“Một ngày ăn cơm ba nước” đã từng là mục tiêu đạt được quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam - Lào - Thái Lan khi tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây đưa vào khai thác. Giờ đây, du khách Thái Lan, Lào và Đà Nẵng đã có thể vừa “ăn cơm”, vừa tham gia các hoạt động văn hóa du lịch tại nhiều điểm trong một ngày tại 3 nước khi rút ngắn được lộ trình bằng đường hàng không.
Đoàn Famtrip Đà Nẵng đến sân bay Savannakhet. |
Những ngày cuối tháng 3, đoàn Famtrip thành phố Đà Nẵng do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn đầu đã đến thăm nước bạn Lào trên chuyến bay đầu tiên trở về Lào từ Đà Nẵng của Hãng hàng không Lao Airlines. Tất cả 21 thành viên trong đoàn đều đã có ít nhất một lần đi khảo sát và tham quan bằng đường bộ trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Gặp nhau tại sân bay quốc tế Đà Nẵng lúc 10 giờ 30 đúng vào ngày kỷ niệm 37 năm giải phóng Đà Nẵng để sang Lào, ai cũng phấn khởi mặc dù chuyến bay bị trễ hơn một tiếng, bởi chặng đường dài trên 250km từ Đà Nẵng đến Savannakhet - Lào giờ chỉ còn hơn một giờ bay. Công ty du lịch Vitours cũng đưa 30 nhân viên đi khảo sát trong chuyến bay này.
13 giờ 30 phút, máy bay hạ cánh xuống sân bay Savannakhet trong cái nắng khá oi bức 360C. Cả đoàn được lãnh đạo tỉnh Savannakhet chào đón trong tiếng nhạc theo nghi lễ của nước bạn Lào ngay tại chân cầu thang máy bay. Những nụ cười thân thiện trên khuôn mặt các cô gái Lào như làm dịu đi cái nắng gay gắt. Điều đặc biệt khiến chúng tôi rất vui là các nhân viên tại sân bay đều có thể nói cả tiếng Thái và tiếng Việt, làm cho mọi người cảm nhận sự gần gũi khi được tiếp đón và hướng dẫn ân cần, chu đáo.
Savannakhet là tỉnh lớn thứ 2 của Lào, sau thủ đô Viêng Chăn.
Đoàn được tham quan bảo tàng khủng long. Khu bảo tàng này được hình thành từ một dự án do Pháp xây dựng. Các nhà sinh vật học đã khai quật khắp các khu rừng, sông suối để tìm ra nguyên vẹn một bộ xương khủng long hóa thạch vào năm 1936 ở Tang Vay, một thị trấn cách khoảng 120km về phía đông bắc của Savannakhet.
Đến thăm nhà của cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại Savannakhet, mỗi người thắp một nén hương để tưởng niệm vị lãnh tụ của nhân dân các bộ tộc Lào, người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt.
Đến Savannakhet, du khách không thể bỏ qua chùa That Ing Hang để trải nghiệm không khí trang nghiêm, tôn kính của ngôi chùa trên 500 năm tuổi. Tương truyền chùa Ing Hang được xây dựng tại địa điểm mà Đức Phật đã nghỉ chân trong một lần đi truyền đạo. Do thời gian, chiến tranh tàn phá, ngôi chùa phải tu sửa nhiều lần song vẫn giữ được hình khối và kiến trúc nguyên bản. Chùa được xây dựng trên khuôn viên hơn 1ha. Tháp chùa nằm ở vị trí trung tâm với 4 cạnh bằng nhau, mỗi cạnh dài 9m, cao 27m, các vòng tròn trên cùng được làm bằng vàng. Tháp được xây dựng bằng những viên gạch nung lớn và vật liệu kết dính là da trâu, da bò ngâm kỹ. Tại chùa có 496 bức tượng Phật được đúc theo kiến trúc đặc trưng của Lào, Thái Lan. Hằng năm, ngôi chùa cổ kính này thu hút một lượng lớn khách du lịch từ trong và ngoài nước đến chiêm bái và dâng hương.
Sau một buổi chiều tham quan Savannakhet, kể cả đến cầu Hữu nghị Lào-Thái (biên giới Lào - Thái Lan), chúng tôi nghỉ ngơi tại Khách sạn 5 sao Savan Vegas Hotel & Casino. Khách sạn luôn đông khách đến nghỉ ngơi, giải trí, chủ yếu từ Bangkok, Mukdahan và khu vực Đông Bắc Thái Lan. Cả đoàn dường như khá mệt vì thời tiết nóng nhưng trong bữa cơm tối, mọi người vẫn nhắc đến cô hướng dẫn viên biết 4 thứ tiếng Anh, Thái, Lào, Việt rất duyên và chuyên nghiệp của tỉnh Savannakhet đã hướng dẫn đoàn trong ngày.
3 ngày tiếp theo, đoàn Famtrip thành phố Đà Nẵng đến tham quan tại tỉnh Champasak, một trong những vựa lúa lớn nhất của Lào và cũng là địa chỉ du lịch hấp dẫn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Theo lời kể của anh hướng dẫn viên người Lào rất sành tiếng Việt, Champasak là địa danh bí ẩn với khu đền Wat Phou - Di sản văn hóa thế giới, hùng vĩ với dòng thác Khone Phapeng lớn nhất Đông Nam Á, hay các đền đài cổ theo kiến trúc Angkor. Quả thật như vậy! Du khách được chứng kiến một quần thể kiến trúc đẹp của đền Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, được xây dựng theo phong cách Khmer, nhìn ra sông Mekong rất ấn tượng. Đền Wat Phou được công nhận là một trong những khu bảo tồn quan trọng nhất của Ấn Độ giáo, là một hình mẫu của kiến trúc Khmer tại miền Nam nước Lào. Các lễ hội truyền thống của Champasak được tổ chức tại đền Wat Phou vào tháng 2 hằng năm, bao gồm đua voi, đá gà và biểu diễn âm nhạc truyền thống của Lào.
Nằm ở nơi sông Mekong trải ra đến 14 km này còn có khoảng 4.000 đảo lớn nhỏ mà trong đó được du khách biết đến nhiều nhất là hai đảo Don Khone và Don Deth có một số ngôi làng nhỏ, đền thờ và hang động. Một trong những hoạt động chính được du khách yêu thích là đạp xe khám phá xung quanh đảo. Xe đạp được cho thuê với giá 10.000 kip (25.000 VNĐ) một ngày. Ở Champasak không có xe ôm, cũng chưa có taxi. Phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là xe tuktuk.
Champasak còn có thác Khone Phapheng - thác lớn nhất Đông Nam Á, rộng 1km, cao 15m nối hai bờ sông Mekong với 2 tỉnh Champasak và Strung Treng của Campuchia. Đến đây, du khách mới thực sự hiểu vì sao Khone Phapheng được mệnh danh là thác “Niagara của châu Á”. Ngoài ra, Champasak còn một số dòng thác đẹp khác như Liphi, Tad Fane.
Trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của 4 tỉnh Nam Lào, cách Viêng Chăn trên 650km là thành phố Pakse – thủ phủ của tỉnh Champasak. Thành phố Pakse có rất nhiều chùa. Các ngôi chùa có kiến trúc mái uốn lượn, thếp vàng rực rỡ với kiểu dáng đa dạng, trang trí nhiều màu sắc và kích thước khác nhau, rất độc đáo. Có đến 5.000 người Việt làm ăn, sinh sống tại đây. Các quán ăn, nhà hàng, khách sạn ở đây hầu hết do người Việt Nam làm chủ. Có khoảng 300 nhà nghỉ, khách sạn từ 1 đến 4 sao tại Pakse giá từ 100 - 500 ngàn kip/phòng (tương đương từ 250 ngàn đồng đến 1,25 triệu VNĐ). Cơm trưa 3 món Việt giá khoảng 20 ngàn kip (tương đương 50 ngàn VNĐ). Đi Champasak, bạn dễ dàng mua một sim điện thoại di động mới để liên lạc, giá cước cũng không đắt, khoảng 2 ngàn kip/phút gọi về Việt Nam, giá tin nhắn không đáng kể hoặc cũng có thể roaming để vẫn dùng được số trong nước, nhưng cả gọi và nghe đều chịu cước quốc tế.
Trong chuyến đi, đoàn Famtrip thành phố Đà Nẵng đã có buổi giao lưu với tỉnh Champasak. Tham dự có Tổng lãnh sự Việt Nam tại Pakse Nguyễn Quang Tính, đại diện của Lao Airlines. Các đại biểu đã có những trăn trở làm thế nào để xúc tiến đường bay trực tiếp từ Lào theo lộ trình Pakse - Savannakhet - Đà Nẵng và ngược lại đạt hiệu quả cao nhất. Điều mà các đơn vị kinh doanh du lịch của Đà Nẵng băn khoăn là thị trường khách du lịch chiều từ Đà Nẵng đến Lào vẫn còn rất ít, trong khi điều kiện thời tiết ở Lào khá nắng nóng. Khi tổ chức bay thường xuyên với tần suất 3 chuyến/tuần vào thứ 3, 5, 7 bằng máy bay ATR72 có sức chứa 65 chỗ, công tác quảng bá thông tin về du lịch Lào, Thái Lan cần phải được tăng cường mạnh mẽ để có khách đi chiều từ Đà Nẵng sang Lào, đồng thời phía Lào cũng cần tiếp tục đầu tư các dịch vụ tại các điểm tham quan để thu hút du khách.
Rời nước bạn Lào, ấn tượng về nét văn hóa bản sắc của người dân các bộ tộc Lào hiền hòa với điệu múa Lăm-vông, những món ăn nướng cùng với xôi nếp, rượu cay cay sẽ làm cho du khách nhớ để quay lại tiếp tục khám phá đất nước Triệu Voi...
THU PHƯƠNG