.

Nhàn đàm: Thơ và... sức khỏe

.

Rất có thể tựa đề của bài viết gây cho bạn sự tò mò hoặc thắc mắc nào đó. Bởi vì xưa nay các nhà nghiên cứu phê bình và cả bạn đọc đều xem xét, cảm nhận thơ dưới khía cạnh nghệ thuật. Bài thơ này hay, vì sao hay? Bài thơ kia dở, vì sao dở? Thậm chí cùng một bài thơ, người này khen hay, kẻ kia chê dở cũng là chuyện thường tình. Truyện Kiều của Nguyễn Du nổi tiếng là vậy, cũng chẳng đã từng bị chê đó sao!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Do đó, sự hay dở nhiều lúc cũng mang tính tương đối. Hợp “gu”, đồng quan điểm thì hay. Khác quan điểm, không hợp “gu” thì dở là chuyện mà ai cũng biết khi đưa ra kết luận cho một bài thơ, hay nói khác là cho thơ. Những bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ nổi tiếng đã vậy. Số phận thơ của các nhà thơ của các nhà thơ chưa mấy tên tuổi lại càng hẩm hiu hơn.

Song, nói cho công bằng, chẳng ai nổi tiếng mà không bắt đầu từ vạch “zero”. Hơn thế nữa, người làm thơ đâu phải ai cũng muốn trở thành nổi tiếng. Trước hết, họ muốn giải tỏa sự “bức xúc” đang trào dâng tràn ngập trong lòng. Qua đó, họ muốn giải bày và gởi gắm niềm tâm sự xuất phát tận đáy lòng mình. Đó có thể là sự nuối tiếc, là nỗi nhớ, là tình yêu, là hạnh phúc, là nỗi khổ đau, là chia ly và thậm chí là sự hận thù. Nhu cầu chia sẻ ngày càng nhiều, phương tiện in ấn phát hành ngày càng dễ nên sự phổ biến thơ ngày càng rộng rãi. Vì lẽ đó, có người la toáng lên rằng thơ đang vào thời kỳ lạm phát. Thiết nghĩ rằng, kinh tế lạm phát thì lo, chứ lạm phát… thơ thì xin hãy bình tâm, thú vị. Quyền làm thơ là quyền của mỗi con người, nếu họ có thể làm được. Thơ làm ra, hay hoặc dở tùy thuộc vào khả năng và tài năng của mỗi cá nhân. Điều đó không làm tổn hại đến uy danh và sức khỏe của ai cả, nên hà cớ gì lại phải nặng lời, không vui. Chúng ta có thể chê một bài thơ không hay, thiếu tính nghệ thuật, nhưng không nên trực tiếp hoặc bóng gió mạt sát người làm ra nó.

Dưới góc nhìn… y học, dường như thơ có điều đáng bàn vì liên quan đến khía cạnh sức khỏe, cho dù là thơ không hay, thơ bình thường, thơ hay và tất nhiên thơ tuyệt bút thì cũng vậy.

Một hôm, ngồi chơi ở Hội Nhà văn thành phố, lại gặp bữa trời mưa nên cảnh vật xung quanh cũng buồn buồn, vắng lặng. Có một người đến tìm gặp chủ tịch Hội Nhà văn để trao đổi vài điều liên quan đến hoạt động của một câu lạc bộ thơ phường. Ai cũng giật mình khi biết cái tuổi của người vừa tìm đến đã bước vào ngưỡng cửa của thập niên thứ chín. Một ông cụ đã bước vào tuổi 90 xông pha trong mưa gió cũng vì… thơ. Nếu không có thơ thì một người 90 tuổi cũng chẳng đi trong mưa gió để làm gì. Phải chăng thơ đã mang lại cho con người tưởng chừng như già nua, tiều tụy, sức sống, nguồn động lực và sự trẻ trung trong cảm xúc.

Khi trái tim rung động thì cường độ làm việc của quả tim sẽ gia tăng, máu từ tim bơm đi nuôi dưỡng tế bào các cơ quan trong cơ thể được tốt hơn. Lúc đầu óc suy nghĩ, các tế bào não được kích hoạt, rèn luyện nên có tính linh hoạt hơn, có sức sống bền bỉ hơn và sự lão hóa cũng chậm hơn. Nhiều người lúc “xế bóng”, tìm đến các câu lạc bộ thơ, nhờ họ yêu thơ và có khả năng làm thơ. Chính nhịp cầu thơ đã kết nối họ, cho họ có một “cõi đi về” và những ngày sống vui, sống khỏe. Thơ trước hết là cái đẹp. Cái đẹp đó thường mang lại điều lương thiện và hình như người làm thơ cũng có hàm lượng lương thiện nhiều hơn ở trong máu của họ. Vậy tại sao không thơ?

Trong công việc hằng ngày, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, trong số đó tôi biết có một vài người làm… thơ. Tôi để ý thấy những người bệnh nhân mà tôi tạm gọi là “đặc biệt” này, ít than vãn, ít rên rỉ hơn những bệnh nhân khác. Ở họ, hình như tính lạc quan có vẻ cao hơn. Một ông bạn vong niên của tôi, tuổi ngót nghét 80, có lần phải đi bệnh viện thành phố cấp cứu vì chứng tim mạch và nằm điều trị hơn tuần lễ. Ngày dài trong bệnh viện dường như ngắn bớt lại nhờ có… thơ. Đó là khoảng thời gian chợt nhớ và suy ngẫm bao điều về cuộc sống, về nhân tình thế thái, về lẽ tử sinh ở đời. Tất cả dần hiện ra trong thơ của ông bạn vong niên của tôi. Hơn một chục bài thơ đã ra đời trong bối cảnh như vậy. Tôi bảo đùa là anh đi trại sáng tác chứ nằm viện gì! Mấy cô y tá đọc thơ của ông bạn tôi thấy cũng vui vẻ hơn khi làm việc và tiếp xúc.

Vậy, xin hãy đừng lên tiếng chê bai, khích bác những người làm thơ khác, cho dù họ không mang đến cho mọi người, để lại cho đời một bài thơ hay. Nhưng với bản thân của họ, thơ mang đến cho họ niềm tin yêu vào cuộc sống, vào con người. Nếu câu nói của cổ nhân: “Nhàn cư vi bất thiện” luôn luôn đúng thì tại sao không khuyến khích những người có khả năng làm thơ giết sự nhàn rỗi của họ bằng thơ, cho dù sáng tác của họ không phải là bài thơ mà bạn mong muốn. Thêm một người sống vui sống khỏe, chắc rằng xã hội sẽ tốt hơn là thêm một người sống không vui và không khỏe.

Một người khá nổi tiếng là nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh có câu: “Giang hồ tặc tử con không sợ/ Chỉ sợ về nhà bố đọc thơ”. Sự nhận định mặc dù “khủng khiếp” đến vậy, nhưng ông cũng vẫn cứ khuyến khích, nếu có thể thì hãy làm thơ và in thơ, vì điều đó mang lại điều lành cho cuộc sống đầy rẫy sự bon chen này, hơn là những điều không lành có thể đến.

Khi chúng ta cầm một tập thơ trên tay, nếu có thời gian thì hãy cứ lật ra và đọc. Đọc qua vài bài chúng ta hiểu rằng mình có nên đọc tiếp hay không. Nếu thơ hay sẽ tiếp tục đọc và thậm chí gắng thuộc đôi câu, đôi bài. Nhưng nếu thơ “dở” thì hãy mỉm cười, thông cảm cho tác giả. Cái mỉm cười kia chắc chắn sẽ mang lại điều tốt đẹp cho người đọc hơn là cái nhíu mày, cái bĩu môi chê bai, khích bác. Công việc của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu và phê bình thơ lại là một chuyện khác. Nó có hàm lượng chất xám khác hơn cộng với những yêu cầu và các tiêu chí nhất định trước khi lựa chọn và đặt bút viết về một bài thơ hoặc một tập thơ của một tác giả nào đó.

BS MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.