Anh bạn - là bác sĩ đang lãnh đạo một bệnh viện lớn có uy tín - và tôi ngồi giữa đêm ở ngoại thành với những người bạn học trường làng thuở nhỏ. Những bạn ở làng có người đang là bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới ngồi cùng nhau ngay ở làng mình...
Nhân bàn chuyện tổ chức cuộc họp mặt bạn học cũ hồi tiểu học, bạn tôi xúc động kể: Hồi thi vô lớp 5 (tức lớp 1 bây giờ) anh chỉ đậu dự khuyết. Cha anh phải nhờ người quen đến xin thầy hiệu trưởng sau ngày khai giảng. Thầy cho đi học nhưng vì đến muộn nên bị xếp ngồi bàn cuối và cạnh tay lớp trưởng to con. Tay này lại hay bắt nạt người khác và học kém nên chỉ sau hai tháng đã bị thay... Thầy hiệu trưởng công bố trước lớp việc “mất chức” này là vì lớp trưởng phải là người biết làm gương trong cách sống lẫn trong học tập!
Anh bạn tuy đậu vớt nhưng lại học rất chăm chỉ. Lần nào thầy hiệu trưởng (kiêm giáo viên đứng lớp) gọi dò bài hay làm bài tập, anh đều đạt điểm cao nên sau đó được thầy cho lên ngồi bàn đầu. Từ đó cho đến hết bậc tiểu học, anh trở thành một trong những học sinh giỏi của cả lớp.
Sau khi đỗ tú tài toàn phần, anh vô Sài Gòn thi vào Nông lâm súc để hy vọng sau về quê cải thiện nghề nông quá vất vả ở làng. Thi vừa xong có người anh gọi ra Huế nộp đơn thi Y khoa. Thi cả hai nơi đều đậu và anh chọn ngành Y để được gần nhà. Sau khi ra trường, anh được đưa lên làm giám đốc bệnh viện một huyện trung du. Bệnh viện xây trên ngọn đồi trước là đồn lính do tổ chức nước ngoài viện trợ nên khá tiện nghi. Chỉ riêng nhà vệ sinh đã có đến hàng chục cái hố xí tự hủy...
“Nhưng bẩn không chịu được vì cảnh... cha chung không ai khóc!”, anh kể.
Bệnh viện mà bẩn thì còn bệnh nhân nào tin tưởng. Vậy là anh mời chi bộ, công đoàn, chi đoàn họp bàn, ra quyết tâm phải tạo ra một bệnh viện vệ sinh, trước hết là cái cầu tiêu! Một số người đồng ý, nhưng có ông bác sĩ làm thư ký Công đoàn phản đối. “Chúng tôi làm bác sĩ chứ không phải đi chùi hố xí!”. Vậy mà có khối kẻ theo anh ta.
Lúc đó, anh bạn chợt nhớ lại lời thầy giáo tiểu học hồi thay lớp trưởng. Anh tuyên bố giữa cuộc họp: “Tôi cũng là bác sĩ, vậy để tôi đi chùi!”. Ý kiến “điên rồ” đó chỉ được vài y tá, hộ lý ủng hộ. Sau đó, dù trưa nắng hay chiều mưa, ai cũng thấy một bác sĩ nhỏ con cong lưng gánh hàng chục gánh nước từ cái giếng ở chân đồi về chùi rửa cả chục cái cầu tiêu để bảo đảm vệ sinh cho bệnh viện.
Mưa lâu thấm đất. Dần dần nhiều người khác bị thuyết phục và bệnh viện ấy dần dà đã tạo nên uy tín về chuyên môn.
Anh thư ký Công đoàn đó nói đâu có sai! Nhưng ở một môi trường nông thôn như vậy không lẽ bó tay. Mình nghĩ phải có hành động đi đầu, làm gương mới thuyết phục được! Chính kỷ niệm hồi mới vô học lớp 5 đã dạy mình như vậy! Và đến bây giờ mình luôn tự dặn phải biết làm gương dù là một việc nhỏ...”, anh bạn kết luận.
Nghe đến đó, mấy người bạn cũ giờ đang là bí thư chi bộ, thôn trưởng trong làng không ai nói một lời. Không khí buổi gặp mặt như ngưng lại vì ý nghĩa của câu chuyện.
Chợt một anh đứng dậy: “Cám ơn, cám ơn bác sĩ! Tôi hiểu ra rồi. Cái thôn ngoại thành này ì ạch mãi, vệ sinh môi trường nhếch nhác, làm ăn ngày càng yếu kém. Chúng tôi nói chẳng ai nghe. Chính là do chúng tôi chưa có ai biết làm gương cho dân. Chúng tôi cứ nói thao thao bất tuyệt mà chẳng làm gì cụ thể cả... Cám ơn! Cám ơn...”. Anh ta nói mếu máo một hơi rồi đứng dậy rời khỏi chỗ chúng tôi, không một lời chào...
Một câu chuyện nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn không chỉ ở một lớp tiểu học, một công sở, một làng quê, mà còn hơn thế nữa...
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG