.

Khi “một đồng sợ tốn”

.

Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bình quân có khoảng 500kg chất thải y tế (CTYT) nguy hại, so với gần 800 tấn rác sinh hoạt thì xem ra chẳng thấm tháp gì. Tuy ít là vậy, nhưng mức độ nguy hại thì khôn lường, nếu không quản lý đúng như quy định.

Từ quy chế đến thực tế

Lãnh đạo ngành Môi trường đô thị tỉnh Quảng Nam tham quan lò đốt CTYT nguy hại công suất 200kg/giờ tại bãi rác Khánh Sơn.

Quy chế Quản lý CTYT được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30-11-2007 định nghĩa: “CTYT nguy hại là CTYT chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy an toàn”.

Từ ngày 31-12-2008 trở về trước, CTYT nguy hại tại các bệnh viện ở Đà Nẵng được thu gom, phân loại, quản lý và “xử lý nội bộ” qua các lò đốt tại các bệnh viện. Từ ngày 1-1-2009 đến nay, các bệnh viện không được sử dụng lò đốt nữa mà giao toàn bộ CTYT nguy hại cho Công ty Môi trường đô thị (nay là Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (MTĐT) Đà Nẵng) thu gom, vận chuyển và xử lý tại lò đốt công suất 100kg/giờ ở bãi rác Khánh Sơn. 8 tháng sau, một lò đốt có công suất gấp đôi trị giá hơn 2,9 tỷ đồng tiếp tục được đưa vào vận hành tại cùng địa điểm, chấm dứt hoàn toàn tình trạng CTYT nguy hại không được xử lý triệt để tại một số bệnh viện.

CTYT có 5 loại: Chất thải lây nhiễm, chất thải hóa học nguy hại, chất thải phóng xạ, bình chứa áp suất và chất thải thông thường. Người làm phát sinh chất thải phải thực hiện phân loại ngay tại nơi phát sinh chất thải và đựng từng loại trong các túi và thùng có mã màu kèm biểu tượng theo đúng quy định. Màu vàng: chất thải lây nhiễm; màu đen: chất thải hóa học nguy hại, chất phóng xạ; màu trắng: chất thải tái sử dụng; màu xanh: chất thải thông thường. Riêng chất thải lây nhiễm sắc nhọn (như kim tiêm, lưỡi dao mổ…) phải được đựng trong thùng màu vàng, cứng, không thấm nước, không đâm ra ngoài...

Số liệu của Xí nghiệp Xử lý chất thải nguy hại và Dịch vụ môi trường (Công ty TNHH một thành viên MTĐT Đà Nẵng), đơn vị trực tiếp thu gom, xử lý CTYT nguy hại cho thấy, Đà Nẵng có 36 bệnh viện (tỷ lệ 100%) và 30 cơ sở y tế tư nhân đang hợp đồng với xí nghiệp trong vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý CTYT nguy hại. Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố bình quân có khoảng 500kg CTYT nguy hại, so với gần 800 tấn rác sinh hoạt thì xem ra chẳng thấm tháp gì. Tuy ít là vậy, nhưng mức độ nguy hại thì khôn lường, nếu không quản lý đúng như quy định.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, nơi có lượng CTYT nguy hại nhiều nhất thành phố với bình quân mỗi ngày 200-250kg (xếp sau đó là Bệnh viện Hoàn Mỹ: 120-140kg; Bệnh viện C: 100-120kg), việc phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn tại bệnh viện đã được cải tiến đáng kể. Về vấn đề này, Bác sĩ Lê Thị Hồng Chung, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đà Nẵng), nhấn mạnh đến mức độ nguy hại của chất thải lây nhiễm gồm 4 loại: chất thải sắc nhọn, chất thải không sắc nhọn, chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao và chất thải giải phẫu. Không chỉ toàn bộ cán bộ, công nhân viên bệnh viện mà cả công nhân của Công ty Hoàn Mỹ, đơn vị nhận vận chuyển CTYT nguy hại đến địa điểm tập trung trong bệnh viện, cũng được học Quy chế Quản lý CTYT của Bộ Y tế.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, trong CTYT có 85% không lây nhiễm, 10% lây nhiễm và 5% rất độc hại. Nếu đốt hết CTYT thì sẽ gây ra những khí thải, khí độc hại làm ô nhiễm môi trường, nhất là nhựa có chứa Clo. Còn một số CTYT không lây nhiễm nếu được tái chế sử dụng sẽ đem lại những lợi ích thiết thực, như làm giảm chi phí cho xử lý CTYT của các bệnh viện; tiết kiệm được nguyên liệu…

Tuy nhiên, khi tự đánh giá giữa thực hiện thực tế tại bệnh viện so với Quy chế, bác sĩ Hồng Chung cũng nhìn nhận tồn tại hai điểm chưa chuẩn. Thứ nhất, khi vận chuyển CTYT, lẽ ra thùng màu gì thì có xe riêng màu đó, nhưng Công ty Hoàn Mỹ vẫn chưa có xe riêng, vận chuyển chung, ra đến điểm tập trung mới phân riêng ra. Thứ hai, lẽ ra chất thải lây nhiễm sắc nhọn phải được đựng trong thùng màu vàng, cứng, không thấm nước, không đâm ra ngoài, nhưng bệnh viện chưa thể triển khai triệt để vì thiếu... kinh phí. Cả bệnh viện một ngày dùng từ 120-200 thùng, mỗi thùng giá 12 nghìn đồng thì mỗi ngày mất đứt từ 1,44 đến 2,4 triệu đồng! Hiện nay, bệnh viện đang thử nghiệm dùng 40 thùng inox với giá 320.000 đồng/thùng để đựng chất thải lây nhiễm sắc nhọn tại tòa nhà 7 tầng. Chi phí ban đầu không nhỏ, nhưng loại thùng này có thể rửa sạch đưa vào tái sử dụng.

Bốn đồng không đủ

Các xe tiêm, xe thay băng ở Bệnh viện Đà Nẵng đều có các thùng phân loại chất thải y tế.

CTYT, nếu con người sơ hở, sẽ là nguồn lây lan bệnh tật nguy hiểm, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Vì thế, xe chuyên dùng chở CTYT nguy hại mà Xí nghiệp Xử lý chất thải nguy hại và Dịch vụ môi trường đang sử dụng (trị giá gần 866 triệu đồng), ngoài thiết bị bảo quản lạnh còn gắn hệ thống định vị toàn cầu GPRS để cơ quan chức năng có thể theo dõi xe đi đâu về đâu.

Việc quan trọng là vậy, thế nhưng, rất tiếc, một số cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn hiện vẫn chưa tự giác “định vị” việc xử lý CTYT của mình trong mặt bằng chung của toàn thành phố. Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc xí nghiệp, than phiền rằng thành phố có 400 cơ sở y tế tư nhân, nhưng xí nghiệp chỉ mới nhận hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý CTYT nguy hại với 30 cơ sở. Hiện nay, đơn giá vận chuyển, xử lý CTYT nguy hại là 7.438 đồng/kg. Nếu mỗi cơ sở trả mỗi tháng chỉ 200 nghìn đồng thôi thì có lỗ chúng tôi vẫn nhận để rác nguy hại không thải ra ngoài môi trường - ông Tiên khẳng định.

Đã mở cơ sở hành nghề y thì đừng nói là không có rác thải y tế. Không hợp đồng với ngành môi trường thì các cơ sở y tế tư nhân đổ CTYT đi đâu? Câu trả lời dành cho các cơ quan chức năng. Nên chăng, cơ quan chức năng trước khi cấp phép hoạt động cho các cơ sở y tế tư nhân, đòi hỏi cơ sở phải có giấy tờ xác nhận về xử lý CTYT nguy hại. Bởi một khi CTYT nguy hại âm thầm phát tán ra môi trường thì (cơ sở) “một đồng sợ tốn” (nhưng cả xã hội sẽ) “bốn đồng không đủ”!

VĂN THÀNH LÊ

 

 

;
.
.
.
.
.