.

Xóa nhà tạm

.

Đến nay, toàn thành phố không còn nhà tạm, đó là kết quả giúp hộ đặc biệt nghèo ổn định cuộc sống và có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững...

Hàng trăm gia đình có nhà mới

 

Mô tả ảnh.
Ngôi nhà được xây từ năm 1999 của gia đình chị Trần Thị Liên, thôn Túy Loan Đông 1, Hòa Phong, Hòa Vang được hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng để sửa chữa.

Một ngày đầu năm mới, được sự giới thiệu của chị Trần Thị Duẫn, cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo xã Hòa Phong, chúng tôi đến thăm gia đình anh Dương Văn Hồng ở thôn Bồ Bản 2, nhân vật từng được nhắc đến trong bài báo “Người nghèo “ngoài sổ sách” của tác giả Viên Phúc Quân, đăng trên Đà Nẵng cuối tuần tháng 10 năm 2009. Ngôi nhà tranh tuềnh toàng, ẩm thấp của gia đình anh nay đã được thay bằng ngôi nhà ngói khang trang, cao ráo, được xây dựng từ tháng 5-2010, với tổng kinh phí gần 40 triệu đồng.

Số tiền đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng, còn lại là do vợ chồng anh vay mượn thêm. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà không có vật dụng gì đáng giá, nhưng vợ anh, chị Vũ Thị Kim Phương tươi cười cho biết: “Dù còn rất nhiều khó khăn khi mức lương 1,5 triệu đồng/tháng của chồng tôi hiện nay là nguồn thu chính trong gia đình, nhưng tôi vẫn tin rằng, với sự quan tâm, giúp sức từ xã hội, chúng tôi sẽ có thêm niềm tin, động lực để vươn lên trong cuộc sống”.

Một trường hợp khác là gia đình bà Nguyễn Thị Lời ở thôn An Ngãi Tây, xã Hòa Sơn. Trước đây, dù được Nhà nước hỗ trợ tiền xây dựng nhà mới, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, bà Lời đã từ chối sự giúp đỡ này. Dù vậy, với quyết tâm xóa nhà tạm trên địa bàn, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang đã cử cán bộ xuống thuyết phục bà. Đến cuối năm 2010, bà Lời đã đồng ý xây dựng ngôi nhà mới, thay thế ngôi nhà tạm đang ở với kinh phí hỗ trợ 25 triệu đồng từ nguồn quỹ huy động được của huyện Hòa Vang.

Được biết, trong năm 2010, huyện Hòa Vang đã xóa được 130 ngôi nhà tạm với mức hỗ trợ kinh phí từ 22-25 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, còn có 108 nhà xuống cấp được hỗ trợ kinh phí từ 12-15 triệu đồng/nhà để sửa chữa; hỗ trợ khoảng 150 triệu đồng cho 30 hộ đặc biệt nghèo làm công trình vệ sinh. Trong đó, riêng Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, góp phần giúp người nghèo Hòa Vang ổn định cuộc sống. Ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang cho biết: “Hiện nay, toàn huyện đã xóa hết nhà tạm. Trong năm 2011, sẽ tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ xã hội sửa chữa nhà ở đã xuống cấp”.

Không riêng gì Hòa Vang, đến đầu năm 2011, tất cả các quận khác trên địa bàn thành phố đã không còn nhà tạm, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống.

Nỗ lực từ nhiều phía

 

Mô tả ảnh.
Ngôi nhà tranh tuềnh toàng, ẩm thấp của gia đình anh Hồng nay đã được thay bằng ngôi nhà ngói khang trang, cao ráo.

Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, trong năm 2010, bằng nguồn vận động từ các sở, ban, ngành, hội đoàn thể cùng với địa phương đã xóa 144 nhà tạm, hỗ trợ xây mới 101 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 246 nhà xuống cấp. Mặt khác, UBND thành phố cũng đã bố trí 36 căn hộ chung cư cho hộ đặc biệt nghèo không có nhà và đất ở gồm: Hải Châu 16 hộ, Thanh Khê 15 hộ, Sơn Trà 5 hộ. Bên cạnh đó, thành phố còn hỗ trợ lắp đặt điện nước, công trình vệ sinh, phương tiện sinh hoạt cho nhiều hộ khó khăn với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Về đối tượng chính sách, theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2010, Sở đã tham mưu UBND thành phố thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất cho 475 hộ với kinh phí hơn 18 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà cho 504 hộ với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, xây nhà tình nghĩa cho 20 hộ với kinh phí 800 triệu đồng và cấp 100 suất đất để bố trí cho các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, đất ở. Thời gian tới sẽ kiến nghị UBND thành phố giải quyết 113 căn hộ chung cư cho đối tượng này.

Cùng chung tay, góp sức với thành phố là các cơ quan, ban, ngành trong công tác xây dựng nhà đại đoàn kết cho dân nghèo. Đơn cử như Văn phòng UBND thành phố (18 nhà), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố (14 nhà), Văn phòng Thành ủy (7 nhà), Đảng ủy khối doanh nghiệp (8 nhà), Công ty Viễn thông Đà Nẵng (5 nhà)… Kế đến là các biện pháp giúp đỡ học sinh nghèo đến trường, hỗ trợ phương tiện sinh kế giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.  Trong thời gian qua, với sự tích cực vận động, Sở Ngoại vụ đã kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam hỗ trợ 9 dự án với tổng kinh phí 19.990 triệu đồng.

Một tín hiệu mới nữa vô cùng lạc quan, trong năm mới 2011, thành phố sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình 7.000 căn hộ chung cư cho người có thu nhập thấp và xây dựng nhà ở cho sinh viên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đồng thời chuẩn bị cơ sở để triển khai xây dựng 10.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp, 20.000 chỗ ở cho công nhân các khu công nghiệp, 10.000 chỗ ở tại các ký túc xá sinh viên. Phấn đấu đến cuối năm 2011, giảm tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn thành phố) xuống còn 5,87%, 5.900 hộ thoát nghèo và số hộ nghèo đến cuối năm còn 10.000 hộ, bảo đảm thực hiện mục tiêu “không có hộ nghèo đặc biệt”…

Mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành thành phố văn minh, giàu đẹp đang có những bước đi dài, vững chắc. Hàng ngàn ngôi nhà tạm bợ đã bị xóa sổ, mang lại niềm vui “an cư lạc nghiệp” cho người dân khi mùa xuân đang đến gần.

Nhà tạm là loại nhà không bảo đảm mức độ sử dụng tiện nghi tối thiểu, thiếu các diện tích bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như bếp, nhà vệ sinh xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không bảo đảm yêu cầu “3 cứng” (gồm nền cứng, khung cứng, mái cứng) và không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.