.

Sức hút học tiếng Nhật

.

Vừa trở về từ cuộc thi hùng biện tiếng Nhật quốc tế cúp Học viện Kake lần thứ 4 tổ chức tại Okayama, Nhật Bản, Trần Thủy Tiên, học sinh lớp 12/16, Trường THPT Phan Châu Trinh, bảo rằng sau cú “sốc” và choáng ngợp ban đầu khi tiếp xúc với 12 thí sinh giỏi tiếng Nhật đến từ nhiều quốc gia, thì khả năng nghe và nói tiếng Nhật của Thủy Tiên tăng lên rất nhiều và đây là cơ hội cho em học hỏi, giao lưu văn hóa ở môi trường quốc tế.

Trần Thủy Tiên (bên trái) trong chuyến đi sang Nhật tham dự cuộc thi hùng biện Quốc tế 2014.
Trần Thủy Tiên (bên trái) trong chuyến đi sang Nhật tham dự cuộc thi hùng biện Quốc tế 2014.

Yêu tiếng Nhật qua chú mèo Doraemon

Trước khi sang Nhật, Thủy Tiên vượt qua 15 thí sinh là các bạn học sinh, sinh viên các trường chuyên khối Nhật ngữ tại Đà Nẵng, giành giải nhất cuộc thi hùng biện mang tên “Tiếng Nhật và tôi” do Học viện Kake (Nhật Bản) tổ chức tại Đà Nẵng.

Khi sang Okayama dự cuộc thi quốc tế, đại diện cho Việt Nam gồm có Thủy Tiên và một sinh viên khoa tiếng Nhật ĐH Quốc gia Hà Nội. Ở đây Thủy Tiên tranh tài cùng với 13 thí sinh khác đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar, Srilanka, Nepan và Malaysia. Bài hùng biện của Thủy Tiên tiếp tục nói về chú mèo máy Doraemon mà em thích từ nhỏ. “Các thí sinh nói tiếng Nhật rất giỏi, thậm chí ngữ điệu cũng giống người Nhật. Em không đoạt giải nhưng không thấy buồn vì mình còn thua nhiều bạn. Cuộc thi đã cho em thêm động lực để cố gắng hơn nữa trong việc học tiếng Nhật”, Tiên chia sẻ.

Thủy Tiên kể rằng, động lực ban đầu đưa em đến với tiếng Nhật là sự yêu thích chú mèo máy Doraemon trong quyển truyện tranh mẹ mua cho hồi học tiểu học. Yêu chú mèo ú Doraemon từ hồi nào không hay, và cô bé khẳng định “vì tiếng Nhật có liên quan đến con mèo” nên càng khao khát học tiếng Nhật. Và cô bé thi đậu vào lớp học tiếng Nhật ở Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng. 4 năm “dùi mài kinh sử” ở đây, vốn tiếng Nhật của Thủy Tiên cũng kha khá. Cô bé cho rằng, dù học thứ tiếng nào chăng nữa thì niềm đam mê là điều quan trọng nhất. “Em nghĩ tiếng Nhật tuy khó nhưng càng học càng thấy thú vị. Tất nhiên trong quá trình học cũng có lúc mệt mỏi, chán nản thậm chí muốn bỏ cuộc nhưng rồi nghĩ đến chú mèo ú đáng yêu em lại có thể tiếp tục học”.

Thủy Tiên ghi nhớ một câu tục ngữ tiếng Nhật mà cô giáo từng dạy: “Chiri mo tsumoreba yama to naru” (hiểu theo tiếng Việt là “Kiến tha lâu đầy tổ), nhờ đó việc học Hán tự (các từ người Nhật dùng chữ Hán để thể hiện rõ nghĩa) với em cũng trở nên đơn giản hơn. “Mỗi ngày chỉ cần học 5 từ thì một tuần, một tháng rồi một năm trôi đi, ghi nhớ được gần 2.000 Hán tự chắc chắn là điều có thể làm được”. Nhờ việc học tiếng Nhật mà bây giờ không chỉ yêu Doraemon, Thủy Tiên còn yêu thích cả văn hóa Nhật và em ước mơ trở thành nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản.

Cách đây gần 3 năm, khi học hết chương trình Nhật ngữ ở Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cũng là lúc bước chân vào ngưỡng cửa trường phổ thông, Thủy Tiên nhận thấy nếu mình không tiếp tục học tiếng Nhật thì sẽ phí hoài. Lúc đó Tiên thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh. Ở đây có lớp dành cho học sinh từng học tiếng Nhật ở một số trường THCS trong thành phố, nhưng không có “suất” cho những bạn như Thủy Tiên. Thế là cô bé tự làm hai lá đơn trình bày nguyện vọng vào lớp tiếng Nhật, viết bằng tiếng Việt và tiếng Nhật, cùng các giấy chứng nhận trình độ tiếng Nhật gửi Ban giám hiệu nhà trường. Được xét đơn, thế là Thủy Tiên được học tiếng Nhật một cách bài bản suốt thời gian qua.

Hè vừa qua, Thủy Tiên cũng là một trong hai học sinh Việt Nam được sang Saitama nằm trên đảo Honshu của Nhật trong một chương trình giao lưu văn hóa. Hai chuyến đi Nhật vừa qua giúp cho cô nữ sinh một vốn tiếng Nhật lớn cũng như tự tin giao tiếp trong môi trường quốc tế. Những chuyến đi là những trải nghiệm khác nhau, và kỹ năng nói tiếng Nhật của Tiên hồi trước chỉ 2-3 điểm, nay tăng lên gấp đôi.

Sức hút của tiếng Nhật

8 năm qua, dự án “Giao lưu văn hóa thông qua dạy tiếng Nhật cho trẻ em tại thành phố Đà Nẵng” do Tập đoàn Sumitomo triển khai, tổ chức các lớp học tiếng Nhật đồng thời lồng ghép các hoạt động ngoại khóa, giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt - Nhật, được triển khai tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng. Dành cho học sinh (HS) được tuyển chọn từ 4 Trường THCS trên địa bàn: Nguyễn Khuyến, Trưng Vương, Kim Đồng và Nguyễn Huệ.

Mỗi năm các trường sẽ chọn 30 HS thỏa mãn điều kiện: có năng khiếu về ngoại ngữ, nắm vững tiếng Việt, nhanh nhẹn trong các sinh hoạt cộng đồng… tham gia phỏng vấn để vào học trong 2 lớp tiếng Nhật với 60 em. Các em học theo chương trình tiếng Nhật cấp THCS do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, thi kết thúc sẽ được nhận chứng chỉ tiếng Nhật quốc tế. Đến nay có khoảng 500 em theo học.

Ngoài ra, suốt 10 năm qua Đà Nẵng chọn hai trường THCS là Tây Sơn (quận Hải Châu) và Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn) dạy thí điểm tiếng Nhật cho HS. Mới đây có thêm Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu). Điều thuận lợi của những em học chương trình tiếng Nhật là được tuyển thẳng vào Trường THPT Phan Châu Trinh (mỗi năm 2 lớp với khoảng 90 em) và Hoàng Hoa Thám (mỗi năm có 60 em).

Trước sức hút của chương trình tiếng Nhật, năm học 2014-2015 Trường THCS Tây Sơn tổ chức thi khảo sát đầu vào HS lớp tiếng Nhật. Năm nay trường tuyển 96 em nhưng có 240 hồ sơ dự thi. Những năm trước trường chọn HS bằng kết quả thi đầu vào của trường THCS Nguyễn Khuyến. Ông Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng trường Tây Sơn cho rằng, chỉ với kết quả như năm trước, có 7 HS của trường thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thì có 6 em trong đó xuất thân từ lớp tiếng Nhật. Ngoài ra các em còn được học ngoại ngữ thứ 2 là tiếng Anh. Có thể nói là khả năng của HS lớp tiếng Nhật luôn cao hơn mặt bằng chung của trường, nên có sức hút là điều dễ hiểu.

Thầy Phan Văn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cho biết mỗi khóa trường có khoảng 60 HS theo học chương trình thí điểm tiếng Nhật, 100% là HS từ Trường THCS Lê Lợi. Thầy Tánh cho rằng, nếu có trường hợp HS nào không theo học chương trình thí điểm tiếng Nhật ở THCS có nguyện vọng học tiếng Nhật ở THPT thì trường sẽ làm tờ trình báo cáo và Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể mức trình độ tiếng Nhật để HS có thể theo học chương trình tiếng Nhật ở bậc THPT. “Nhà trường rất hoan nghênh những HS này bởi các em vừa có tố chất ngoại ngữ, vừa có năng lực tự học. Tuy nhiên, từ trước đến nay, trường chưa tiếp nhận trường hợp nào như thế”.

Với số lượng người học tiếng Nhật tại miền Trung ngày càng tăng, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức Kỳ thi Năng lực tiếng Nhật. Cùng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là một trong ba điểm thi được tổ chức tại Việt Nam. Với 5 cấp độ khác nhau: N1 – cấp độ cao nhất, N2, N3, N4, N5. Thí sinh sẽ phải trải qua các phần thi gồm từ vựng, nghe, đọc hiểu, ngữ pháp.

Tháng 7-2013, có 1.223 thí sinh dự thi Năng lực tiếng Nhật, thì kỳ thi đợt 2 năm 2013 được tổ chức vào tháng 12 đã tăng lên 1.489 thí sinh. Con số này của đợt 1 năm 2014 là 2.845 thí sinh và đợt 2 tổ chức vào ngày 7-12 vừa qua là 1.832 thí sinh.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.