Trên dặm dài nhớ quên đời người, những lúc lòng lắng lại ngồi ngắm mưa chan nắng gội, nỗi nhớ thanh xuân như trò chơi ném thia lia tuổi thơ còn mãi. Đó là ký ức trong veo mà mỗi khi gặp lại, yêu thương sóng tràn lên những câu thơ tươi rói cảm xúc. Không đâu khác, chính thơ Nguyễn Xuân Tư mách bảo ý nghĩ ấy cho tôi khi đọc “Bỗng dưng”.
“Bỗng dưng” cho thấy sự tiếp nối và xuyên suốt vẫn là “những bài thơ hiền hòa, chân chất, giản dị” (Đông Trình). Nhưng ở tập thơ thứ hai này, tình cảm, cảm xúc nhuần thấm hơn, lay động hơn.
Giếng làng ơi! Giếng làng ơi!
Trong tôi lắng tiếng
gàu rơi…
giếng làng.
(Giếng làng)
Dễ thấy, trong “Bỗng dưng”, tác giả dành nhiều những vần điệu để biểu đạt tình yêu con người và cuộc sống. Tình yêu đập nhịp xao xuyến làm cho mùa xuân nồng thắm, nên thơ:
Hình như hoa cũng có tình
Hình như tôi thấy lòng mình đang ngân.
(Chợ hoa Tết)
Anh nhận ra cây tình yêu mới thực sự trổ hoa ánh sáng soi tỏ, tỏa phát niềm vui nhân gian và vĩnh cửu:
Quầy hoa xuân sáng nụ cười
Để tôi cảm nhận đất trời đang Xuân
(Quầy hoa xuân)
Anh sẻ chia bằng sự nếm trải và xác tín:
Chỉ riêng tình bằng hữu
Vẫn luôn hoài tươi xanh
(Bạn cũ)
Và hơn thế, tình yêu đủ dựng dậy những “ban mai” khát vọng:
Tình người luôn nồng thắm
Bên ngoài: trời ban mai…
(Dự cảm)
Vượt qua cái tuổi tri thiên mệnh, thường thì người ta ngoái lại phía sau để mà chiêm nghiệm, mà hân hoan, mà ưu tư, mà thương yêu, mà xa xót nhưng ở anh, cuộc sống như cung đàn hòa thanh trái tim mỗi ngày gõ cửa. Cho nên, thi sĩ nhìn “Bà Nà như cô gái”, “sông Hàn mà không lạnh”. Ngay cả những thao thức không làm gầy guộc đêm dài mà “gieo mầm bao ước vọng”, với “nhiều dự cảm ngày mai”.
Đọc “Bỗng dưng”, mảng thơ viết về ngành điện, về thành phố năm ngọn núi, về con sông Hàn thơ mộng giàu màu sắc nhân văn luôn thường trực trong cảm thức tác giả. Một thiên hà mặt đất “lấp lánh… trời sao”, thắp sáng hạnh phúc; một kết nối từ những đường dây làm nên “khuông nhạc, cung đàn” rung ngân khúc điệu không lời từ bàn tay vô hình của gió. Cảm hứng niềm vui, nhờ thế làm cho những câu thơ hồng hào sắc diện. Và như một tất yếu, những “Bỗng dưng”, “Bất chợt”, “Hình như”… đi về trong thơ cho thấy một hồn thơ nhạy cảm với những tơ tình giăng mắc, dệt nên ý vị cuộc đời.
Dù qua muôn nẻo đường vui trong đời, nhưng công bằng mà nói, những lúc trở về với chính mình, ta thấy nhà thơ lặng lẽ vọng niệm tuổi thơ trong cơ cực, trong bom đạn mù trời thời chiến tranh, trong tiếng ầu ơ hát ru của Mẹ… Dễ hiểu vì sao “chốn cũ” mới là bến đậu bình yên sau những gầy guộc mong chờ. Vâng, quay về chính là nhận ra mình trong thế giới diệu kỳ của tạo vật, nâng bổng hồn thơ Nguyễn Xuân Tư trong tình yêu con người và cuộc sống.
Võ Văn Luyến