.
Mỗi tuần một hiện vật

Chiêng đồng đi làm... cách mạng

.
Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Quân khu 5 hiện trưng bày một chiếc chiêng đồng có đường kính đáy gần 50cm, quanh núm chiêng có một đường nứt dài gần 20cm - dấu tích một thời chiêng đi “làm cách mạng”. 

Mô tả ảnh.
30 năm trước, ông Nguyễn Quang Khâm, cán bộ Bảo tàng, trong lúc đi sưu tầm hiện vật thời cướp chính quyền vào tháng Tám 1945, đã tìm thấy một chiếc chiêng đồng (ảnh) tại nhà ông Nguyễn Hồng, đội 5, HTX Phú Đông, xã Tam Xuân, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Nguyên chiêng được bảo quản ở miếu Xóm Chòm (một xóm nhỏ nằm lẻ loi ra ngoài một khu dân cư, khoảng hơn 20 nóc nhà), nơi thờ một vị thần của địa phương. Cũng như mọi làng quê khác ngày trước, để phục vụ lễ lạt ở miếu và trong xóm, bà con mua sắm một bộ nhạc lễ với nhiều nhạc cụ như trống chầu, trống cơm, trống cái, phèng la, nhị, kèn… và tất nhiên, chiêng đồng cũng góp mặt. Chiêng tham gia các lễ tế ở miếu, đưa ra hiệu lệnh trong các đám tang ở xóm.

Theo lời ông Hồng kể lại (còn lưu trong hồ sơ hiện vật ở Bảo tàng) thì tháng 8 năm 1945, bà con xóm Chòm nô nức xuống đường biểu tình, tay cầm cờ, gươm dao, gậy gộc, trống mõ, phèng la… ai có gì mang nấy. Đèn đuốc sáng rực, trống mõ vang trời, bà con hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”… Các đoàn biểu tình kéo về bao vây huyện đường Tam Kỳ (lúc đó là phủ Tam Kỳ), bắt tri phủ có nhiều nợ máu với nhân dân đưa đi xử tử tại Sân vận động Tam Kỳ (Quảng trường 24-3 ngày nay).

Chiêng đồng cũng tham gia đi biểu tình, nhưng những ai mang đi, mang về thì ông Hồng không còn nhớ rõ vì quãng đường quá dài, phải luân phiên thay người đánh chiêng. Ông chỉ nhớ là tiếng chiêng lanh lãnh vang lên, thúc giục lòng người. Ông lúc đó còn nhỏ, được giao hô khẩu hiệu, lấy chiếc mo cau khô làm loa. Sau hiệu lệnh chiêng, ông hô to đến mấy ngày sau còn khản cổ.

Sau đó, chiêng được đem về miếu Xóm Chòm. Miếu thành trường dạy học bình dân, là nơi hội họp thanh niên. Các hình thức cúng bái không còn, các loại nhạc cụ cũng bị phân tán và mất dần. Riêng chiếc chiêng đồng, các cụ giao cho ông Hồng cất giữ, dùng chủ yếu vào việc đưa đám tang, xong mang về cất trên gác nhà ông.

Được một thời gian thì chiêng bị nứt. Không còn được nghe tiếng chiêng hào sảng như năm nào nữa, ông Hồng tiếc lắm. Đó là kỷ niệm một thời chiêng cùng con người đi làm cách mạng.

LÊ HUỲNH
;
.
.
.
  • Nghe hiện vật kể chuyện
    Bước qua cánh cổng Bảo tàng Đà Nẵng ở địa chỉ 31 Trần Phú, tôi như lạc vào dòng chảy thời gian của thành phố bên sông Hàn. Không gian trầm mặc của công trình hơn 120 tuổi giờ đây khoác lên mình diện mạo mới, vừa thân quen, vừa lạ lẫm. Vẫn là những hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, nhưng cách chúng được kể lại đã hoàn toàn khác…
    .
  • Di sản trường tồn trên nền tảng số
  • Câu chuyện kiến trúc
.
.
.
  • Bờ bãi tháng Tư
    Một cách tự nhiên, những gì hiện hữu trên quê hương đã trở thành biểu tượng khiến tôi chiêm ngẫm nhiều điều khi trải qua những khoảng lặng thời gian. Lý lẽ ấy tôi đã nương mình để hiểu thêm về cội nguồn sức mạnh.
    .
  • THƠ
  • Chiều về Đà Nẵng
.

Đọc nhiều

.
.