Sau Mậu Thân 1968, địch tăng cường phản kích lấn chiếm vùng giải phóng và bắn phá sâu vào căn cứ ta vô cùng ác liệt. Để bảo toàn lực lượng, đơn vị chúng tôi phải chuyển lên làng Bà Bân thuộc huyện Tây Giang bây giờ, xa đồng bằng 5 ngày đi bộ.
Vì phải lo xây dựng căn cứ và bảo vệ khối lượng tài sản của cách mạng khá lớn trong tình hình rất khó khăn nên lượng lương thực dự trữ không còn nhiều. Để lo cái ăn cho cả đơn vị gần 50 người, chúng tôi phải liên hệ với đồng bào dân tộc để đổi sắn. Một cái đồng hồ hiệu Seiko, không vào nước, giá tương đương 1 lạng vàng lúc bấy giờ mà chỉ đổi được 600 gốc sắn. Người đông nên phải dè xẻn cả sắn củ, lá sắn và tất cả mọi loại rau củ măng rừng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ngoài 3 đồng chí lãnh đạo cơ quan là lớn tuổi đi tập kết về còn lại tất cả chúng tôi đều tuổi 18, đôi mươi nên lúc nào cũng đói. Vì vậy cứ sau mỗi bữa ăn chúng tôi thường đùa vui hỏi nhau khi đi uống nước là “bọn mình đã ăn chưa hè”. Mỗi lần nghe như vậy người thủ trưởng đơn vị cũng là người lớn tuổi nhất thường nhìn chúng tôi với ánh mắt nghiêm nghị răn đe vì hồi ấy công tác tư tưởng nghiêm túc lắm, thái độ của chúng tôi như vậy được coi là thiếu ý chí phấn đấu, ngại khó, ngại khổ, và cứ hễ nhìn thấy ông là chúng tôi không đứa nào dám đùa nữa.
Thế rồi vào một buổi ăn chiều sau Tết Kỷ Dậu, chúng tôi lại đùa nhau như cũ. Bất ngờ ông xuất hiện trước mặt chúng tôi. Vẫn như trước, ông nhìn chúng tôi khắp lượt nhưng ánh mắt không còn nghiêm nghị mà chan chứa yêu thương. Rồi ông ngồi xuống chiếc bàn trong nhà ăn tập thể, hai tay ôm lấy đầu. Chúng tôi chưa biết điều gì sẽ xảy ra, đứng như trời trồng nhìn ông chờ đợi. Bỗng nhiên ông khóc, khóc to như người đang đau đớn tức tưởi, và chúng tôi từ ngạc nhiên rồi hoảng sợ lo lắng. Một lúc sau thì ông lau nước mắt, đứng lên, nhìn khắp lượt chúng tôi một cách trìu mến và nói nhỏ nhẹ: Chú biết lắm chớ, biết mấy đứa đói lắm chớ, già như chú mà còn thấy xót ruột nữa là đang tuổi ăn tuổi lớn như mấy cháu. Nhưng tình hình này chú và mấy anh lãnh đạo cũng chưa nghĩ ra cách gì khắc phục, nhưng chú tin là chỉ tạm thời thôi, vì thế và lực của cách mạng đang lớn mạnh. Bác Hồ dạy rằng càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan, chú tin chắc tình hình rồi sẽ thuận lợi, các cháu hãy cố gắng phấn đấu vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dừng một lát nhìn chúng tôi, ông nói tiếp: Chú tin chúng ta sẽ có cách vượt qua thôi, mấy đứa đi nghỉ đi.
Chúng tôi không đi nghỉ mà quây lấy ông, ôm lấy ông như ôm người thân yêu nhất của mình, mấy cô gái bắt đầu thút thít. Ông xoa đầu mấy cô gái, vỗ vỗ vào vai, vào lưng mấy thằng con trai rồi nói: Cảm ơn các cháu, thôi chúng ta đi nghỉ mai còn làm việc. Đêm đó chúng tôi không đứa nào ngủ sớm được, mà nhắc nhau từ nay không đùa như vậy nữa và động viên nhau quyết tâm khắc phục khó khăn.
Sau đó các anh lãnh đạo vào làng đồng bào liên hệ xin đất làm rẫy, được đồng bào giúp đỡ tận tình sau một thời gian phát rừng, trồng tỉa, lại gặp thời tiết thuận lợi, mùa đầu tiên chúng tôi thu hoạch hơn 50 ang lúa, gần 100 ang bắp, rau bí nhiều vô kể.
Mừng thắng lợi, các anh quyết định cho nghỉ lao động 1 ngày để liên hoan. 2 người thiện xạ được phân công đi săn, 1 tốp đi đánh cá, các cô gái đi kiếm rau. Đến trưa, tất cả đều về với niềm vui rạng rỡ vì tổ nào cũng gặp may. Đặc biệt, các anh đi săn báo tin đã bắn được 1 con nai chừng 1 tạ, đề nghị cử người đi xẻ thịt mang về. Thế là chiều đó chúng tôi được một bữa liên hoan thả cửa, có cơm trắng cá kho, thịt nai. Thiếu đói lâu ngày, bữa cơm chiều hôm ấy thật là vui hết cỡ, đứa nào đứa nấy bụng căng tròn mà miệng vẫn còn muốn ăn. Và người thủ trưởng lớn tuổi của chúng tôi là người gần như không ăn được, ông gắp thịt, gắp cá bỏ vào chén từng đứa chúng tôi và giục ăn: ăn đi các cháu, từ nay chúng ta hết đói rồi. Ông vừa nói vừa cười, những nụ cười rạng rỡ của người chiến thắng.
No nê xong, chúng tôi đi ngủ để mai còn đi làm sớm, nhưng đến khoảng 9 giờ đêm thì một hiện tượng lạ xảy ra với toàn đơn vị, đó là khát nước, khát như chưa bao giờ từng khát. Ban đầu chị nuôi còn nấu nước kịp, lúc sau thì uống cả nước lạnh, uống đến tức bụng mà vẫn còn khát, đứa nào đứa nấy mệt đừ, không ngủ được, sáng hôm sau bỏ ăn và bỏ cả ngày làm.
Hơn 40 năm đã qua, những đồng đội tôi ngày ấy nay kẻ còn người mất, nhưng mỗi lẫn gặp mặt anh chị em đơn vị cũ chúng tôi lại nhắc về những kỷ niệm không bao giờ quên trong những ngày gian khó.
LÊ TỰ CƯỜNG