.

Chim Trắng bay đi

.

Mô tả ảnh.Nhà thơ Chim Trắng tên thật là Hồ Văn Ba (theo họ mẹ), sinh năm 1938, quê Bến Tre. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ phong trào “Bảo vệ hòa bình” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ năm 1955, bút danh Chim Trắng cũng ra đời trong giai đoạn này.

 Ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam hai lần ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Đầu năm 1961 ông trốn khỏi nhà tù ở Sài Gòn, vào chiến khu, làm công tác thanh niên, làm báo, viết báo, làm thơ... Ông qua đời  ngày 28-9 tại nhà riêng, hưởng thọ 74 tuổi.  Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM- Tổng Biên tập báo Văn nghệ TP.HCM. Ông đạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam với tập Những ngả đường. Nhiều tác phẩm thơ của ông được dịch và phổ biến ở Hàn Quốc.

Tuần trước, tôi đọc tin kỷ niệm 4 năm mất của Chu Hoạch, một thi sĩ chưa gặp mặt. Tôi ít khi làm thơ, bởi thực lòng tôi biết thơ cực khó. Vậy tôi viết để ghi nhớ:

Sớm nay lại một bóng người sơ
                                                 qua đi...
Giật mình nhìn cây trơ trọi,
     tuyết lá mùa thu!
    tiếng ai gọi
    trên mặt hè mơ hồ se sẽ...
    muốn tức khắc quay về…
Lại sớm qua, giật mình, tin trên mạng: Thi sĩ Chim Trắng ra đi.
Ở châu Âu, nơi đây thu đang tới và, các khu vườn hoa đã tàn… trên các trảng cỏ vẫn bền bỉ xanh.

Tôi nhìn ra vườn cây. Những cây táo, lê, anh đào, mận đã buông trút lá, gần như trơ trọi, chỉ nhìn thấy rặt những cành khẳng khiu. Ở bên kia đường, trong nhà vườn kia có dãy táo gia chủ cuối hè chưa hái. Cây chi chít quả chín đỏ; nom xa tựa như một dãy cành hoa khổng lồ đứng bên nhau. Mà hoa, nụ là những trái táo đỏ, tía rực cháy bên sót lại vài điểm quả  mọng màu xanh phớt hồng. Những sắc tía trong buổi chiều thu xứ người, bỗng ánh lên chua chúa ở khắp cả xung quanh, trong khu vườn tôi qua, từ các khe hở của trảng rừng, nơi bên kia đó là phía mặt trời từ từ chìm xuống…

Tôi biết, chỉ dăm tháng tất cả sẽ rụng hết và, yên lặng qua mùa đông cho tới tận sang năm tới xuân về, để cho mặt đất này một đợt lá mới, hoa mới và trái quả mới sinh ra, như một vòng quay bất tận của tạo hóa.

Với nhà thơ Chim Trắng, xưa người Bắc kẻ Nam, tôi chỉ quen anh qua những bài thơ gần gũi với lớp người như tôi từng ra mặt trận.

Từ khi quay lại văn chương, tôi được may mắn, nói với anh vài câu, hai ba lần, dăm ba câu ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ trước. Lần vừa rồi, do nhiều lý do, tôi không kịp tìm gặp được anh, dầu là, tôi muốn gặp những người thơ lớp trước, còn lại hiếm hoi; ví dụ như Anh Ngọc, Vương Trọng – miền Bắc, Chim Trắng – miền Nam, v.v… là các thi sĩ tôi yêu trọng, cả về Nhân cách thơ và Nhân cách đời. Các anh đã là Người thơ, gánh nặng hành trang thơ, bên những người lính chúng tôi một thời chưa xa lắm…

Sự ra đi của Chim Trắng, một người sơ không dưng, một thi nhân quen như trường hợp của tôi, làm tôi suy nghĩ rất nhiều; bởi một đất nước, nếu vắng thiếu, nếu cứ hao gầy, cho mỗi một sớm mai tỉnh giấc, biết một tin buồn, lại trở thành sự đã nợ, nay thêm nặng, ở mỗi cá nhân cầm bút, ý thức; chính môi trường văn học lớp trước, của quân đội, thi nhân và văn nhân, đã tạo ra không ít sức mạnh và niềm tin cho lớp lớp người trai trẻ, trong việc cầm súng bảo vệ Tổ quốc lúc lâm nguy. Sự ra đi của Chim Trắng, Phạm Tiến Duật, v.v... ngày nào, đấy là một tổn thất không nhỏ và nó đòi hỏi sự chia sẻ chắc nhất định có của thi sĩ, báo giới, nhất là Tạp chí Văn nghệ Quân đội và các bạn viết như tôi đã lấy đất Văn nghệ Quân đội mà đi xa. Tôi viết bài này với nỗi buồn hy vọng… Với tấm lòng của một người lính cũ, nay cầm bút ở rất xa đất nước, song vẫn lắng nghe:

...Lại một bóng thu qua
gió nhẹ thế mà dội vào trí nhớ
Chim Trắng, Chim Trắng  - Mi có kịp 
                               nghiêng chào vĩnh biệt
...
Nước Đức – Mùa thu 2011

Các tác phẩm thơ của nhà thơ Chim Trắng:

Có đâu như ở miền Nam (với Lê Anh Xuân, Viễn Phương, NXB Thanh Niên, 1968)
Tên em rực rỡ vô cùng (NXB Văn nghệ giải phóng Hà Nội, 1971)
Đồng bằng tình yêu (Hội văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, 1973)
Một góc quê hương (NXB Văn nghệ giải phóng Hà Nội, 1974)
Những ngả đường (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh , 1980)
Dấu vết nhỏ nhoi (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1984)
Khi tình yêu lên tiếng (NXB Mũi Cà Mau, 1987)
Có một mùa thu trong (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1990)
Thơ Chim Trắng - Cỏ gai (NXB Trẻ, 1998)
Hát lời cỏ hát (NXB Hội Nhà Văn, 1999)
Nhân có chim sẻ về (NXB Trẻ, 2006)
Cỏ khóc dưới chân tôi (NXB Hội Nhà văn, 2008)

NGUYỄN VĂN THỌ

;
.
.
.
.
.