Vào Tuy Hòa, Phú Yên mà không đi thăm ghềnh Đá Đĩa thì quả thật là đáng tiếc. Tôi suýt giữ cho mình sự đáng tiếc đó trong chuyến đi công tác vừa rồi.
Du khách khám phá sự diệu kỳ của tạo hóa. Ảnh: M.H.P |
Buổi sáng chủ nhật, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo ghé lại khách sạn chở tôi đi thăm nhà văn Ngô Phan Lưu, mà mọi người vẫn thường gọi đùa là “nhà văn ba họ”. Quán cà-phê bình dân nhà anh Lưu nằm bên tán mận khổng lồ, ở đầu một góc phố nhỏ xinh. Dựng đứng giữa quán là một gốc mít cỗi có trái to như cái lu nước lớn đang được buộc chéo bằng mấy sợi dây treo lủng lẳng chờ chín. Anh Lưu đem tặng tôi tập tản văn Tờ lịch gỡ mỗi ngày, vừa được một nhà xuất bản in và bao tiêu sản phẩm. Được vậy quý quá. Tôi mừng cho anh.
Ngày cuối tuần, nhiều người thong thả nên tìm nhau chuyện trò và nâng cốc cho vui. Bạn văn và bạn… “không văn” cứ thế mà nhàn đàm, rôm rả. Nhập hội, ban đầu thì lạ, nhưng ngồi một lát thành quen. Hình như khi mở lòng ra thì ai cũng tìm thấy những điểm tương đồng của nhau để mà chia sẻ.
Khi tôi lấy làm tiếc là chuẩn bị về mà chưa thăm được ghềnh Đá Đĩa, một người trong nhóm là “dân” xây dựng nói: Anh chưa đến đó thật à? Để tôi liên lạc tài xế vừa về dưới quê chiều nay 4 giờ lên sẽ chở anh đi. Anh ta là một trong những người yêu văn nghệ nên thường dành cho các bạn văn của mình sự ưu ái, cho dù đó là người bạn mới quen.
Đúng hẹn, tài xế đánh xe đến. Nắng chiều gần cuối mùa hè dịu xuống rất nhanh. Xe rời thành phố chạy ra vùng ven, qua những cánh đồng rồi tới biển và núi. Ghềnh Đá Đĩa nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa hơn 40km. Khu vực ghềnh đá thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Mặc dù đã đọc một số tư liệu liên quan ghềnh Đá Đĩa và xem qua nhiều hình ảnh, nhưng tôi cũng không tránh khỏi thốt lên lời ngạc nhiên khi trước mặt là một ghềnh đá trải dài, chấm phá như một bức tranh thủy mặc, pha trộn giữa hiện thực và hư ảo, thơ mộng đến diệu kỳ.
Gành hay ghềnh là một bờ đá nằm sát bờ biển hoặc sông. Có những ghềnh đá cheo leo, nguy hiểm, nhưng cũng có những ghềnh đá hiền hòa duyên dáng. Ghềnh Đá Đĩa ở đây thuộc loại hiền hòa, duyên dáng một cách nên thơ. Những “viên” đá có từ 4 - 6 cạnh đều như đếm, tựa hồ được những đôi tay vô hình nào đó cưa xẻ, xếp chồng lên nhau như người ta xếp đĩa vào trong chạn. Do vậy, các ghềnh đá có hình dáng tương tự đều có chung tên gọi là ghềnh Đá Đĩa. Nhìn ở góc độ nào đó, cấu trúc của cái ghềnh này trông giống với một tổ ong khổng lồ vừa vỡ ra. Những “mắt” đá đan xen trông như những “mắt” lưới tinh vi của bầy ong thợ cần mẫn. Ghềnh rộng chừng 50 mét và dài khoảng 200 mét, phía gần bờ nhô cao, phía sát biển trải dài về hai bên. Nhìn gần, bề mặt của từng viên đá bị gió mưa và thời gian gặm nhấm lỗ chỗ. Trong ánh chiều những viên đá màu đen dường như được dát vàng trông lộng lẫy, thâm nghiêm và kiêu sa một cách huyền bí.
Ghềnh đá đĩa Phú Yên là di sản thiên nhiên có một không hai tại Việt Nam. Trên thế giới những ghềnh đá tương tự cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, như ghềnh đá đĩa Los Órganos của Tây Ban Nha, ghềnh đá đĩa Giant’s Causeway của Ireland và ghềnh đá đĩa ở hang động Fingal của Scotland. Nếu chỉ vậy, thật đáng tự hào thay ghềnh Đá Đĩa Phú Yên, Việt Nam. Nơi mọi người có thể đến đắm mình trong bóng râm của cổ tích và nghiêng mình trước kiến trúc kỳ diệu của tạo hóa.
Nối tiếp với ghềnh Đá Đĩa là bãi Bàng hoang sơ, tĩnh lặng với màu cát vàng óng, mượt mà như một dải lụa tơ tằm. Những con thuyền hiền lành lướt nhẹ trong biển chiều xanh mênh mang, đem lại sự yên vui, thanh bình. Bọt sóng trắng xóa dưới chân ghềnh như tiếng đàn dặt dìu hòa quyện. Thiên nhiên thả vào hồn người những cảm xúc dạt dào khó tả. Những tưởng đá là vô tri, nhưng ghềnh Đá Đĩa lại là một chuỗi những câu hỏi dành cho các nhà địa chất và khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khoảng 200 triệu năm trước, vùng Vân Hòa, huyện Sơn Hòa xưa là cao nguyên có núi lửa hoạt động. Nham thạch đã bị phun xa đến 30km đường chim bay, ra khu vực biển hiện nay thì rơi xuống. Gặp nước biển mát lạnh, nham thạch bị làm nguội và đông lại. Các tác động mang tính vật lý khó giải mã đã tạo ra sự rạn nứt cho khối đá bazan khổng lồ. Các đường rạn nứt chạy theo chiều thẳng đứng hoặc chéo và ngang tuy chằng chịt, nhưng theo một trật tự bí mật nào đó, hệt như đã được tạo hóa lập trình. Từ đó, tạo thành những “viên” đá đều đặn hình 4 cạnh, 5 cạnh hoặc 6 cạnh xếp chồng lên nhau như đã được phân loại. Tất cả đan xen nhau một cách hài hòa tạo nên vẻ đẹp vừa hùng vĩ, bí hiểm, lại vừa dịu dàng, gần gũi.
Dọc đường đi xuống và lên khu vực ghềnh Đá Đĩa có những đứa trẻ bày bán san hô, vỏ ốc, sao biển và nhiều loại sản vật khô khác mà tôi không kịp nhớ tên. Chúng bày biện hàng của mình một cách có trật tự và nối tiếp nhau trông như các mảng tranh ghép lại, dường như là để… chơi, để… ngắm, hơn là để… bán. Chúng hồn nhiên nô đùa cạnh “gia tài” của mình, ngừng chơi để mời khách mua nhưng không đưa tay chèo kéo và nhoẻn miệng cười một cách hồn nhiên, thân thiện đến mộc mạc.
Chiều ở ghềnh Đá Đĩa xuống dần trên sóng nước lao xao, nối tiếp nhau dặt dìu cùng với tiếng gió cọ nhẹ lên vách đá và thầm thì trong những lùm cây tạo thành một bản đại hợp tấu êm đềm, lãng mạn tựa hồ một bản tình ca. Mặt biển xanh trong veo cũng bắt đầu đổi màu, như nàng tiên diễm kiều thay chiếc áo choàng đêm thẫm màu, lộng lẫy. Vài cụm mây trắng lạc loài gấp gáp theo nhau đi tìm chốn trọ, như muốn dừng bước, trú lại nơi chốn đẹp xinh này. Tôi và những người bạn, đôi chân dường như chôn chặt bên ghềnh đá, ngắm mãi không về. Xa xa, một vành trăng khuyết đang dần hiện hình, điểm tô thêm cho không gian kỳ vĩ, huyền hoặc mà thiên nhiên giấu sự bí mật tạo tác của mình ở trong từng thớ đá.
MAI HỮU PHƯỚC