.

Khủng hoảng di sản văn hóa Hy Lạp

.

Các cơ quan, tổ chức văn hóa công cộng lớn ở Hy Lạp đang ở trên đỉnh điểm của sự sụp đổ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các bảo tàng Hy Lạp đã bị đe dọa đóng cửa trong cuộc khủng hoảng vào mùa hè này.

Báo Artnews đưa tin vào tuần trước, các giám đốc bảo tàng lo sợ rằng tổ chức, cơ sở sẽ sớm phải đóng cửa khi hệ thống ngân hàng chính của họ đang trên bờ vực của sự sụp đổ.

Tác phẩm điêu khắc trong Bảo tàng Acropolis ở Athens.
Tác phẩm điêu khắc trong Bảo tàng Acropolis ở Athens.

Mọi người không chỉ ghé thăm Hy Lạp với trời trong xanh và những bãi biển thơ mộng, mà đây là một trong những điểm đến văn hóa phong phú và xứng đáng nhất của thế giới. Nếu bạn chưa bao giờ nhìn thấy đền Parthenon, Mycenae hoặc Delphi, thì hãy lên kế hoạch cho một chuyến đi đến các di tích văn hóa không-thể-quên của lịch sử và nghệ thuật thế giới, và đó cũng là cách tốt nhất để hỗ trợ Hy Lạp.

Bảo tàng Acropolis là một bảo tàng khảo cổ tập trung các kết quả khảo cổ của Acropolis ở Athens. Bảo tàng được xây dựng để lưu giữ các hiện vật được tìm thấy trên đất và đá  từ thời kỳ đồ đồng Hy Lạp đến thời kỳ Đế quốc La Mã ở Hy Lạp. Bảo tàng được thành lập vào năm 2003, với gần 4.000 hiện vật được trưng bày trên diện tích 14.000m2. Đây là một bảo tàng mới, do Đại học Aristotle ở Thessaloniki chủ trì và Giáo sư danh dự Khảo cổ học Dimitrios Pandermalis đảm trách.

Bảo tàng Acropolis với dáng vẻ hiện đại, huy hoàng dưới chân tòa thành Athens cổ đại, là nơi phải đến, phải xem đối với bất kỳ du khách nào đến Hy Lạp. Nơi đây là một trong những địa điểm khảo cổ vĩ đại nhất của thế giới và làm sáng tỏ sự phát triển của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại với hiện vật hấp dẫn đến từng chi tiết.

Bảo tàng nghệ thuật đương đại Macedonian Thessaloniki, trung tâm Macedonia, Hy Lạp.
Bảo tàng nghệ thuật đương đại Macedonian Thessaloniki, trung tâm Macedonia, Hy Lạp.

Bà Gregos, phụ trách Bảo tàng Nghệ thuật đương đại quốc gia (EMST - National Museum of Contemporary Art, Athens) nói rằng, các tổ chức văn hóa Nhà nước đang trên bờ vực: “Bảo tàng nhà nước của nghệ thuật đương đại ở Thessaloniki chỉ có đủ tiền để trả lương nhân viên. Nó không thể tài trợ chi phí các cuộc triển lãm bao gồm tiền điện, nước và chi trả cho việc sử dụng Internet”.

  Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Macedonia ở Thessaloniki được thành lập vào năm 1979, khởi đầu từ ý tưởng của Maro Lagia và Alexandros Iolas, những nhà sưu tập nghệ thuật, quan tâm đến những thiệt hại gây ra đối với các di tích văn hóa bởi trận động đất thảm khốc năm 1978 ở  Thessaloniki. Maro đề nghị thành lập một trung tâm nghệ thuật đương đại ở Thessaloniki. Alexandros Iolas đã tặng cho thành phố Thessaloniki 47 tác phẩm nghệ thuật trong bộ sưu tập của mình để làm “hạt nhân” xây dựng một Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Macedonia trong thành phố này.

Nhưng hiện nay, Denys Zacharopoulos, Giám đốc Nghệ thuật của Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Macedonia nói rằng, bảo tàng nhà nước đã bị đe dọa từ năm 2008. Những khó khăn đầu tiên phải chịu theo chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế. Bảo tàng phải tạm thời đóng cửa vì không lo nổi chi phí của việc duy trì hoạt động.

 Ngoài ra, Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia (The National Archaeological Museum of Athens) là bảo tàng khảo cổ học lớn nhất ở Hy Lạp và một trong những bảo tàng quan trọng nhất trên thế giới dành cho nghệ thuật Hy Lạp cổ đại được thành lập vào cuối thế kỷ 19, đang giữ gìn giá trị văn hóa và nghệ thuật lịch sử quý giá, cũng trong tình cảnh tương tự.

Các di sản văn hóa của Hy Lạp sẽ tạo được cái nhìn trung thực hơn trong mối quan hệ với EU. Chính phủ chấp nhận các biện pháp tài chính hỗ trợ hơn là để cho sự phá sản đó xảy ra, lan rộng. Một châu Âu không Hy Lạp sẽ khiếm khuyết đi nhiều. Vì vậy, Hy Lạp và châu Âu đang bị mắc kẹt với nhau. Hy Lạp không chỉ là một đất nước, mà còn là một biểu tượng văn hóa sống của châu Âu nên cần sự hỗ trợ.

Trước sự khủng hoảng di sản văn hóa của Hy Lạp, tờ The Guardian viết “Nếu không có sự rộng lượng của châu Âu, những bảo tàng di sản văn hóa của Hy Lạp chỉ là chuyện lịch sử xưa cũ mà thôi”.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.