.

Tìm lại khán giả

.

Kéo khán giả Sài Gòn trở lại với sân Thống Nhất là cái đích mà các nhà quản lý điều hành bóng đá TP. Hồ Chí Minh đang hướng đến trong nỗ lực làm mới làng bóng của thành phố này. Nghe có vẻ lạ đời nếu người ta không hiểu được thực tế sân cỏ của một thành phố từng là trung tâm lớn của nền bóng đá xứ sở.

Nhiều năm dài qua, sân Thống Nhất hầu như chưa hề tìm lại được cái sôi động háo hức đến từ những trận cầu đinh ở các giải bóng đá trong nước. Chưa nói đến sức thu hút từng làm “vỡ” sân của những trận tầm cỡ như Cảng Sài Gòn-Thể Công hay Hải Quan - Quảng Nam-Đà Nẵng năm nào, tìm những cuộc thư hùng mà khán giả xếp hàng rồng rắn từ trước giờ bóng lăn hàng giờ bây giờ sao khó quá! Tuy mang danh đại biểu bóng đá thành phố nhưng nhiều lớp cầu thủ ở các đội đại diện lại đến từ tứ xứ, xa lạ với nhiều giá trị truyền thống và không tha thiết với màu cờ sắc áo của nơi từng là trung tâm bóng đá hàng đầu. Vì nhiều lý do, cái trung tâm ấy bỗng chốc trắng tay đại biểu trên sân chơi danh giá nhất, phải chống chế bằng những gương mặt “ăn nhờ ở đậu” hay lắp ghép danh xưng.

Kéo khán giả trở lại với sân bóng của chính họ, thực tâm kiếm tìm sự trợ lực từ phía công chúng, đây là cảnh báo không chỉ riêng cho một vùng đất thể thao mà là cho cả nền bóng đá nước nhà.								                                           (Nguồn: bongdaplus)
Kéo khán giả trở lại với sân bóng của chính họ, thực tâm kiếm tìm sự trợ lực từ phía công chúng, đây là cảnh báo không chỉ riêng cho một vùng đất thể thao mà là cho cả nền bóng đá nước nhà. (Nguồn: bongdaplus)

Không phải vì bây giờ bóng đá trở nên thừa mứa trong đời sống con người, các trận đỉnh cao thế giới dễ dàng đi vào tận buồng ngủ của mỗi gia đình hằng giờ, khán giả xem nhẹ V-League chỉ vì họ ít khi tìm thấy bóng dáng chính mình trong cái sân chơi lẽ ra phải hàm chứa tất cả kỳ vọng, tâm huyết đối với nền bóng đá nước nhà. Đừng quên vào lúc quay mặt thờ ơ với V-League hay giải Hạng Nhất, công chúng lại sẵn sàng tìm thấy hứng khởi khi trở về với các trận bóng đá chân ruộng, hồn nhiên hò reo khi dõi theo một pha bóng ngẫu hứng trên hè phố. Bóng đá chân ruộng, bóng đá bãi biển, sân bóng hè đường thu hút người xem  vì lẽ gì? Chắc chắn không vì trình độ đẳng cấp mà vì chính ở những sân chơi hồn nhiên ấy, công chúng tìm thấy phảng phất bóng dáng khát vọng của chính họ. Cầu thủ ở những sân chơi ấy chính là “người nhà” của công chúng, chơi bóng trước hết vì niềm đam mê hết mực, sự trung thực và nét chân chất của những “nghệ sĩ” biết xem trọng niềm vui khán giả.

Tìm cho được một câu lạc bộ của người Sài Gòn, một đại biểu của chính bóng đá Sài Gòn là chủ trương của các nhà điều hành, quản lý bóng đá TP. Hồ Chí Minh lúc này. Những vay mượn, lắp ghép trước đây có vẻ không còn đất sống, bóng đá vùng đất này đang chịu đau để làm lại từ nội lực của chính mình, trước hết qua việc chăm chút lớp cầu thủ năng khiếu. Lộ trình trở lại hẳn là không thể một sớm một chiều cho ra kết quả vì những bài học xương máu về chuyện ăn xổi ở thì, chuyện quá trông chờ vào đồng tiền vẫn còn nóng hổi.

Kéo khán giả trở lại với sân bóng của chính họ, thực tâm kiếm tìm sự trợ lực từ phía công chúng, đây là cảnh báo không chỉ riêng cho một vùng đất thể thao mà là cho cả nền bóng đá nước nhà. Thành tích nhất thời, các giá trị ăn theo bóng đá, thói kiêu ngạo hãnh tiến từ lâu làm người ta lóa mắt đến lơ là, hờ hững với bản sắc, giờ mới giật mình nhận ra cái giá phải trả. Điều đáng mừng là công chúng bao dung luôn rộng mở vòng tay…

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.