.

Về tập truyện ngắn của Nguyễn Anh Tuấn

.

Bao năm nay, từ khi còn làm biên tập viên kiêm tổng biên tập… chui (không có quyết định) cho tờ tạp chí Sông Trà, rồi tờ Văn nghệ Quảng Ngãi, rồi lại tờ Sông Trà (bộ mới), điều tôi khắc khoải mãi là Quảng Ngãi không kiếm ra được người viết văn xuôi “đúng chữ”. Còn viết văn xuôi chơi chơi, có cũng được không cũng xong, thì Quảng Ngãi cũng không kém nhiều tỉnh khác. Có lẽ bởi văn xuôi khó viết, đặc biệt khi văn xuôi đó là truyện ngắn. Cái thể loại hình thù nhỏ nhắn này, hóa ra, lại là thể loại khó viết thành công nhất đối với một nhà văn. Nhiều nhà văn viết tiểu thuyết thì được, viết truyện vừa thậm chí khá hay, nhưng viết truyện ngắn thì… dở. Cũng vì cái đặc trưng của truyện ngắn, vừa có chuyện vừa như không có chuyện gì, vừa có nhân vật đậm tới mức “đặc sánh”, vừa không thật rõ hình hài nhân vật ra sao, vừa đưa ra những triết lý kinh người, thậm chí triết học luôn, lại vừa tửng từng tưng như không, chẳng có chi lấy làm điều. Truyện ngắn khó, vì nó là nơi thể hiện chật chội nhất, cô đọng nhất cá tính sáng tạo của nhà văn.

Bìa tập truyện ngắn
Bìa tập truyện ngắn "Gái ly dị" của Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: T.T

Chập chững bước vào làng văn, Nguyễn Anh Tuấn đã chọn một trong những thể loại khó nhất cho mình: truyện ngắn. Và, thật kỳ lạ, anh đã thành công ngay từ truyện ngắn đầu tiên, ngay từ tập truyện ngắn đầu tay. Trong văn học, có những điều rất khó giải thích. Vì sao có người làu thông thiên kinh vạn quyển, nói về văn chương như sét đánh chớp giật, mà khi trực tiếp viết, dù là một bài thơ hay một truyện ngắn, thì, đúng như Hồ Xuân Hương đã viết: “ấy ái uông”. Giễu nhại (irony and parody) là một thủ pháp nghệ thuật có từ xa xưa chứ không phải là sáng tạo độc quyền của hậu hiện đại. Không chỉ giễu nhại lời nói, trong một số truyện ngắn của Nguyễn Anh Tuấn ta còn nhận ra sự giễu nhại hành vi, thậm chí là sự giễu nhại tính cách. Đó là thủ pháp giễu nhại đạt trình độ cao, và nó khó hơn giễu nhại lời chữ rất nhiều. Hình ảnh ông Hớn bán cà rem lên vùng cao làm bằng nước lã, bột màu và… đường hóa học là một hình ảnh mang tính giễu nhại về những kẻ hiện vẫn đang lừa đồng bào dân tộc mình bằng các dự án. Cách giả nói ngọng với đồng bào dân tộc của ông Hớn cũng là một biện pháp giễu nhại. Trong truyện ngắn Đất đai, Nguyễn Anh Tuấn lại khiến ta bất ngờ vì hình ảnh nhân vật chính - ông Trực - bằng sự kiên nhẫn đến mê muội của mình - đã cố gắng mỗi năm lấn sang láng giềng, lấn ra đường làng vài centimet đất, để sau bao nhiêu năm có một “sự nghiệp lấn đất” hoành tráng. Nhân vật này mang tính kỳ cục (nói theo người Quảng Ngãi), nhưng hơn cả kỳ cục, đó là một nhân vật mang tầm kỳ quái, kỳ dị (fantastic). Trong nhiều chục năm, ông Trực đã dùng cách lấn đất (không giành dân) theo kiểu vi mô. Còn bây giờ ngoài xã hội là nhiều kiểu lấn đất tầm vĩ mô, lấn theo kiểu cướp giật. Và cuối cùng là… mất tất, kể cả sự sống. Cái chết co quắp người không thể duỗi ra được của ông Trực lại mang một tính biểu tượng rất cao, nó là một thông điệp gửi tới mọi kiểu lấn đất thời hiện đại. Và “bệnh co” mà trời phạt ông Trực do thói tham lam co kéo suốt đời của ông cũng sẽ là hình phạt trời giành cho những kẻ cướp đất của nông dân bây giờ. Đó là những hình ảnh có vẻ mang tính phóng đại (grotesque) nhưng nó vừa đậm tính biểu tượng vừa khắc nghiệt theo kiểu một thứ hiện-thực-hậu-hiện-đại.

Truyện ngắn của Nguyễn Anh Tuấn hoàn toàn không giống ai, kể cả những nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng của Việt Nam từ trước nay. Đó là một thứ “sản phẩm thủ công” do Nguyễn Anh Tuấn tự làm ra, và điều này mới đặc biệt, dường như những chuyện ấy có hiện hữu trong đời sống. Ở đâu đó. Mặc dù nó rất kỳ dị, rất đặc dạng.

Những nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Anh Tuấn luôn suy nghĩ như những người bình thường, nhưng luôn sống và hành động một cách khác thường. Những ước muốn những đau khổ của họ không hề khác với nhiều người khác. Nhưng nó lại luôn diễn ra một cách khác thường, và họ luôn muốn đạt tới nó bằng những biện pháp khác thường. Tôi chợt nhớ những truyện ngắn của một nhà văn Nga-Xô viết thiên tài: Vassili Suksin. Cũng với những nhân vật “kỳ kỳ”, thậm chí đặc dạng, những suy nghĩ “kỳ kỳ”, thậm chí độc đáo, những nhân vật của Suksin liên tục đưa ra những báo hiệu, những dự cảm kỳ lạ về tương lai của nước Nga và người dân Nga. Và sau này, hóa ra, những dự báo của Suksin đều đúng cả. Nhà văn đi trước thời đại mình là như vậy.

Cách viết của Nguyễn Anh Tuấn nhẹ nhàng nhưng cũng rất khắc nghiệt. Và, có lẽ cuộc sống bây giờ nó thế. Nhẹ nhàng chỉ là bên ngoài. Khắc nghiệt nằm sâu bên trong. Trực diện tới mức như trắng trợn là cái điểm 9,5 cho luận văn thạc sĩ của một cô gái đã có chồng con, vì đây là “điểm giường chiếu” mà chủ nhiệm khoa đã cho sau khi thỏa mãn “dục vọng thấp hèn” với câu nói rất đặc trưng: “Nếu không có vết mổ, em sẽ nhận điểm 10 hoàn hảo” (truyện ngắn Gái ly dị). Văn truyện ngắn phải là những đòn búa bổ mà như chơi chơi vậy.

Không thỏa hiệp với hiện thực không có nghĩa là văn chương thiếu đi sự nhân hậu. Bây giờ, phải quan niệm nhân hậu theo kiểu khác, mà ngay thời Nam Cao - nhà văn lớn của chúng ta cũng đã không chấp nhận lối “phủ ánh trăng” lên hiện thực hay tránh né những nỗi đau của con người. Nguyễn Anh Tuấn đang đi đúng hướng. Và tôi chỉ còn biết chúc anh “Lên đường may mắn!”.

THANH THẢO

;
.
.
.
.
.