Sáng sớm ngày 25 tháng 8 vừa qua, gần 60 hộ dân của thôn Hòa Vân (thường gọi là làng Vân, làng Sứng hay ốc đảo Hansen) đã di dời về nơi ở mới.
Người dân Hòa Vân trong lần xa làng ngày 25-8 vừa qua. Ảnh: V.T.L |
Bà con làng Vân, với sự giúp đỡ của người từ trong đất liền, đã đóng gói gọn gàng tất cả những tài sản cần mang lên bờ. Nhìn số tài sản của bà con dành dụm cả đời tập họp ở điểm tập kết bên bờ biển mà thương! Ngoài số quần áo được gói kỹ còn thấy một sồ vật dụng; ngoài cuốc, rựa, cày, bừa dùng cho trồng tỉa ruộng vườn còn có thúng, mủng, dầm chèo dùng cho nghề đánh bắt cá biển lộng. Tài sản gần với cuộc sống hiện đại là chiếc ti-vi - mỗi nhà một chiếc, nhưng là ti-vi đời “nội địa”!
Trong buổi lễ từ giã làng, ông Nguyễn Văn Xứng, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hòa Vân phát biểu rất xúc động: “Chúng tôi, nhiều hộ dân đã sống quần tụ theo chương trình xã hội của Chính phủ dành cho những người bị bệnh phong - một trong tứ chứng nan y, trong một ốc đảo tách biệt nhiều thập kỷ. Ngày nay, tiến bộ của y học hiện đại đã ngăn chặn và đẩy lùi bệnh phong. Thế nhưng, định kiến xã hội vẫn coi chúng tôi là những đối tượng bị xa lánh”.
Ông dừng lại một lát, rồi chùng giọng xuống: “Hôm nay, trong niềm xúc động dâng trào của gần 60 hộ bà con làng Hòa Vân thân yêu, tôi không ngăn được tình cảm của mình để nói rằng chúng tôi đã được đối xử tử tế và công bằng, cụ thể là được tái định cư ở nơi phố thị sầm uất mà bấy lâu nay đối với chúng tôi chỉ là ước mơ…”.
Xa lìa nơi gắn bó cả cuộc đời mình với biết bao số phận, ai mà không lưu luyến mến thương. Ở đó biết bao kỷ niệm đẹp trong đời buồn của người mang bệnh phong bao thế hệ. Tình cảm nghìn đời của người dân mình là thế, nhưng những người dân làng Vân đã nhận ra một điều gì đó cao quý, thiêng liêng hơn như lời bộc bạch của “già làng” 75 tuổi này: “Biết nhường chỗ cho sự phát triển của thành phố năng động để biến làng mạc nghèo nàn hẻo lánh của mình bấy lâu nay thành một thiên đường du lịch, dẫu không phải những người bất hạnh như chúng tôi thì ai có tấm lòng với đất nước cũng biết hy sinh như thế...”.
Cũng trong niềm xúc động ấy, ông Võ Văn Sanh một người dân Hòa Vân đã tặng chúng tôi tập thơ do chính ông viết, có những câu chân tình như: Người xưa từ giã làng xưa/ Trăm năm bỏ xứ người chưa thấy về/ Người nay từ biệt đường quê/ Vẽ trong tim một nẻo về ước mơ…
Nghe chúng tôi hỏi về những tứ ngắt ngứ trong đoạn thơ trên, ông trải lòng: “Nghe các cụ kể, ngày xưa khi Pháp đánh Đà Nẵng năm Mậu Ngọ (1858), muốn chiếm lấy đồn Nam Chơn làng Chơn Sảng. Không được. Trước khi rút chạy, Pháp đã bắt theo nhiều dân làng đưa xuống tàu, vào đánh chiếm Sài Gòn. Những người dân ấy sau này trở thành các bậc tiền hậu hiền của một làng ngay trong thành phố Hồ Chí Minh bây giờ, lập cả đình để thờ phụng”.
Số người còn ở lại không chịu nổi sự hoang vắng của miền đất dưới chân núi Hải Vân này cũng phiêu tán đến nơi đông đúc làm ăn sinh sống – ông Sanh kể. Đến những năm 1964 - 1965 thế kỷ trước, nhà chức trách miền Nam cùng các nhà từ thiện quốc tế đã chọn nơi này thành lập trại phong đặt tên là trại Hàn Mặc Tử, có đủ cả nhà cửa, bệnh viện. Sau năm 1975, trại phong chính thức trở thành một đơn vị hành chính lấy tên là thôn Hòa Vân.
Từ đó, cuộc sống của bà con bệnh phong đã dần được cải thiện. Không còn là những người bệnh nằm chờ sự cứu giúp của những tấm lòng từ thiện, nhờ sự tiến bộ của y học, bà con đã dần bình phục và phục hồi khả năng lao động. Họ đã làm những việc trong giới hạn sức khỏe của mình để có thể nuôi sống gia đình, sinh con đẻ cái, có nhiều em đã học hành thành đạt, đã bớt đi được biết bao nhiêu gánh nặng cho xã hội. Làng Sứng ngày xưa, Hòa Vân ngày nay đã thay đổi hoàn toàn diện mạo.
Biết bao đoàn từ thiện trong nước, ngoài nước đã đến với “ốc đảo Hansen” mà nào thấy mấy ai trong những người ra đi hơn trăm năm trước quay về thăm hỏi?! Giờ đây, dân làng Sứng lại lần nữa từ biệt làng quê thân ái dẫu có bùi ngùi nhưng lòng cứ rộn lên niềm phấn chấn.
Nghe ông Sanh trút bầu tâm sự, chúng tôi cũng vui lây. Vậy là, trong hơn 150 năm qua, người dân làng Sứng đã hai lần xa làng. Lần trước, chắc tiền nhân đau lòng lắm khi bị giặc Pháp trấn áp lùa đi không ngày trở lại, để lại cảnh hoang sơ tiêu điều cho làng quê thân yêu. Lần này, người dân Hòa Vân rời làng về nơi ở mới chỉ cách một tầm nhìn, có nhiều điều kiện sống tốt hơn, hít thở không khí tự do bình đẳng trong cộng đồng.
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Xa làng, niềm thương nỗi nhớ sẽ dạt dào không tránh khỏi. Nhưng xa làng lần này là mang theo niềm hy vọng lớn lao: Mai đây làng cũ sẽ sáng bừng với biết bao công trình tầm cỡ mọc lên dưới chân đèo Hải Vân.
ĐẶNG DÙNG