Thế nào là người thầy đi cùng năm tháng?
Có thể tìm thấy câu trả lời trong nhận xét của Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục về một người thầy quê Quảng Nam - Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu, người từng dạy học cho hai vị vua tương lai: hoàng tử Ưng Chân - vua Dục Đức và hoàng tử Ưng Đăng - vua Kiến Phúc: Tiên sinh văn học bác nhã, hạnh kiểm thuần chính, chung thủy giáo chức, nhân hàm dĩ mô phạm suy / Tiên sinh văn học bác nhã, hạnh kiểm chân chính, trước sau ở nghề giáo, mọi người tôn xưng là bậc mô phạm.
Như vậy người thầy đi cùng năm tháng ở đây được hiểu là người gắn bó gần như cả đời với nghề dạy học, được lịch sử ghi nhận và người đời tôn vinh như là tấm gương mẫu mực về nhân cách và tài năng sư phạm.
Với cách hiểu ấy, có thể kể đến một số người thầy nổi tiếng xưa nay trong lịch sử như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đình Tựu, Trần Quý Cáp, Lê Tấn Toán…
Tượng thờ Chu Văn An -Người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam -tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Người thầy đi cùng năm tháng là người gắn bó gần như cả đời với nghề dạy học. Thầy Võ Trường Toản một đời mở trường dạy học ở đất Gia Định đã đi cùng năm tháng qua câu đối của học trò ông: Sinh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử / Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong (dịch nghĩa: Lúc sống, dạy dỗ được người, không con mà như có / Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn).
Thầy Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc với cuốn truyện thơ Lục Vân Tiên nổi tiếng, cũng là thầy thuốc nhiều năm trị bệnh cứu người, nhưng qua cách người đời thân mật gọi ông là cụ Đồ Chiểu, có thể nói Nguyễn Đình Chiểu thực sự là người thầy đi cùng năm tháng. Thầy Đào Duy Anh sau năm 1960 thôi dạy học để chuyên tâm nghiên cứu khoa học lịch sử, nhưng cũng có thể xem là cả đời dạy học - từ khi dạy ở trường Tiểu học Đồng Hới tỉnh Quảng Bình năm 1923 cho đến lúc làm giáo sư đại học trong thập niên 50 của thế kỷ trước.
Một số thầy có tham gia chính sự tham dự chính trường nhưng trước sau vẫn là người dạy học đi cùng năm tháng như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Xuân Hãn… Tất nhiên hậu thế cũng rất ngưỡng mộ những người từng làm nghề dạy học với đầy đủ tâm-tầm-tài như thầy Nguyễn Tất Thành, thầy Võ Nguyên Giáp… nhưng đó là các danh nhân đi vào lịch sử chủ yếu với tư cách chính khách.
Người thầy đi cùng năm tháng là tấm gương mẫu mực về tài năng sư phạm. Người học giỏi chưa hẳn sẽ là người dạy hay, nhưng người dạy hay trước hết phải học giỏi và quan trọng hơn phải là tấm gương về nỗ lực học tập không ngừng ngay khi đã thành đạt trong khoa bảng. Nhìn lại “lý lịch khoa học” của những người thầy đi cùng năm tháng nêu trên, có thể thấy họ đều là người học vấn uyên thâm, có năng lực trước tác và tầm nhìn xa rộng.
Thầy Lê Quý Đôn nổi tiếng là một nhà bác học của thời đại ông nhưng vẫn luôn nêu cao tấm gương hiếu học, đúng như ghi nhận của sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Ông có tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách”.
Thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm được người đời xem là nhà tiên tri lỗi lạc - chính ý tưởng Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân của ông đã mở đường Nam tiến không chỉ cho một dòng họ mà còn cho cả một dân tộc, đặc biệt cách đây 500 năm ông đã thể hiện tư duy xuất chúng về biển Đông qua hai câu thơ chữ Hán trong bài Cự ngao đới sơn: Vạn lý Đông minh quy bá ác / Ức niên Nam cực điện long bình (Nguyễn Khắc Mai dịch: Biển Động vạn dặm dang tay giữ / Đất Việt muôn năm vững trị bình).
Hai thầy Đào Duy Anh và Hoàng Xuân Hãn còn uyên bác tới mức biên soạn được cả từ điển song ngữ. Có thể nói Hán-Việt tự điển xuất bản lần đầu năm 1932, Pháp-Việt tự điển xuất bản lần đầu năm 1936 của Đào Duy Anh và Danh từ khoa học xuất bản lần đầu năm 1942 của Hoàng Xuân Hãn sớm đặt nền móng cho nền khoa học hiện đại Việt Nam…
Người thầy đi cùng năm tháng còn là tấm gương mẫu mực về nhân cách. Thầy Chu Văn An được môn sinh và hậu thế tôn kính như một nhân cách lớn. Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng học trò ông như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã đỗ đại khoa, làm quan đến chức hành khiển mà “khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy”.
Nhờ có nhân cách mẫu mực, người thầy không chỉ được môn sinh và hậu thế tôn kính mà có khi còn giữ được mạng sống trong những biến cố của lịch sử. Có lần thầy Nguyễn Đình Tựu được mời làm hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam, nhưng vì tuổi già sức yếu ông từ chối không nhận lời, do vậy trong các lãnh tụ Nghĩa hội có nhiều người nghi ngờ ông không hợp tác và định trừ khử ông.
Lúc ấy học trò ông là Nguyễn Duy Hiệu khuyên can đồng đội: “Bọn ta cử sự, biết chắc thế nào cũng bại, chỉ vì danh nghĩa mà thôi, nay mang tiếng giết thầy, biết lấy gì tỏ với thiên hạ hậu thế?” và thế là Nguyễn Đình Tựu thoát chết trong gang tấc. Có thể nhãn quan chính trị của Nguyễn Duy Hiệu đã thuyết phục được các lãnh tụ Nghĩa hội, nhưng nếu thầy Nguyễn Đình Tựu không thật sự là một nhà giáo hạnh kiểm thuần chính được nhân hàm dĩ mô phạm suy / mọi người tôn xưng là bậc mô phạm thì chắc rằng Nguyễn Duy Hiệu cũng khó lòng bảo vệ được thầy mình.
Nguyễn Duy Hiệu còn có một người thầy nữa - thầy Lê Tấn Toán làng Hà Lộc - cũng rất đáng được vinh danh là người thầy đi cùng năm tháng. Thầy giáo làng Lê Tấn Toán vì nhiệt tình ủng hộ phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, lại là thầy dạy học của hội chủ Nguyễn Duy Hiệu nên bị ghép vào tội chết, và cái chết lẫm liệt của ông đã khiến môn sinh và hậu thế hết sức khâm phục.
Trước khi Nguyễn Duy Hiệu bị giải ra Huế để nhận án tử hình, ông xin đến viếng mộ thầy mà không được đành quỳ trong cũi quay mặt về làng Hà Lộc lạy vĩnh biệt thầy. Qua trường hợp Lê Tấn Toán, có thể nói người thầy đi vào năm tháng còn là người truyền lửa cho học trò - ngọn lửa của lòng yêu nước và khát vọng đổi đời. Khát vọng đổi đời tức là khát vọng được giải phóng, là con đường cách mạng mà thầy trò Lê Tấn Toán/Nguyễn Duy Hiệu trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam đã theo đuổi, cũng là con đường mà thầy Trần Quý Cáp làng Bất Nhị và các học trò trong phong trào Duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX đã lựa chọn.
Không chỉ truyền lửa trong học trò ở phủ Thăng Bình là nơi ông chính thức ngồi dạy học với tư cách giáo thụ, Trần Quý Cáp còn đi nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam để truyền bá tư tưởng canh tân đất nước, và cuối cùng ông phải trả giá bằng bản án chém ngang lưng khi đang ngồi dạy học với tư cách giáo thụ ở phủ Ninh Hòa và trở thành một trong những người thầy đi cùng năm tháng.
BÙI VĂN TIẾNG