Ngày tháng vất vả dần trôi, gần 20 năm qua, người phụ nữ ấy đã nuôi hai cô con gái ăn học nên người. Với sinh viên của mình, chị cũng trở thành người mẹ, người bạn lớn.
Trong nỗ lực không ngừng của người mẹ đơn thân, chị Thi vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kinh tế tháng 8-2012. |
Vì sự học của con
Ngày nhận hung tin chồng mình bị tai nạn giao thông, chị Đinh Thị Thi mới ngoài tuổi 30. Trái tim của người mẹ trẻ run lên khi nhìn sang hai cô con gái bé bỏng, một 8 tuổi, một 5 tháng tuổi đang vui cười hồn nhiên bên cạnh. Những tháng năm vừa làm mẹ, vừa làm cha nhọc nhằn, đau đớn trôi qua. Lắm khi cả ngày, chị chẳng có thời gian nhìn vào gương để chải đầu, vén tóc. Ở độ tuổi cần sự chia sẻ, cảm thông, nhưng chị thiếu luôn thời gian chuyện trò, tâm sự cùng bạn bè, đồng nghiệp. Sau giờ lên lớp là chị vội về nhà chăm con, quán xuyến chuyện gia đình. Thương con dâu vất vả, mẹ chồng từ Hà Nội lặn lội vào thăm rồi ở lại với ba mẹ con. Nhờ thế, ngoài giờ lên lớp tại Trường Trung học Kinh tế (nay là Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng), chị tranh thủ dạy thêm ở các lớp tại chức, hệ từ xa, tham gia các dự án hoặc viết bài để trang trải cuộc sống.
Cuộc sống xoay vòng với tất bật lo toan cứ cuốn chị đi. Loay hoay với công việc ở trường, ở lớp, tối về chăm bẵm đứa nhỏ chưa tròn tuổi, chị không để ý nét buồn thoáng hiện trên khuôn mặt Mai Chi, cô con gái đầu của chị. Một hôm, khi hai mẹ con nằm cạnh nhau, Mai Chi rón rén quay sang nói nhỏ với mẹ: “Mẹ ơi, bây giờ em ngủ rồi, mẹ quay lại ôm con một chút”. Trong giây phút, chị sững lại trước lời nói ngây thơ của con rồi vội ôm con vào lòng mà nước mắt giàn giụa. Từ đêm đó, dù bận đến mấy, chị luôn dành vòng tay ôm siết lẫn nụ hôn để bù đắp cho con những thiếu hụt về tình cảm của người bố.
Hai cô con gái xinh xắn, ngoan hiền là động lực để chị tiếp tục sống và cống hiến. |
Thi thoảng có người đàn ông đến ngỏ lời muốn cùng chị nên duyên chồng vợ, nhưng chị không đủ tự tin mình sẽ tìm được người đàn ông thật sự biết sẻ chia. “Những đứa con là niềm vui lớn nhất giúp tôi tiếp tục sống. Tôi từng nghĩ nếu mình lấy chồng thì không biết con gái sẽ như thế nào. Nó còn tự tin chia sẻ mọi điều với mẹ hay không. Nếu con có nỗi khổ mà mình không biết, không chia sẻ được thì đó là sự bất hạnh lớn nhất của người mẹ”, chị nói. Chị vẫn một mình nuôi con ăn học. Khi Mai Chi tốt nghiệp ĐH trong nước, chị quyết định cho con đi du học. Hiện, cô bé đang học Thạc sĩ kinh tế tại Trường ĐH Osaka (Nhật Bản). Con gái út Thảo Chi sau khi tốt nghiệp THPT cũng sang Nhật tiếp tục con đường học vấn. Khi chia sẻ với tôi những khó khăn về tài chính, chị nói: “Để có tiền cho hai con du học tự túc ở Nhật, ngoài sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình, tôi vay ngân hàng và từng có ý định bán đi ngôi nhà mẹ con đang ở. Được làm tất cả vì sự học của con, là điều tôi không bao giờ hối tiếc bởi các con tôi đứa nào cũng ngoan và thương mẹ”.
Giúp sinh viên có sự trải nghiệm
Giờ, chị Đinh Thị Thi đã là Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế, Trưởng khoa Du lịch của Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Giữa bao bộn bề cuộc sống, chị vẫn cần mẫn với sự học của mình. Thời con gái, rời quê hương Thái Bình lên Hà Nội học ĐH Thương mại và tốt nghiệp năm 1984. Ra trường, vào Đà Nẵng công tác, chị tiếp tục theo học ĐH Tài chính Kế toán Hà Nội năm 1994 (hệ tại chức); ĐH Ngoại ngữ Hà Nội năm 1999 (hệ từ xa); Thủ khoa, bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ Kinh tế năm 2004; Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Kinh tế tháng 8-2012 tại Đà Nẵng…
Cách đây 5 năm, toàn khoa Du lịch của chị có vỏn vẹn 4 lớp cùng 5 giảng viên. Điều đầu tiên chị nghĩ đến là làm sao nâng cao kiến thức cho đội ngũ giảng dạy, song song với việc lặn lội tìm hiểu và mời các chuyên gia đầu ngành để mở các lớp tập huấn cho giáo viên. Bản thân tham gia một số lớp học của dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do EU tài trợ, chị xin đăng ký cho giảng viên của khoa mình cùng được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng. Kết hợp đưa giảng viên đến nhà hàng, khách sạn lớn để nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm thực tế để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Khoa Du lịch của chị giờ đã phát triển lên con số 26 giảng viên và 24 lớp học với gần 1.000 sinh viên và 4 nghề đào tạo.
Là cô giáo nghiêm khắc, tận tụy với học trò, chị cũng trở thành người mẹ, người bạn lớn. Để sinh viên của mình có nhiều chuyến đi thực tế, chị đã nhiều lần phải đấu tranh, phải lý giải để tìm được sự ủng hộ, đồng cảm của lãnh đạo và các phòng ban trong trường. Đối mặt với những vất vả, rủi ro trên đường, đối mặt với những ý kiến “bất đồng quan điểm”, chị vẫn động viên các đồng nghiệp của mình phải cố gắng để thực hiện những quyền lợi chính đáng của sinh viên. Cho tôi xem một số bài báo cáo thực tập dài gần 100 trang giấy được viết bằng tay rõ ràng, cẩn thận, chị Thi nói rằng, mỗi bài báo cáo thu hoạch của sinh viên sau mỗi chuyến thực tế đều cập nhật đầy đủ địa chỉ điểm đến, nhật ký hành trình, phân đoạn thuyết minh và quan trọng hơn cả là phần viết cảm nghĩ sau chuyến đi. Qua đó, chị và đồng nghiệp có những điều chỉnh kịp thời để sinh viên có được không gian đào tạo, trải nghiệm tốt nhất.
Với kinh nghiệm giảng dạy và khả năng bao quát, chị Thi được mời tham gia nhiều dự án của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng như của Tổng cục Dạy nghề. Bây giờ, kiến thức góp nhặt trong những năm tháng không ngừng nỗ lực đã giúp chị có đủ tự tin để tiếp tục đứng trên bục giảng, cũng như nghiên cứu khoa học.
Trước khi chia tay tôi, chị khoe tấm bảng ghi nhớ đặt trên bàn làm việc do con gái Mai Chi từ Nhật gửi về tặng mẹ. Đến bây giờ, chị vẫn không thể nào quên câu nói của Mai Chi: Ý chí của con là đuổi kịp và vượt qua mẹ. Chị xem đó là sự động viên, khích lệ của cô con gái dành cho mình. Và, tôi nhìn thấy trong mắt chị ánh lên niềm hạnh phúc.
Ghi chép của TIỂU YẾN