Tại giải Oscar lần thứ 85 vừa diễn ra, đạo diễn Lý An, người được mệnh danh là “phù thủy của điện ảnh Trung Quốc”, một lần nữa đã được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ tôn vinh là đạo diễn xuất sắc nhất. Lý An từng là đạo diễn xuất sắc nhất hồi năm 2006 với bộ phim Brokeback Mountain. Tuy nhiên trong năm đó, Brokeback Mountain đã trượt giải Oscar phim hay nhất.
Đạo diễn Lý An (phải) và diễn viên Suraj Sharma. |
Năm nay, Lý An đã phải cạnh tranh gay gắt với đạo diễn lừng danh Steven Spielberg của phim Lincoln để có được vinh dự này. Phát biểu tại lễ trao giải được truyền hình trực tiếp đến hơn 225 quốc gia trên thế giới, ông xúc động nói: “Làm bộ phim này quả là một kỳ công”.
Bộ phim 3D Life of Pi (Cuộc đời của Pi) là tác phẩm chuyển thể của cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yann Martel. Bộ phim kể về cuộc chiến đấu sống còn của Piscine Pastel, một thiếu niên Ấn Độ bị đắm tàu giữa Thái Bình Dương, cùng với người bạn đường là một chú hổ Bengal đầy bản năng sinh tồn. Cũng giống như Brokeback Mountain, Life of Pi cũng dự tranh giải và trượt ở hạng mục phim hay nhất. Trước đó, bộ phim này đã sớm giành hai tượng vàng Oscar về quay phim và hiệu ứng hình ảnh. Nhà quay phim Claudio Miranda đã tạo nên những khuôn hình 3D kỳ ảo với một thiếu niên lênh đênh trên biển cùng một chú hổ Bengal.
Khi bắt tay vào làm phim Brokeback Mountain về hai chàng cao bồi đồng tính, nhiều người cho rằng Lý An đã thực hiện một quyết định mạo hiểm. Nhưng với ông, bộ phim Life of Pi mới đúng là sự lựa chọn nhiều rủi ro nhất và tốn mất nhiều công sức nhất. Lý An phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, sử dụng rất nhiều hình ảnh do máy tính tạo ra để gây ấn tượng thị giác mạnh trên màn bạc. Ngoài ra, ông cũng phải dành tới một năm rưỡi để xử lý hậu kỳ của phim. Trả lời hãng thông tấn Reuters, Lý An cho biết, bên cạnh những khó khăn kỹ thuật và quy mô, bộ phim còn phải chịu áp lực về việc lấy bối cảnh trải dài trên nhiều châu lục. Đặc biệt, với Life of Pi, ông đã mạo hiểm khi chọn một diễn viên vô danh Suraj Sharma để vào vai Pi.
Nói về việc chọn cuốn sách của nhà văn Yann Martel có nội dung đề cập đến niềm tin để làm phim, Lý An cho biết: “Tôi không phải là người đặc biệt mộ đạo. Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta thực sự đối mặt với câu hỏi về việc Thượng đế đang ở đâu, vì sao chúng ta được tạo ra, cuộc sống sẽ đi tới đâu, vì sao chúng ta lại tồn tại, đại loại vậy. Và ngày hôm nay nói về những điều như thế lại càng khó khăn, bởi người ta không thể chứng minh có câu trả lời cho chúng. Khi bắt đầu làm phim, tôi có cảm thấy rằng niềm tin xuất hiện và đưa mình qua nghịch cảnh. Nhưng thực tế tôi nghĩ nhiều hơn tới việc kể chuyện, giá trị của việc kể chuyện và cách thức người ta chia sẻ câu chuyện. Bởi vì một câu chuyện luôn có cấu trúc mở bài, thân bài, kết luận. Nó luôn mang một ý nghĩa nào đó, trong khi cuộc đời không giống như thế”.
GIA HUY