.
Giới thiệu sách

Những day dứt, ám ảnh trong Đàn bà đẹp(*)

.

Không hiểu sao đọc văn của Đỗ Bích Thúy tôi thường khóc. Còn nhớ lần đầu tiên chị đưa cho tôi đọc bản thảo truyện Đêm cá nổi (một trong 3 truyện đoạt giải nhất Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2000), tôi đã khóc sướt mướt. Và lần này, với Mẹ kế, truyện mở đầu của tập Đàn bà đẹp, nước mắt tôi chảy dài. Có lẽ bởi cuộc sống của mỗi con người trong văn của chị muốn thoát ra khỏi chính mình nhưng luôn bị những chuỗi bi kịch bủa vây…

Nhà văn Đỗ Bích Thúy và bìa tập truyện ngắn Đàn bà đẹp. Ảnh: H.N
Nhà văn Đỗ Bích Thúy và bìa tập truyện ngắn Đàn bà đẹp. Ảnh: H.N

Vẫn như ngày đầu mới khởi nghiệp văn chương, mỗi truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy thường không có cốt truyện, nếu có thì cũng chỉ tóm được trong vài ba câu. Nhưng mỗi câu chữ thường được chị chắt lọc rất kỹ càng, ẩn chứa hình ảnh một con người, một vùng đất và sâu thẳm trong đó là những cảm xúc cô đọng, dồn nén, như bóp chặt con tim lại, vì những gì mà nhân vật đang trải qua. Có lẽ do mỗi câu văn đã chạm đến trái tim người đọc, chạm đến cái phần ẩn ức sâu xa nhất mà mỗi con người có thể nghĩ đến. Như trong Mẹ kế, mỗi hành động của nhân vật như một nhát dao chém xuống đá, có thể khắc cốt ghi xương, in sâu trong tâm trí và có thể gọi tên chung là “nỗi đau”: Tôi sợ nhìn thấy bà ngoại lưng còng ngồi nhặt hạt đỗ ở góc sân, con chó nằm khoanh bên cạnh, mắt chó buồn, tiếng người hát cũng buồn: “Người không mẹ như tôi, mùa đông đến ăn cơm như ăn miếng cám, mặc quần mặc áo thì mặc miếng rách. Còn người có mẹ như cô em, ăn cơm thì ăn miếng trắng, mặc quần mặc áo thì mặc cái đẹp”. Bà đang hát cho tôi, hát cho bà. Bà thương tôi, bà sợ mẹ kế đẩy tôi ra đường, bà thì già, rồi bà chết, lấy ai lo cho tôi. Tôi cũng nghĩ thế. Bà già, bà chết thì lấy ai cho tôi chạy về ngủ một đêm, ngủ hai đêm, ngủ ba đêm?”.

Đọc văn của chị, có lẽ ít người bỏ sách xuống giữa chừng. Bởi cái không gian mênh mang của núi rừng, của văn hóa người Mông, người Tày không hề thô sơ mà rất tinh tế. Ở đó con người với những tầng, vùng văn hóa khác biệt, sâu sắc, mà chúng ta ít được biết đến.

Văn chương của chị, bởi thế đều từ sự chiêm nghiệm đời sống chắt lọc và quan sát con người, sự vật rất kỹ lưỡng. Đó là nhờ gần 20 năm chị sống trọn vẹn giữa vùng núi cao Hà Giang, lăn lộn giữa từng bản làng để lấy tài liệu viết bài cho tờ báo của vùng địa đầu Tổ quốc. Và một điều nữa, là văn chị đằm thắm và ăm ắp cái tình, cái tình với người và vật, thể hiện ở văn phong, ở từng câu chữ tinh lọc. Bởi thế những năm gần đây những truyện ngắn của chị đầy day dứt, ám ảnh, và cũng già dặn hơn bao giờ hết. Có phải vì người phụ nữ đã sắp bước vào tuổi 40 như chị, đã thừa phần chín chắn, sống trọn vẹn, yêu trọn vẹn từng con người, yêu trọn vẹn quê hương Hà Giang nên văn chương cũng “chín” theo.

12 truyện ngắn trong tập Đàn bà đẹp, quá nửa dành cho những truyện về vùng miền núi. Có truyện không thể gọi là ngắn, như Lặng yên dưới vực sâu, dài hơn 22.000 từ. Nếu truyện ngắn này được chuyển tải thành phim, chắc nó sẽ thành công không khác gì phim Chuyện của Pao được chuyển thể từ truyện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của chị. “Những câu hát dịu dàng, mảnh dẻ và da diết có thể vắt ngang được dãy Tây Côn Lĩnh như một dải mây. Những câu hát chứa đựng mọi niềm vui và nỗi buồn, gặp mặt và chia tay, yêu thương và nhớ nhung, ước mơ và thất vọng... những câu hát nuôi tình yêu suốt cuộc đời, mặc cho cơn khát làm khô từng mỏm đá, mặc cho giá lạnh làm tuyết rơi như quả bông nở bị gió cuốn đi” (trích Lặng yên dưới vực sâu). Bên trong mỗi trang văn khắc họa thân phận người, là rất nhiều đau đớn và nước mắt. Và cái chết, như định đoạt số mệnh, là dấu hiệu cuối cùng kết thúc chuỗi bi kịch dài đeo đẳng kiếp sống.

Đỗ Bích Thúy không để cho cảm hứng tuôn chảy tự nhiên, văn của chị được bố cục chặt chẽ, dễ hiểu. Nhưng tận sâu cái dễ hiểu, là những cử động tâm lý tinh tế, nhiều đau đớn tinh thần bởi khao khát tình yêu thương trong từng nhân vật. Tình yêu của người này dành cho người kia (mà thường là không đạt được, vì có mấy chuyện tình yêu trọn vẹn!), bởi thế, luôn được nhân vật tỏ bày bằng hành động; nhưng cũng không khác mấy việc lấy dao nhọn mà đâm vào trái tim người mình yêu, giam hãm nhau trong đau đớn tột cùng.

Và cái điều đau đớn ấy tiếp tục ở những truyện ngắn của chị viết về những con người thành phố, nơi chị sống hơn 15 năm qua. Có thể nó chưa tinh tế, chưa thấm hết cái tầng văn hóa đa chiều của cuộc sống phố thị, nhưng nó là những gì được Đỗ Bích Thúy cảm nhận và quan sát qua lăng kính của một con người, như tôi nói ở trên, là đã chín chắn hơn rất nhiều.

Người phụ nữ trong các truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy đẹp, có thể nói là rất đẹp. Từ những cô gái miền núi má đỏ, váy áo rực rỡ đến những cô gái thành phố hiện đại từ đầu đến chân, tất cả đều đẹp. Có phải vì chị cũng là người phụ nữ viết văn rất đẹp, đẹp nền nã từ dáng điệu cho đến cử chỉ, nói năng; nên nhân vật của chị, vì thế bao giờ cũng đáng yêu và để lại ấn tượng mạnh trong người đọc…

HOÀNG NHUNG


(*) Đọc Đàn bà đẹp- Tập truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy do NXB Văn học và nhà sách Liên Việt ấn hành quý 2-1013.

;
.
.
.
.
.