.

Kỳ 2: Thái Phiên đã trao lại di ngôn như thế nào?

.

Cũng như em trai của mình - Lê Châu Hàn, người anh trai là Lê Cảnh Vận đã tham gia vào tổ chức yêu nước, và có mặt trong đêm khởi nghĩa. Ông bị bắt ngay sau khi cuộc khởi nghĩa nổ ra nhưng bất thành. Tài liệu số 22 trong ANOM-GGI-65530 cho biết, Trần Cao Vân, Thái Phiên đã sử dụng ngôi nhà của cụ thân sinh hai anh em Lê Cảnh Vận, Lê Cảnh Châu Hàn ở Phủ Cam làm nơi gặp gỡ các đồng chí, đồng đội, và trong đêm khởi nghĩa, thì đây là đại bản doanh họp mặt các người chỉ huy ở các mũi tiến công để kiểm tra công việc và nghe phân công lần cuối nhiệm vụ được giao.

Ông Huỳnh Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng trao quyết định công nhận Di tích Nhà thờ tộc Thái - Nghi An cho ông Thái Nguyên, tộc trưởng tộc Thái - Nghi An.
Ông Huỳnh Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng trao quyết định công nhận Di tích Nhà thờ tộc Thái - Nghi An cho ông Thái Nguyên, tộc trưởng tộc Thái - Nghi An.

Vua Duy Tân cũng đã xuất cung đến một chiếc thuyền ở ngay trước ngôi nhà đó, sau đó được Trần Cao Vân rước đi về các địa điểm để lẩn tránh sự bắt bớ của kẻ thù.

Tài liệu số 22 cho biết, chính Trần Cao Vân đã giao nhiệm vụ cho Lê Cảnh Vận. Lê Cảnh Vận kể lại: “... Đến ngày 27 tháng 3, tôi đi Huế và gặp Trần Cao Vân trên một chiếc thuyền đang đậu ở bến dưới cầu trước ga Huế. Trần Cao Vân cho tôi xem những bức chiếu chỉ. Vì bức chiếu chỉ dài, tôi chỉ ghi nhận được mấy chữ  “Giao phó việc khôi phục vương quốc để có nền độc lập”. Tôi nhận thấy các chiếu chỉ đều có đóng ấn của Vua... Sau đó tôi đi về nhà (khi bố tôi ở Huế ông đã xây một ngôi nhà ở Phủ Cam). Tôi thuật lại những điều Trần Cao Vân đã nói cho em tôi là Lê Cảnh Châu Hàn biết... Vào đêm mùng 2 tháng 4, tôi đi tới nhà hát thì gặp Sáu Cụt, một người mà tôi quen đã lâu (Sáu Cụt đã từng liên quan tới một vụ án và đã bị tuyên phạt phải lưu đày biệt xứ, nhưng bây giờ thì anh ấy đã được nhận vào làm lính pháo thủ)... Tôi đề nghị với anh là chính anh hãy trở nên một người có thể tham gia thực hiện được những kế hoạch của nhà Vua nhằm khôi phục được xứ Annam, bởi vì anh là một người có đầy bản lĩnh. Sau đó, tôi dẫn anh ta đến quán cà-phê nơi mà anh của tôi đang ở đó...

Vào 9 giờ rưỡi tối mùng 2, anh tôi báo với tôi rằng Hoàng thượng đã xuất cung, hiện giờ đang ở Phủ Cam, và anh bảo tôi đến đó để gặp Ngài. Khi tôi đến đó, tôi thấy Trần Cao Vân và bốn người nữa mà tôi không quen. Chúng tôi xin được thi lễ trước Hoàng thượng, nhưng Ngài không muốn. Trong lúc chúng tôi tạm biệt Hoàng thượng thì có một người trong thuyền giao lại cho tôi một khẩu súng với mười viên đạn, bảo tôi giao lại cho Thái Phiên. Khi trở về lại nhà ở của mình, chúng tôi gặp Thái Phiên, Thông Trứ và Sáu Cụt. Tôi không kịp đưa khẩu súng cho Thái Phiên, vì ngay lúc đó Thái Phiên rời đi cùng Thông Trứ và Sáu Cụt. Tôi đợi Thái Phiên đến 11 giờ đêm nhưng không biết sao ông ta không trở lại. Tôi đến tìm ở bến đò trước ga Huế nhưng cũng không tìm thấy thuyền của Hoàng thượng. Tôi quay về nhà. Chỉ mấy phút sau tôi bị kinh động bởi những tiếng kêu giận dữ của mấy người lính bảo an tới để bắt tôi, và họ tịch thu luôn cả súng, đạn...”.

Như vậy ngay trong đêm khởi nghĩa, Lê Cảnh Vận đã bị bắt. Tiếp sau đó thì các yếu nhân khác của cuộc khởi nghĩa đều lần lượt sa lưới, tất nhiên trong đó có cả Thái Phiên và Lê Châu Hàn. Các ông bị nhốt ở nhà lao Hộ Thành và liên tục bị thẩm vấn. Mãi đến ngày 23-5-1916, sau khi Thái Phiên bị hành quyết một tuần lễ, kẻ thù lại bắt hai anh em Lê Cảnh Vận, Lê Châu Hàn ra hỏi cung. Chắc chắn là dưới lưỡi lê, họng súng của quân thù, trong vòng uy hiếp gắt gao của cường quyền tàn bạo, hai anh em không thể chối từ. Tài liệu số 58 trong ANOM-GGI-65530, cho thấy, hai anh em đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của Thái Phiên, và được chính Thái Phiên dặn dò lại những điều bí mật của hệ thống tổ chức yêu nước, mà ông đã nhất mực không hé lộ trong bao nhiêu lần thẩm vấn gắt gao của kẻ thù.

Tài liệu số 58 dẫn lại bản khai của Lê Châu Hàn và Lê Cảnh Vận vào ngày 23-5-1916 có đoạn như sau: “Vào hôm trước ngày thực hiện bản án, Thái Phiên thổ lộ với chúng tôi những lời gửi gắm như sau: Ông biết rằng với tội trạng nghiêm trọng của mình, việc xử trảm đối với ông sẽ xảy đến trong ngày một ngày hai nữa thôi, còn những người không phải thủ phạm như chúng tôi chắc một ngày nào đó sẽ được trả lại tự do. Vì thế ông cầu xin chúng tôi, sau khi được tự do, hãy nói với Phan-Thành-Tài đến tìm những người phiên dịch là TRỨ, nhân viên Bưu điện Đà Nẵng; THÚ - nhân viên Sở Thuế quan; KIM, nhân viên ở Tòa án Đà Nẵng để họ làm cố vấn cho những người Trung Hoa là ông NGỌ, nhân viên Giáo đoàn Triêu Hưng; Trịnh-Quang-Trự (Trợ), người làm mãi biện (kiểm hóa viên) cho ngành vận tải hàng hải Đà Nẵng; NGÔ ĐỒ (ĐÔ) nhân viên bang hội Nghĩa Thành, ông này có thể thấy khi thì ở Đà Nẵng, khi thì ở Hội An để thu thập tình hình và tin tức cho các sinh viên Việt Nam ở Trung Hoa hoặc ở Xiêm, để chuyển tiền cho một người trung gian của những người Trung Hoa và để chu cấp cho những sinh viên khi họ có nhu cầu.

Ông còn dặn, khi tổ chức bí mật cần tài chính, Phan-Thành-Tài chỉ việc đến Đội MẠI, người giúp việc cho ông CUÉRIN ở Đà Nẵng, và Khóa TRÀ, người buôn gạo ở gần chợ Hàn (chợ Đà Nẵng)...”.

  Ông Thái Nguyên (trái) và tác giả bài viết.
Ông Thái Nguyên (trái) và tác giả bài viết.

Như vậy, tài liệu số 58 trong Thư khố Toàn quyền Đông Dương số 65530 đã cho thấy hoàn cảnh nhà chí sĩ Thái Phiên truyền đạt lại di ngôn như thế nào cho các ông Lê Cảnh Vận, Lê Châu Hàng. Trong khi đó, ở Hồ sơ lưu trữ trên đây, tài liệu số 56 là bản viết tay bằng mẩu diêm cháy những lời Di ngôn ngắn gọn của Thái Phiên trước khi rời nhà lao Hộ Thành trao lại cho Lê Châu Hàn. Chúng ta chỉ có thể suy đoán rằng, sau khi đã dặn dò miệng với hai anh em Lê Châu Hàn, Lê Cảnh Vận, như tài liệu số 58 cho biết, Thái Phiên vẫn chưa thể yên lòng, vì có thể cho đến khi ra khỏi tù, phải mất nhiều ngày tháng nữa, sợ rằng các người bạn chiến đấu của mình có thể quên đi những địa chỉ liên hệ thiết yếu của phong trào cách mạng, ông đã tìm mọi cách ghi lại vắn tắt nhất các điều cần thiết để gửi tới một thủ lĩnh của phong trào là nhà cách mạng Phan Thành Tài, mà ông tin rằng Phan Thành Tài vẫn có thể tìm được con đường tiếp nối sự nghiệp yêu nước của Việt Nam Quang phục hội Trung Kỳ.

Có cơ hội tra cứu các di cảo của Thái Phiên, chúng tôi có thể khẳng định rằng, nhà yêu nước này đã thể hiện ý chí kiên định là bảo vệ tới mức tối đa những bí mật thiết yếu của phong trào, của tổ chức yêu nước. Ở tài liệu số 14 trong hồ sơ ANOM-GGI- 65530, là cuộc thẩm vấn đầu tiên đối với Thái Phiên, lúc đó ông cho rằng kẻ địch chưa thể hiểu rõ vị trí, vai trò của ông trong phong trào đấu tranh cũng như trong cuộc khởi nghĩa vừa nổ ra, nên ông đã có một đối sách là chỉ khai mập mờ, loanh quanh, làm ra vẻ ông chỉ là một nhân vật thứ yếu, thụ động, không biết gì nhiều về cuộc khởi nghĩa, quá lắm thì cũng chỉ là người bị lôi cuốn theo mà thôi. Cho nên trong cuộc thẩm vấn này, ông không đề cập gì đến mối quan hệ với các tổ chức cách mạng ở nước ngoài.

Nhưng ở các tài liệu số 29 và số 48, là các lần thẩm vấn thứ hai và thứ ba, kẻ thù đã biết chắc vị thế của ông, họ đã ghi rõ rằng, ông là Phó cố vấn của Hoàng đế, là Tổng chỉ huy cuộc tấn công vào Kinh đô, Thái Phiên đã có một thái độ khác hẳn. Ông đàng hoàng nhận lãnh vị thế thủ lĩnh của mình, và ông biết chắc chắn, kẻ thù sẽ khai thác ở ông mọi điều bí mật mà ông có thể nắm giữ. Vậy nên, ông chủ động đề cập đến mối quan hệ giữa tổ chức cách mạng trong nước với các tổ chức yêu nước ở nước ngoài lúc bấy giờ. Nhưng ông đã nghĩ ra cách đề cập làm sao vẫn bảo vệ được đường dây liên lạc, mà kẻ địch không thể khai thác được, hoặc chúng có nghi ngờ thì vẫn không thể buộc tội được ông, hoặc cũng không vì ông mà lần tìm ra các đầu mối liên lạc đó.

Ở tài liệu 29 là lần thẩm vấn thứ hai, ông cho biết rằng: “Vào tháng Giêng năm nay, có hai người đàn ông ăn mặc y phục Trung Hoa đến gặp và nói với tôi rằng họ được sinh viên Việt Nam ở Trung Hoa gửi về để thông báo cho tôi việc chuẩn bị khởi nghĩa của những người tị nạn ở Trung Hoa đã hoàn tất. “Chúng tôi muốn các người đồng sự ở trong nước nắm lấy thời cơ thuận lợi này để hướng những người yêu nước vào cuộc tổng nổi dậy ở thời điểm thuận lợi”. Hai người lạ này chỉ có nhiệm vụ thông tin miệng, không để lại dấu vết, thư từ từ các sinh viên sống ở nước ngoài... Hai người này sau đó bỏ đi và không quay trở lại”.

Đó là tất cả những gì ông nói với kẻ thù về mối quan hệ với những tổ chức cách mạng, yêu nước ở nước ngoài có đường dây liên lạc về trong nước. Còn thì, trong tất cả các lần thẩm vấn, ông không hề đề cập đến các cơ sở cách mạng mà tổ chức đã dày công xây dựng, cài cắm trong bộ máy của kẻ thù, như trong bản di ngôn đến phút lâm chung ông gửi lại cho người bạn chiến đấu, không may rơi vào tay kẻ thù. Đó chính là bản lĩnh thiết yếu nhất của một người thủ lĩnh nòng cốt của phong trào yêu nước ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời kỳ nào của lịch sử.  

NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN

 

;
.
.
.
.
.