.

Ngời sáng nghĩa tình quốc tế

.

Những năm đầu thế kỷ 20, trong cảnh nước mất nhà tan, bao người dân Việt đã trôi dạt đến các vùng đất khách. Cha mẹ người cựu chiến binh Hồ Minh Thân (quê Quảng Bình, trú phường Hòa Thuận Tây, Hải Châu, Đà Nẵng) cũng nằm trong những thân phận ấy. Ông Thân sinh năm 1934 tại thị xã Savannakhet (Lào), tuổi thơ trải bao nhọc nhằn, tủi nhục dưới ách thực dân, phát xít.

Một tiết mục của Đội ca khúc cách mạng. 					                             Ảnh: L.V.T
Một tiết mục của Đội ca khúc cách mạng. Ảnh: L.V.T

Tháng 8-1945, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo nhân dân đứng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Tại thị xã Savannakhet, bà con Việt kiều đã sát cánh cùng nhân dân Lào trong cuộc nổi dậy lật đổ gông xiềng đô hộ. Nhân dân Savannakhet khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ thành quả cách mạng, nhưng chỉ 4 tháng sau, thị xã này đã bị giặc Pháp tái chiếm. Gia đình ông Thân cùng bà con Việt kiều và cả nhiều người dân Lào phải tản cư qua sông Mê Kông, đến sinh sống tại thị trấn Mục-đa-hãn trên đất Thái Lan. Sau đó, nhiều cán bộ và bộ đội Lào cũng giả làm thường dân, lánh sang Mục-đa-hãn làm ăn và bí mật xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Bấy giờ, chính quyền Thái Lan do tướng Pra-đít làm Thủ tướng ủng hộ cách mạng Lào, nên đã giúp đỡ nhân dân Lào và Việt kiều. Bà con Việt kiều tại Mục-đa-hãn đã thành lập Hội Việt kiều cứu quốc và tích cực hoạt động ủng hộ Chính phủ kháng chiến Lào. Nhưng đến cuối năm 1946, bọn phản động Thái Lan do Phi-bun-xông-khram cầm đầu, làm đảo chính, lập ra chính quyền tay sai thân Mỹ. Từ đó, hoạt động của Việt kiều ở Thái Lan gặp nhiều khó khăn. Tại Mục-đa-hãn, Hội Việt kiều cứu quốc đã phải đổi tên thành Hội Việt kiều cứu tế để che mắt địch. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hội là tuyên truyền vận động, tổ chức đưa người, tiền, gạo, thuốc men về ủng hộ Chính phủ kháng chiến Lào. Hai anh em ông Thân lần lượt trở về Lào tham gia kháng chiến vào năm 1950, lúc đó ông Thân vừa tròn 16 tuổi.

Ông rời thị trấn Mục-đa-hãn vào một buổi sáng, đón xe đến một nông trường ở sát biên giới Thái-Lào với “giấy thông hành” của chính quyền địa phương là đến nông trường này để lao động. Trước khi đi, mẹ ông đã chuẩn bị sẵn một túi quần áo và các dụng cụ sinh hoạt cá nhân, trong đó có một ruột tượng để đựng gạo. Hàng trăm thanh niên khác từ nhiều nơi cũng lần lượt đến khu vực nông trường này theo hẹn của tổ chức. Chạng vạng tối, tất cả được giao liên đưa xuống đò, vượt sông Mê Kông sang Lào.

Qua sông Mê Kông, mọi người nhận gạo đầy ruột tượng và được du kích Lào dẫn đường băng rừng vượt suối, ròng rã hơn một tuần lễ mới đến nơi tập trung. Ông Thân được cử đi học chương trình đào tạo y tá, rồi về công tác tại Khu bộ Hạ Lào, đóng trong một khu rừng rậm thuộc tỉnh Attopeu, cùng 4 y tá khác đảm nhiệm chăm sóc y tế cho hơn 300 cán bộ, bộ đội trong cơ quan Khu bộ, gồm cả người Việt và người Lào. Hồi ấy, anh em thường bị sốt rét, lỏng, lỵ, nhưng thuốc men vô cùng thiếu thốn.

Sau Hiệp định Giơnevơ (7-1954), ông Thân cùng đơn vị tập kết ra miền Bắc qua đường Trường Sơn. Trên hậu phương lớn, ông được đào tạo trở thành y sĩ, rồi tiếp tục sang công tác tại Lào từ 1963 đến 1968. Lần này, ông được giao nhiệm vụ giảng dạy chương trình đào tạo y tá cho bộ đội Lào và cả một số người của lực lượng cách mạng Thái Lan.

Đến năm 1968, ông được trở về nước, học chương trình đào tạo bác sĩ cấp tốc tại Trường Đại học Quân y (ở thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội), rồi được điều vào Quân khu Trị Thiên Huế làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 6 cho tới ngày nước nhà thống nhất. Năm 1981, ông cùng gia đình vào nhận nhiệm vụ mới ở Bệnh viện Quân y 87, thành phố Nha Trang, tỉnh Phú Khánh. Năm 1986, khi đang làm Phó Viện trưởng Viện Quân y 87, ông nhận nhiệm vụ sang làm chuyên gia tại Campuchia, giúp bạn xây dựng hệ thống quân y ở Quân khu Đông Bắc.

Tỏa sáng y đức

Về hưu (1991), tham gia năng nổ, xông xáo công tác địa phương với nhiều cương vị khác nhau, ông Thân được bầu làm Phó Ban liên lạc Cựu tình nguyện quân và Chuyên gia quân sự Lào tại thành phố Đà Nẵng. Người sĩ quan quân y năm xưa luôn tỏa sáng y đức trong cuộc sống đời thường. Ông Thân mua nhiều loại thuốc để sẵn trong nhà. Bất cứ ai đến nhờ khám bệnh đều được ông thăm khám, chữa trị, chỉ dẫn tận tình. Hễ bệnh nhẹ, ông lấy thuốc cho uống tại chỗ miễn phí và cho thêm vài liều đem về nhà uống. Còn bệnh nặng, ông kê đơn cho bệnh nhân đi mua thuốc. Nhiều người đã được ông chữa khỏi bệnh. Ai gửi tiền ông cũng không nhận, gửi quà biếu ông cũng dứt khoát từ chối. Anh Nguyễn Tý, nhà ở trên đường Nguyễn Thành Hãn, quận Hải Châu, cho biết: “Bác Thân khám bệnh, kê đơn cho tôi mua thuốc, chữa khỏi bệnh rối loạn tiền đình. Vợ tôi bị thiểu năng tuần hoàn não cũng được bác khám bệnh, ghi đơn mua thuốc. Bác không lấy tiền công, mà đem cái gì đến tạ ơn bác cũng không nhận”. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú vào ngày 17-2-2001.

Ông Thân say mê âm nhạc từ bé. Trong những năm ở chiến trường, năng khiếu đàn, hát của ông đã động viên bao đồng đội vượt qua khó khăn thử thách, chiến thắng những cơn đau nhức do thương tật và cả những trận ốm đau thiếu thuốc. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thu cũng là một người ham thích ca hát và có nhiều thành tích trong phong trào văn nghệ quần chúng. Họ gặp nhau, nên duyên chồng vợ năm 1962 khi ông đang học tại Trường Sĩ quan Quân y ở thị xã Hà Đông. Hai cụ tích cực tham gia vận động thành lập Đội Ca khúc cách mạng CCB, quy tụ gần 20 thành viên cùng chung tâm nguyện đem lời ca tiếng hát giúp ích cho đời, dàn dựng nhiều chương trình đặc sắc và đạt hàng chục giải thưởng trong các hội thi, hội diễn. Những “lão nghệ sĩ” này thường xuyên được mời biểu diễn chào mừng đại hội, hội nghị, gặp mặt và đã được Hội CCB thành phố tặng Bằng khen. Gần 80 tuổi, nhưng CCB Hồ Minh Thân còn chơi đàn măng-đô-lin rất hay, và suốt 13 năm qua, tất cả thành viên trong đội luôn tin tưởng bầu ông làm đội trưởng.

Hằng ngày, vị Thầy thuốc Ưu tú này vẫn kiên trì học tin học với quyết tâm phải biết công nghệ thông tin để truy cập Internet, bổ sung kiến thức y học, âm nhạc và khai thác nhiều tiện ích khác. Vợ chồng ông Thân có 3 người con, người con đầu công tác tại Bệnh viện Quân y 17, cô con thứ công tác ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, còn cô con út đang làm việc tại Pháp. “Sử dụng vi tính, mình dễ dàng trao đổi, chuyện trò với các con, dù con ở bên châu Âu cũng như ở ngay bên cạnh mình”, ông Thân chia sẻ.  

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.