.

Cụ Hồ và ứng xử văn hóa phương Đông

.

1.

Cụ Hồ chủ yếu là một người theo Tây học, từ thời niên thiếu đã học Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, rồi học tiếp chương trình trung học Pháp - Việt ở Trường Quốc học Huế, sau đó bôn ba sang Pháp, Anh, Nga, Mỹ… là những nước Tây phương để tìm đường cứu nước. Nếu Cụ thiên về ứng xử văn hóa theo kiểu phương Tây cũng là lẽ thường, và thực tế, sinh thời Cụ Hồ nhiều lần thể hiện sự tinh tế lịch lãm trong ứng xử văn hóa theo kiểu phương Tây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới (1950). Nơi ở của Người di chuyển theo các trận đánh, có khi chỉ là túp lều cỏ dựng tạm vài hôm. 							 (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới (1950). Nơi ở của Người di chuyển theo các trận đánh, có khi chỉ là túp lều cỏ dựng tạm vài hôm. (Ảnh tư liệu)

Chẳng hạn có lần Cụ đang bước lên các bậc thềm thì đối tác người nước ngoài đứng trên sảnh cao đã cố tình chìa tay ra bắt, Cụ vội tránh người sang một bên và nhanh chóng bước lên sảnh rồi mới bắt tay - tất nhiên chỉ dùng một bàn tay, bởi theo cung cách ứng xử văn hóa phương Tây, nhất là trong lễ tân ngoại giao thì khi bắt tay nhau tức đã thừa nhận sự đồng đẳng ngang hàng, cho nên Cụ không thể đưa tay ra bắt khi đang đứng thấp hơn đối tác và càng không thể dùng cả hai bàn tay để bắt tay.

Ứng xử văn hóa theo kiểu phương Tây rất coi trọng ngày sinh và đến chào xã giao để chúc mừng nhân sinh nhật của nguyên thủ quốc gia gần như là cách ứng xử không thể khác được khi đi sứ sang nước người. Vì thế để buộc Cao ủy Pháp tại Đông Dương D’Argenlieu vừa đến Hà Nội phải đích thân tới chào Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam dân chủ cộng hòa trước khi hai bên tiến hành đàm phán, Cụ đã nghĩ đến việc tổ chức sinh nhật mình đúng vào thời điểm ấy và D’Argenlieu dẫu không muốn cũng buộc phải đến chúc mừng sinh nhật Cụ Hồ vào ngày 19-5-1946…

2.

Nhưng Cụ Hồ lại xuất thân trong một gia đình và một vùng quê có truyền thống khoa bảng Nho học, bản thân Cụ cũng có chút vốn liếng Nho học trước khi vào học Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, nên sự hội nhập sâu sắc với ứng xử văn hóa theo kiểu phương Tây vừa nêu trên không hề làm cho Cụ Hồ trở nên xa lạ với ứng xử văn hóa phương Đông, thậm chí có thể nói chính nhờ hội nhập sâu sắc với ứng xử văn hóa theo kiểu phương Tây mà Cụ Hồ rất Đông phương, rất Việt Nam trong ứng xử văn hóa. Và phải chăng chính sự hợp trội cả hai nền văn hóa trong cùng một con người đã gây ấn tượng mạnh đối với nhà thơ Nga Osip Emilyevich Mandelstam - người phỏng vấn Cụ Hồ trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ cuối năm 1923, đến mức khẳng định người được phỏng vấn “thấm đượm chất văn hóa, không phải thứ văn hóa châu Âu mà có lẽ đó là văn hóa của tương lai”.

Tất nhiên, để có được sự hợp trội tuyệt vời ấy, Cụ Hồ phải thấy rõ những chỗ giống nhau và quan trọng hơn là thấy rõ những chỗ khác nhau giữa ứng xử văn hóa phương Tây với ứng xử văn hóa phương Đông. Tôi hết sức thích thú khi nghe kể lại câu chuyện Cụ Hồ hỏi mấy chú cảnh vệ vì sao mà cái chén uống trà của phương Đông không có quai khác với cái tách uống trà của phương Tây có quai, và Cụ đã tự giải đáp rằng sở dĩ khác nhau như vậy là vì khi uống trà người phương Đông thường dùng cả hai tay nâng chén lên ngang mày để mời khách, trong lúc người phương Tây chỉ cần dùng một tay nâng tách là xong.

3.

Xem cái cách Cụ Hồ xưng cháu gọi bác khi viết thư cho Cụ Phan Châu Trinh hồi ở bên Pháp bên Anh cũng có thể thấy rõ sự tôn lão kính trưởng mang đậm sắc thái ứng xử văn hóa phương Đông của người gửi thư dành cho người nhận thư, chẳng hạn như lá thư ghi là viết từ Southampton: “Cách đây không tiếp được tôn tín, không hay Bác hành chỉ thế nào và sự thể bên ta thế nào? Và cháu muốn biết như cháu có thể gặp Bác trước lúc Bác đi hay không, vì cháu rất cần một ít lời tôn hội, xin Bác trả lời liền cho cháu vì chừng trong tuần lễ cháu sẽ xuống tàu đi chưa biết đâu”. Sẽ có người cho rằng Cụ Phan Châu Trinh là bạn học của Cụ Nguyễn Sinh Sắc vì thế quan hệ giữa bậc cha chú và hàng con cháu trong trường hợp này đòi hỏi phải xưng hô như vậy, chưa kể lúc mới ra nước ngoài Cụ Hồ vẫn chưa thành danh.

Tuy nhiên, nếu quan sát thêm một số trường hợp nữa, chẳng hạn cái cách Cụ Hồ xưng hô khi viết thư cho Cụ Bùi Bằng Đoàn nhờ góp ý kiến về bài điếu văn đọc trong lễ truy điệu cụ Nguyễn Văn Tố, có thể thấy Cụ Hồ ngay khi đương ở trên đỉnh cao quyền lực thì sự tôn trọng người khác theo đúng ứng xử văn hóa phương Đông vẫn cứ tỏa sáng một cách hồn nhiên không hề phô diễn: “Kính gửi Cụ Bùi, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Thưa Cụ, Tôi muốn có một bài truy điệu Cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế. Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình Cụ xem. Nếu có thể sửa thì xin Cụ sửa giùm. Nếu không thể sửa, thì ta làm văn xuôi vậy. Khi tôi thảo xong, đọc lại nghe khá chướng tai. Vì đối với Cụ, tôi không dám giấu dốt, cho nên cứ gửi để Cụ xem. Mong kỳ hội đồng sau sẽ được gặp Cụ. Kính chúc Cụ mạnh khỏe và xin Cụ chuyển lời tôi hỏi thăm Cụ Phan và Cụ Vi. Chào thân ái và quyết thắng”.  

4.

Cụ Phạm Văn Đồng từng có một nhận xét rất khái quát về con người văn hóa của Cụ Hồ: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp”. Thật vậy, Cụ Hồ với ứng xử văn hóa phương Đông - cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp - vẫn luôn nổi bật, thậm chí luôn ngời sáng trên cận cảnh mà không làm che khuất bóng dáng vạm vỡ cường tráng của đông đảo quần chúng nhân dân, của những con người áo vải chân đất bình thường có nhiều đóng góp thầm lặng vào mỗi bước đi lên đi tới của lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta trong gần một thế kỷ qua. Đây cũng là một trong những tứ thơ của nhà thơ Hải Như khi viết về đề tài Hồ Chí Minh: “Bác Hồ đứng / Người sau không bị khuất / Ta đứng (thường quên) / Che lấp… / Bạn mình!”.

5.

Ứng xử văn hóa phương Đông ở Cụ Hồ không chỉ được thể hiện trong quan hệ giữa con người với con người mà còn được thể hiện trong quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Cụ Hồ có một thời gian dài sống gắn bó với thiên nhiên - cũng có thể nói là sống giữa thiên nhiên, nhất là vào khoảng thời gian Cụ mới về nước cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

Là nhà thơ, Cụ thường lấy thiên nhiên làm không gian nghệ thuật, chẳng hạn: “Lục nguyệt nhị thập tứ / Thướng đáo thử sơn lai / Cử đầu hồng nhật cận / Đối ngạn nhất chi mai - Hai mươi tư tháng sáu / Lên đến núi này chơi / Ngẩng đầu mặt trời đỏ / Bên suối một nhành mai” (bài Thướng sơn - Lên núi), hoặc: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên / Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên / Yên ba thâm xứ đàm quân sự / Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền - Rằm xuân lồng lộng trăng soi / Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân / Giữa dòng bàn bạc việc quân / Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền” (bài Nguyên tiêu - Rằm tháng giêng)…

Là nhân vật trữ tình trong thơ, Cụ cũng thường được các nhà thơ đặc tả trong những không gian nghệ thuật thấm đẫm thiên nhiên. Có thể dẫn ra đây nhiều câu thơ, khổ thơ, bài thơ như vậy nhưng theo tôi tiêu biểu nhất có lẽ là hai câu thơ trong bài Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu: “Bụt mọc dầm chân đứng đợi ai / Quanh hồ thấp thoáng bóng hôm mai”. Sự hòa hợp giữa nhân vật trữ tình với những cây bụt mọc - một loại cây bên hồ có rễ dài mọc sát mặt nước trông giống những tượng Phật phải đạt tới một ngưỡng nào đó mới thể tạo nên thi tứ độc đáo này, và qua đấy càng thấy rõ hơn ứng xử văn hóa phương Đông của Cụ Hồ - con người của một nền văn hóa tương lai như cách hình dung của Osip Emilyevich Mandelstam.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.