.

Người Đà Nẵng làm từ thiện

.

“Dân mình vốn không quen mạnh tay tiêu xài cho bản thân do hoàn cảnh và tính cách, nhưng ngược lại, hễ nói đến làm từ thiện thì sẵn lòng lắm. Không chỉ đóng góp tiền bạc, vật chất, mọi người còn nhiệt tình bỏ thời gian, công sức đi đến tận những nơi xa xôi cần giúp đỡ”. Đang vác những thùng hàng nặng trĩu chất lên xe tải chuẩn bị cho một chuyến đi tặng quà trẻ em miền núi, một đội trưởng nhóm làm từ thiện chia sẻ.

Những thùng hàng  được chất lên xe tải chuẩn bị cho một chuyến đi tặng quà trẻ em miền núi. 	 			          Ảnh: T.H
Những thùng hàng được chất lên xe tải chuẩn bị cho một chuyến đi tặng quà trẻ em miền núi. Ảnh: T.H

Có thể nói tại Đà Nẵng, chưa bao giờ hoạt động làm từ thiện của người dân mạnh mẽ và sôi nổi như lúc này, bất chấp sự khủng hoảng kinh tế. Các nhóm từ thiện có tên hoặc không tên, đông người hay ít người thì đều giống nhau là hoạt động tự phát, không trực thuộc một tổ chức chính trị, xã hội cụ thể, mọi người tự khởi xướng, tự thân vận động nhưng làm việc rất chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tâm từ bi tìm đến nhau

Như bao người lao động khác, anh Phạm Văn Phú (49 tuổi) hằng ngày vẫn hoàn thành công việc của mình là nhân viên Điện lực Đà Nẵng. Chỉ khác là sau giờ hành chính, anh - với vai trò nhóm trưởng - lại ngược xuôi khắp mọi miền để làm từ thiện cùng Tâm Phúc. Tâm Phúc là đạo tràng từ thiện của Chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Qua hai năm thành lập, thành viên thường xuyên của nhóm hiện nay dao động từ 30-50 người, lại rất đa dạng về độ tuổi và nhất là không phân biệt tôn giáo. Chỉ có lòng thành chia sẻ với những mảnh đời nghèo khó là sợi dây liên kết duy nhất và là cái duyên để những con người có tâm từ bi tìm đến với nhau.

Hôm chúng tôi tìm đến “trụ sở” của nhóm tại 631 Trần Cao Vân cũng là lúc anh Phú và các thành viên đang tất bật chuẩn bị hàng hóa để kịp sáng sớm mai khởi hành đến huyện Nam Trà My tặng quà cho trẻ em Trường tiểu học Trà Vân. Hai xe tải (loại 2,5 tấn) đã không còn chỗ nhét thêm bất kỳ món hàng nào sau khi nhóm đã tính nát óc cách sắp xếp sao cho hợp lý nhất. 320 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng gồm chăn, màn, dép, dầu ăn, nước mắm, vở, viết… Con số 100 triệu đồng cho chuyến đi này chỉ là ước tính sơ bộ, đến giờ xe lăn bánh, bao giờ cũng có những món quà phút chót mà bà con ở khắp nơi chạy đến gửi thêm vào. Những ngày chuẩn bị cho mỗi chuyến đi, căn nhà này lại y chang cửa hàng tạp hóa lớn với đầy ắp hàng hóa.

Đã thành thói quen, khi chòm xóm thấy xe tải tập kết trước “trụ sở” của nhóm thì mọi người biết ngay sắp có một chuyến từ thiện. Và cứ thế, ban ngày hay đêm hôm, chủ nhà đều nhận được tiếng gõ cửa: “Cho tui gửi cái ni”. Anh Hùng, chủ căn nhà 631, cũng là thành viên của Tâm Phúc, cho hay: “Có khi mình chưa kịp biết người gửi hàng là ai, tên gì. Một số người đi đường hiếu kỳ hỏi: “Mấy ông làm chi rứa?”. Nghe nói làm từ thiện, họ tròn mắt: “Rứa hả, cho tui ủng hộ 100 (100.000 đồng)”. Một hàng xóm của anh Hùng cho biết thêm: “Ngó vậy mà kỳ công lắm đó, lục đục chuẩn bị cả tháng trời”.

Mỗi năm, Tâm Phúc thực hiện hai chuyến đi với số hàng nhiều như thế. Những ngày còn lại, không thể thống kê hết các hoạt động nhỏ lẻ của nhóm như nấu ăn tình thương, phát tâm ủng hộ người xa gần… Để bảo đảm tính minh bạch, mỗi chuyến đi, những người ủng hộ đều được tạo điều kiện cùng đến tận nơi để cảm nhận sự chia sẻ thực tế và biết chắc món quà của mình đã tới tay người cần nhận.

Truyền cho con tình yêu thương con người

Chị T. (nhân vật xin giấu tên, tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cũng là đội trưởng của một đội từ thiện, tuy rằng đội của chị… không có tên. Nhiều năm nay, chị và ngôi nhà của mình đã trở thành địa chỉ tin cậy của một số mạnh thường quân. Điểm đến của họ là các huyện nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên- Huế.

Chị T. cho biết, ban đầu ai rủ làm từ thiện ở đâu thì đi theo nấy với mức ủng hộ có khi chỉ 1 - 2 thùng sữa tươi dành cho trẻ em. Dần dần, chị biết được chính xác những nơi thật sự cần giúp đỡ và tự mình tổ chức các chuyến đi. Ngoài công việc chính của hai vợ chồng đều là thầy thuốc, chị còn được bạn bè quen thân xem như là nhà tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Chỉ cần nhấc điện thoại a-lô cho chị, 10 phút sau, chị T. đã lên được lịch trình cần đi đâu, làm gì, mua bao nhiêu quà, hàng, v.v…

Thường thì đội của chị chỉ có 3-4 nhà tài trợ chính (trong đó có bản thân chị với tư cách người ủng hộ và tổ chức) nhưng giá trị quà tặng lại không hề nhỏ từ mươi, mười lăm triệu đến cả trăm triệu đồng. Chị nhớ có lần cùng bạn bè đến cô nhi viện Đức Sơn (Huế), vì nghĩ trẻ con thích bánh kẹo nên các chị mua thật nhiều cho các bé. Sau này mới biết có vài em sâu răng vì mãi ham bánh kẹo khiến các chị áy náy mãi và rút ra cho mình những kinh nghiệm trong việc tặng quà. Bên cạnh đó, dù là hoạt động tự phát, nhưng các nhóm của chị T. hay anh Phú… đều có sự khảo sát bằng công tác tiền trạm, hỏi dân địa phương để việc giúp đỡ tránh trùng lặp, thiệt thòi cho những nơi ít người biết tới.

Nhìn cách sống, sinh hoạt bình dị của vợ chồng chị T., khó ai biết anh chị lại sẵn sàng bỏ ra những số tiền không nhỏ để thường xuyên đi làm từ thiện. Tuy nhiên, với gia đình nhỏ của chị, nhất là với hai cậu con trai đang là học sinh tiểu học, mỗi chuyến đi đến vùng quê nghèo khó là một cuộc pic-nic kỳ thú để hiểu biết về con người, cuộc sống xung quanh mình. Các con luôn tỏ ra hào hứng được cùng ba mẹ làm việc thiện. Và dù còn rất nhỏ, nhưng hai bé trai của chị T. không bao giờ đòi hỏi ăn ngon, mặc đẹp, nhất là sớm biết tiết kiệm từng tờ giấy bỏ. Trong nhà có một ngăn riêng dùng để chứa đồ phế liệu do các con nhặt nhạnh được. Thế nên, vào mỗi dịp quyên góp kế hoạch nhỏ giúp bạn nghèo, hai bé luôn dẫn đầu lớp về số lượng đóng góp.

Người “thừa kế” nồi cháo tình thương

Một trong những mạnh thường quân âm thầm nhưng rất mạnh trong các hoạt động do chị T. tổ chức đó là bà Nguyễn Bích Liên, 61 tuổi, một phụ nữ đơn thân sống trong căn nhà mặt tiền đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, đồng thời là người “thừa kế” nồi cháo tình thương do gia đình để lại.

Cô ruột của bà Liên là bà Em, người được coi là sáng lập nồi cháo tình thương tại Đà Nẵng. Từ hơn hai chục năm trước, bà Em, vốn là chủ rạp Kim Châu (rạp phim Lê Độ ngày nay), sau đó chuyển sang buôn bán kim cương đã xây dựng nồi cháo tình thương tại Bệnh viện Đà Nẵng cùng vô số hoạt động từ thiện khác. Ngày ấy, bà Liên sống cùng cô ruột và luôn đồng hành trong mọi công việc của cô. Thế nên, khi bà Em ra đi để lại lời căn dặn: “Phải giữ cho được nồi cháo tình thương” thì cho đến hôm nay, bà Liên vẫn âm thầm thực hiện nguyện vọng của người cô giàu có và đầy lòng nhân đức.

Ở khu phố sầm uất nhất Đà Nẵng, nhưng bà Liên lại chọn cho mình cách sống gần như ở ẩn. Hằng ngày, bà tụng kinh niệm phật và dành toàn bộ sức lực cho các chuyến đi từ thiện. Một người rất thân cận với bà cho biết, cách làm của bà Liên là dùng tiền túi hoàn toàn vì bà ngại mở rộng các mối quan hệ. Không chỉ “giữ” nồi cháo, bà Liên còn làm công việc thầm lặng nhưng rất giá trị với những địa phương nghèo theo kiểu cần đâu giúp đó. Một người dân ở Duy Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam cho biết, việc ma chay ở quê gặp rất nhiều khó khăn khi phải khiêng người chết đi bộ vài cây số tới nơi chôn cất nên bà Liên đã giúp mua cho địa phương một chiếc xe tang trị giá mấy trăm triệu đồng. Bà cũng là một trong những người ủng hộ dân nghèo xây cầu lên đến hàng tỷ đồng. Vào mùa lụt nhiều năm trước, bà tặng 300 hộ nghèo với mức 300 nghìn đồng/hộ vượt cơn hoạn nạn…

Dân mình không mạnh tay tiêu xài cho bản thân nhưng có thể nói là “đại gia” của người nghèo, điều này không sai trong nhiều trường hợp.

THU HOA

;
.
.
.
.
.