Suốt từ đầu xuân cho đến giữa hạ, khi cái nắng rát bỏng dội xuống tưởng chừng tất cả các loài cây đều quắt lại vì khát thì loài hoa mua vẫn sẽ sàng nở tím bờ sông, triền đồi, bên góc ruộng hay giữa vùng đồi cát trắng. Hoa mua một thuở gắn liền với ký ức tuổi thơ vui buồn của những đứa trẻ mục đồng…
Có một thứ tài sản phi vật chất, vô cùng quý giá mà mỗi người luôn mang theo trong hành trang khôn lớn của đời mình. Cuộc đời càng dập dềnh, sấp ngửa bao nhiêu thì nỗi nhớ nơi góc nhỏ trong hành trang ấy luôn như những con sóng dội về. Đó là “Ký ức tuổi thơ”.
Tuổi thơ tôi là những năm tháng dài làm trẻ mục đồng, chân đất, đầu trần theo lũ bạn chăn bò trên đồng quê, giữa vùng đất cát. Vào độ giữa xuân, đầu hạ, khi những cánh đồng lúa, đồng khoai, đồng lạc vào mùa thu hoạch là lúc lũ trẻ mục đồng chúng tôi tha hồ chơi mà không phải mất công để ý đến đàn trâu, bò của mình “ăn trộm” hoa màu của bà con nông dân. Đấy cũng là vào lúc hoa mua vào mùa nở rộ.
Bên góc ruộng, trên triền đồi chúng tôi mải mê chơi trò chơi dân dã, mở gian hàng chợ búa buôn bán hoa, lá mua và cả những quả mua nở sớm chín mọng. Những buổi bán buôn thường xuyên trưa, thâm tối. Có khi mải mê đến lúc trăng lên, nghe tiếng cha gọi vọng từ đầu làng, lũ trẻ chúng tôi mới hốt hoảng tìm lại đàn bò nhà mình để lùa về.
Những người nông dân vốn dễ tính với những dại dột trẻ thơ của con mình. Thi thoảng ham chơi với những loài hoa dại ấy, lũ trẻ mục đồng chúng tôi quên mất cả buổi học. Cũng có khi mãi ăn những quả mua chín mọng khiến hàm răng và đôi bàn tay đen ngòm, đánh mãi không chịu trắng. Những lúc ấy, tôi chỉ bị cha la rầy, tuyệt nhiên không đánh đòn. Để rồi hôm sau khi chạm mặt với đám mua trĩu hoa trái đầy quyến rũ, lũ chúng tôi lại quên lời răn của cha, và tiếp tục phạm lỗi…
Hoa mua còn là món quà ý nghĩa chúng tôi tặng cô giáo mỗi dịp lễ. Những bó hoa vụng về của lũ học trò đầu khét nắng bẻ vội bên góc ruộng, cành ngắn, cành dài. Dù những cánh hoa không kịp đợi giờ tan lớp đã héo rủ vì cái nắng nam bỏng rát, cô giáo vẫn cẩn thận đặt vào giỏ xe mang về cùng nụ cười trìu mến của cô khiến lũ chúng tôi sướng rân, ngoái đầu bên góc đường nhìn theo cho đến khi bóng dáng chiếc xe đạp của cô khuất sau rặng tre làng.
Cuộc sống đổi thay. Cụm từ “Nông thôn mới” được nhắc đến nhiều nhất trong những năm trở lại đây. Người nông dân quê tôi vẫn mỗi năm hai vụ gieo trồng. Chỉ có khác là sức kéo cày của trâu bò thay bằng phương tiện cơ giới. Những “con trâu sắt” không cần lũ trẻ mục đồng chăn dắt như xưa. Lũ trẻ bây giờ phần lớn thời gian trong ngày gắn với chiếc ti-vi, trò chơi điện tử, những chiếc ô-tô, tàu hỏa, máy bay điều khiển bằng pin hiện đại.
Những khóm hoa dại như sim, mua dần xa lạ, hoặc rất hững hờ trong khái niệm các danh mục trò chơi của chúng. Chỉ độ chục năm, những trò chơi dân dã đã lọt thỏm vào hai từ: dĩ vãng! Riêng lũ chúng tôi vẫn níu náu hoài với mớ ký ức tuổi thơ như một “tài sản” quý giá.
Một ngày, tôi bắt gặp hoa mua bán ngay góc phố. Cánh mua nhỏ bé, khiêm nhường trong chậu cảnh. Cảm giác như sự bó buộc khiến cả thân, cành, lá và nụ hoa không đủ sức bung mình. Đôi người nhung nhớ tuổi thơ ghé lại mua chậu hoa mua với ánh mắt như lâu ngày gặp tri kỷ pha lẫn nỗi niềm vời vợi nhớ quê; đôi người khác, cuộc sống dư dả, thấy cây lạ cũng mua về làm kiểng ngắm chơi dù chưa một lần chạm tay vào cây mua mọc hoang nơi biền bãi.
Tôi tần ngần nhìn những chậu hoa được đặt lên những chiếc xe sang trọng vút qua phố giữa chiều buông, ngó tới, ngó lui chỉ thấy ầm ào xe cộ lướt qua những con đường thảm nhựa láng tưng. Xót xa mỗi khi lũ nhóc thị thành cất tiếng hỏi: “Con trâu màu gì, có biết bay không?”, “Hoa mua là hoa chi, hoa ấy bán có đắt không?”...
Tôi về bến sông quê, tần ngần nhìn cánh đồng mùa tháng 5 rám vàng gốc rạ, tần ngần nhìn “Bến sông vẫn tím đôi bờ hoa mua”(*). Cánh đồng bây giờ không một bóng trâu bò, không tiếng hò reo của lũ trẻ mục đồng. Tiếng lục lạc trâu va leng keng vọng lại từ miền ký ức nghe gần mà xa tít tắp.
Cây roi tre cha giắt bên hiên nhà qua tháng năm, bao mùa hoa mua tím ngát trên đồng, vẫn nằm im đợi chờ. Cô giáo làng năm xưa tóc giờ đã bạc, níu náu ngày tháng cũ bằng gốc hoa mua trồng cạnh hiên nhà. Tôi nhớ lời la rầy ẩn chứa niềm bao dung của cha. Nhớ nụ cười ngập tràn niềm vui của cô giáo làng… Thương nhớ tuổi thơ!
THIÊN LAM
(*) Thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn