Anh hùng LLVTND Mai Đăng Chơn, nguyên Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Phó Chính ủy Mặt trận 44, người con của quê hương Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn) đã hy sinh 46 năm, nhưng trong ký ức người thân và đồng đội, ông vẫn hiển hiện như ngày nào. Nhớ về ông là nhớ đến một con người nhân hậu và đầy khí phách ngay từ ngày bước chân vào con đường cách mạng đến phút cuối cùng hy sinh trên trận tuyến.
Đồng chí Mai Đăng Chơn ở chiến khu. (Ảnh tư liệu) |
Trong căn nhà ở 47/6 Nguyễn Du (Đà Nẵng), chị Mai Thị Thái, bùi ngùi thắp nén hương lên bàn thờ cha mình. Tấm ảnh duy nhất cha chị chụp trên chiến khu như mỉm cười với con gái út. Kỷ niệm về ba lúc còn bé thơ, nhưng chị Thái không thể nào quên.
Đó là đêm 28 Tết Mậu Thân 1968, Bộ Tư lệnh Mặt trận 44 về nhà chị trước lúc xuất quân. Mẹ chị bảo con qua hàng xóm ngủ. Nhưng nghe bà con thì thầm “ba mày về đó”, vậy là chị băng bộ trong đêm tối chạy về gặp ba cho bằng được. Ba đi biền biệt, chị chỉ mong một lần được gặp nên kiên trì nép cây cột đứng nhìn, chờ đợi mọi người xong cuộc họp. Chui từ dưới hầm lên, gặp con gái, ông bế phốc lên, hôn vào má, hỏi thăm đủ chuyện. Khoảnh khắc yêu thương thật ngắn ngủi và ba chị lại đi. Chị gặp lại ba khi hôm sau cùng bà con thôn Trà Lộ xuống đường, rồi chị bị lạc tận Trung Lương (Hòa Xuân). Một cô “đằng mình” dẫn chị qua nhà cơ sở nơi có nhóm người trải bản đồ giữa nhà bàn chuyện quân và nói “ba cháu ở đây”. Chị rúc dưới phản, không dám lên. Lúc ấy chỉ cần nhìn thấy ba an toàn là chị vui rồi. Vậy mà đúng mồng Một Tết, người ba thân yêu không còn nữa.
Chị Thái bồi hồi: “Mẹ tôi biết ba hy sinh mà không dám khóc vì sợ bà nội biết, chỉ buổi tối lén xuống hầm thổn thức. Bà nội chỉ có mỗi mình ba tôi là con trai duy nhất, nên thương lắm. Như chừng đoán ra, mấy tháng sau đó bà suy sụp hẳn, trước khi mất, gọi 3 lần tên ba tôi. Không bao lâu thì chị gái tôi và người anh trai cũng lần lượt ngã xuống. Mẹ tôi đau khổ lắm”. Chia sẻ nỗi đau với gia đình, sau giải phóng vào dịp giỗ, Tết, đồng chí Hồ Nghinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng khi còn sống và nhiều đồng đội đều đến nhà thăm hỏi. Một con đường và một ngôi trường ở quê hương đã được mang tên ông. Những cán bộ của Vùng 3 Hòa Vang luôn coi anh em của chị như con cháu thân thương trong nhà. Ngày 20-7-2012, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu AHLLVTND Nhà nước truy tặng cho liệt sĩ Mai Đăng Chơn.
Ông Lê Thanh Vân, nguyên Trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vừa là đồng hương vừa là đồng chí với Mai Đăng Chơn kể về bản lĩnh và mưu trí của người anh hùng với tất cả niềm tự hào. Chuyện vượt ngục của ông là một kỳ tích. Năm 1956, trên đường đi công tác, Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội Hòa Vang Mai Đăng Chơn đã bị địch phục bắt và chịu mọi cực hình tàn khốc. Về nhà lao Hội An, quan sát thấy địch sơ hở khu vực nhà vệ sinh, ông tìm cách trốn thoát. 12 giờ đêm ông và đồng chí Phạm Công Ẩn đã ra khỏi nhà lao qua xã Điện Nam (Điện Bàn), hôm sau, cả hai nằm im lìm phơi nắng suốt một ngày dưới rãnh khoai đợi đến tối trở về Hòa Hải.
“Ít thấy ai như Mai Đăng Chơn” - Ông Vân nói trong xúc động. Sau lần vượt ngục, cơ sở tạo điều kiện để ông ra Bắc chữa bệnh, nhưng ông nhất định không đi. Trận đánh Mậu Thân 1968, ông kiên quyết đòi phải có mặt vì ông nói rằng ông thành thạo địa hình vùng. Con người của Mai Đăng Chơn là như vậy, trọn vẹn nghĩa tình, luôn nhận phần khó, sự hy sinh về mình. Hồi ông ở trên núi, sau khi ra tù, nhân dân thấy ông ốm yếu quá, biếu ông hộp ruốc, cá kho để ông bồi dưỡng, nhưng ông đều chia cho anh em cùng ăn. Sức khỏe kém nhưng ông không bao giờ chịu ngồi nhà, luôn đi cơ sở. Những đêm tối trời, ông vẫn đòi anh em đưa ông xuống núi để nắm tình hình. Trong bất cứ trường hợp nào, ông cũng luôn điềm tĩnh, khoan thai, nhỏ nhẹ với anh em. Chính ông đã thắp lửa niềm tin của đội ngũ cán bộ Vùng 3 Hòa Vang, để bây giờ cứ đến ngày giải phóng Đà Nẵng, mỗi lần gặp mặt, ai nấy đều nhắc đến ông với cả niềm thương tiếc sâu xa.
Người đánh Trung Lương, Cồn Dầu Tết Mậu Thân 1968, ông Võ Thanh Ba, nguyên trợ lý tham mưu của Mặt trận 44, hiện ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn) vẫn nhớ rất rõ những giây phút sát cánh cùng Mai Đăng Chơn.
Đêm 30-1 tức 29 Tết, Tiểu đoàn R20 thực hiện chỉ lệnh của Bộ Tư lệnh Mặt trận 44 thọc sâu vào bên trong đánh chiếm Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, tạo điều kiện cho Sư đoàn 2 Quân khu 5 tiến công vào.
Ngay từ đầu, do kế hoạch hợp đồng bị trục trặc, địch biết trước và phản kích quyết liệt. Đồng chí Mai Đăng Chơn, Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà và Nguyễn Hữu Đức, Thường vụ Đặc khu ủy, Tham mưu trưởng Mặt trận 44 luôn sát cánh cùng Tiểu đoàn. Không vượt được sông Cẩm Lệ, Thường vụ Đặc khu ủy quyết định chuyển phương án chiến đấu, tiến công tiêu diệt Cồn Dầu, làm chủ Trung Lương, đánh địch phản kích. Lúc đó anh Chơn vẫn rất bình tĩnh, khoan thai, vấn thuốc hút như không có chuyện gì xảy ra. Xác định cuộc chiến đấu rất ác liệt, đêm trước, anh Chơn đã bảo anh em giấu hết quân tư trang ở vùng cát Hòa Hải. 11 giờ đêm, cấp trên điện về bảo dừng lại không đánh nữa do chưa khớp giờ. Anh Chơn bảo bây giờ chỉ có tiến không có lùi, phải đánh đến viên đạn cuối cùng vì không có con đường nào khác. Anh rành mạch phân công từng hướng cụ thể cho các bộ phận. Đúng như anh dự kiến, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức căng thẳng. Gần sáng, ngụy điều động 2 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn bộ binh, 4 xe tăng, trên không hàng chục máy bay kéo đến bao vây, phản kích.
Ông Võ Thanh Ba nhớ rất rõ, trong cái chết cận kề gang tấc, Mai Đăng Chơn kiên quyết bảo ông và anh Đức cố vượt ra khỏi Trung Lương để bám theo anh em R20. “Qua được bờ mương, nhưng rồi Nguyễn Hữu Đức hy sinh, tôi bị thương, bị địch bắt. Trước đó phía anh Mai Đăng Chơn cũng đã im tiếng súng! Tôi biết chắc rằng anh đã hy sinh”.
Khu đô thị sinh thái Trung Lương, Hòa Xuân sắp mọc lên những công trình mới. Những người lính năm xưa ao ước có một công trình tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh anh dũng trên vùng đất này để tên tuổi và sự nghiệp của những anh hùng như Mai Đăng Chơn, Nguyễn Hữu Đức và bao đồng chí khác mãi mãi trường tồn cùng đất nước.
HỒNG VÂN