài hát mà nhờ đó tôi mới biết và yêu Hà Nội, Nhị Hà. Nhiều khi tha thẩn trên những con phố nhỏ, tôi thầm hát như để thấm thêm cảm giác Hà Nội:

Cất bước ra đi chiều năm xưa
Dặm dài kháng chiến quên ngày về
Bụi đường trường chinh pha mái tóc
Vẫn nhớ khi đi ghi lời thề…

Cuối cùng thì một ao ước thầm lặng đã đến với tôi. Người chiến sĩ tự vệ thành Hoàng Diệu năm nào với một tình yêu trong trái tim đầy sức truyền cảm của ông đang mỉm cười trước mặt tôi đây. Nhạc sĩ Huy Du. Năm 1980 tôi được cấp nhà ở khu tập thể Giảng Võ. Dịp đó gia đình nhạc sĩ cũng nhận căn hộ tầng 2. Biết ông lần đầu, tôi ngẫu hứng hát lên như một tiếng reo thay cho lời chào:

Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời
Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó...


Tóc nhạc sĩ đã bạc nhiều, nhưng gương mặt thì vẫn còn nguyên nét lính, phong sương, rắn rỏi.
Điệp khúc giàu chất tráng ca say lòng này có lẽ là lời tâm huyết của những chiến sĩ Trung đoàn Thăng Long gửi gắm Thủ đô khi buộc phải xa đô thành để hẹn một ngày về .

- Thực ra mình không phải người gốc Hà Nội. Quê mình ở Bắc Ninh. Nhưng mình đã sống ở Hà Nội từ lúc hai tuổi và lớn lên trên những con phố yên lành. Rồi những ngôi trường mái ngói, rồi những viên bi, những đêm hè đuổi bắt quanh núi Nùng… Từng ngày, từng ngày mình lớn lên cùng với mảnh tường, ngõ phố, nhịp cầu. Hà Nội từ lúc nào trở nên sâu nặng, là phần hồn của mình.

Ngay từ những ngày đầu, khi tuổi đời chưa tròn hai mươi, ông đã đứng vào đội ngũ những chiến sĩ tự vệ thành Hoàng Diệu, đứng dưới những hàng cây xà cừ lặng phắc trong giông bão. Rồi một đêm mùa đông buốt giá năm 1946, Trung đoàn Thăng Long mà ông là một trong những chiến sĩ đầu tiên, được lệnh rời Hà Nội ra đi… đi cho đến chín năm sau.

- Có lẽ phải là người Hà Nội mới nhớ Hà Nội đến thế. Chính trong đêm buốt lạnh ấy mà trong lòng cứ như bừng nóng. Lòng cứ hẹn với riêng Hà Nội của mình một ngày về. Hà Nội thấm dần vào trong bước đi lặng lẽ của trung đoàn. Đã yêu, đã nhớ đến nao lòng khôn nguôi thì ai cũng có thể trở thành thi sĩ, nhạc sĩ cả thôi, nào chỉ riêng mình. Ông Văn Cao, ông Nguyễn Đình Thi, ông Hồ Bắc, ông Lương Ngọc Trác… thuở ban đầu mấy ai biết đàn biết nhạc cho ra trò. Từng này tuổi đời, sáng tác cũng được mấy bài để nhớ, mình mới ngẫm ra rằng, nhạc nó ở sâu trong hồn mình. Ngày ấy chúng mình là lính Hà Nội, cũng tiểu tư sản chút chút. Hát với nhau để nhớ Hà Nội, yêu Hà Nội và rồi đánh nhau cũng phải cho ra người Hà Nội. Trung đoàn mình sau này được phong là trung đoàn anh hùng đấy nhé.

Ông đã ra đi, nhưng trước mắt tôi dường như lúc nào cũng hiển hiện gương mặt Huy Du bên dòng Nhị Hà, mỗi khi tôi chợt nhớ mặt hồ Hoàn Gươm của riêng ông. Huy Du ơi, tôi không muốn nói với ông lời vĩnh biệt.

Như Nguyễn 




 

;
.
.
.
.
.