Ngày nay khi các dòng văn hóa nhân loại lưu chuyển, hỗn dung vào nhau trong một bảng giá trị phong phú, đầy màu sắc thì việc nhận ra những nét bản sắc của văn hóa dân tộc thật khó khăn. Là người Việt, được sinh ra và thấm đẫm trong văn hóa người Việt, song ít ai hiểu hết chiều sâu của đời sống tâm linh đã nuôi dưỡng và kết tụ thành những biểu hiện văn hóa khác nhau trong sinh hoạt hằng ngày.
Ít ai hiểu được, với người Việt, ngôi nhà là một cơ nghiệp quan trọng của một đời người, quan trọng đến mức một người đàn ông không cất nổi căn nhà cho vợ con mình là một thất bại lớn nhất của đời người? Ít ai hiểu được tại sao tháng Chạp, những người trẻ tuổi yêu nhau lại cấp tập làm hôn lễ để xác nhận sự gắn kết vĩnh viễn trong duyên nghiệp vợ chồng?
Mâm ngũ quả ngày xuân. |
Bởi vì trong chiều sâu tâm thức truyền thống của người Việt, căn nhà không chỉ là không gian sống của chồng vợ con cái mà đó còn là nơi tổ tiên ông bà hằng ngày, hằng tháng vẫn về “sống” cùng con cháu. Và vì chữ “phúc” với mong ước hậu vận bền vững, con đàn cháu đống, nên người Việt luôn cưới nhau trước Tết để ngày xuân, cha mẹ báo cáo lên tổ tiên rằng gia tộc mình giờ đã thêm người…
Trong hai chiều âm dương song hành, cùng với quan niệm “thác là thể phách, hồn là tinh anh”, người Việt luôn tin rằng, con người sau khi chết, thân xác gửi vào cỏ cây đất mẹ, nhưng linh hồn thì vẫn cùng ở với người còn sống.
Bởi vậy, ngày Tết, ngày khởi đầu của một năm vũ trụ vận hành, tất cả người Việt đi đâu xa đều hẹn nhau trở về căn nhà cha mẹ, ông bà đã sinh thành ra mình. Họ dành những gì quý báu nhất, sắm sửa những vật phẩm ngon nhất và tâm linh gột sạch những lo toan, ưu phiền, sân si hằng ngày để đến bàn thờ gia tiên thắp nén nhang thành kính tri ân và gửi gắm hương hoa đến với ông bà.
Giao thừa, thời điểm chuyển giao năm cũ năm mới trong văn hóa người Việt là thời khắc thiêng liêng trùng phùng giữa sinh khí đất trời, con người và tổ tiên.
Bởi vậy, bàn thờ gia tiên nơi trung đạo của căn nhà là tâm điểm quan trọng trong tục đón xuân của người Việt. Trước ngày vào xuân, người Việt đã dọn rất kỹ bàn thờ, đánh bóng các đồ tế lễ, mua những cành hoa đẹp nhất, chọn những trái cây ngon nhất để làm thành mâm ngũ quả bày trên bàn thờ…
Trước ngày cháu con ăn Tết, người Việt ra nghĩa trang dọn dẹp mồ mả, “sơn cửa sơn nhà” cho ông bà ăn Tết theo mình. Theo tục lệ truyền thống, sau 23 tháng Chạp đưa ông Táo về Trời, con cháu thường chọn ngày và sắm mâm cỗ cáo với đất đai thổ thần bổn xứ để rước đón ông bà về nhà ăn Tết.
Từ đấy cho đến sau Tết, hằng ngày thay nhau cháu con đều dọn cỗ cúng cơm dâng lộc cho ông bà trên bàn thờ gia tiên… Đấy là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt trong những ngày đón xuân. Lễ Tết vì thế không chỉ là thời điểm hội tụ sinh khí giữa tự nhiên với con người mà còn là lúc con người nối dài giao cảm tâm linh với tiền nhân, để lớp lớp những thế hệ vẫn truyền nối tinh thần cho nhau, tạo nên một dòng chảy văn hóa tâm linh miên viễn trên triền đất nhiều giông bão lịch sử này.
Trên mặt đất sinh tồn còn nhiều biện biệt sân si, còn nhiều tai ương u ám, còn nhiều lầm than cơ cầu, người Việt vào xuân là gần như bỏ lại hết tất cả. Năm mới với người Việt là bắt đầu một dòng lưu chuyển mới, tuổi mới, người mới, giấc mơ giữa ngày mới…
Vì thế, người Việt mặc áo mới, hàng xóm gặp nhau chúc mừng điều hy vọng và tốt lành mới mẻ. Những hiềm khích bỏ qua, những chén rượu, đĩa xôi, hạt mứt, chén trà thơm thảo mời nhau bất tận để con người chống chếnh sống trong niềm vui mới, và thấy mình đang chao nghiêng giao cảm đủ đầy với nhân loại quanh mình.
Mùa xuân là mùa quên và là mùa của niềm vui. Ngày xuân là ngày của sự bắt đầu, thầy giáo khai bút, học trò mở sách, người làm ruộng ra đồng, con người ra đường hái lộc,… tất cả phơi phới trong cái nắng xuân tràn ngập trong mắt người, trong từng tâm hồn người.
Người người nườm nượp đi lễ đình, chùa, miếu để cầu phúc và hái lộc. Rồi xông đất, chúc Tết, xuất hành đầu năm, mừng tuổi ông bà, con cháu,… Rồi những dòng người trẩy hội, vào hội. Hội xuân với người Việt tràn ngập khắp nhiều vùng, mỗi vùng với những sắc màu, những lễ hội khác nhau kéo dài đến tận tháng 2, tháng 3…
Bởi vậy trong văn hóa đón xuân, người Việt còn chơi Tết. Chơi Tết của người Việt cũng lạ, ăn chơi suốt tháng đến nỗi dân gian có câu: Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Vất vả quanh năm, tảo tần ruộng nương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời và sống tằn tiện, chịu thương chịu khó chắt chiu dành dụm là vậy ấy thế mà trong ba ngày Tết, họ lại ăn chơi lu bù. Nói là ba ngày Tết nhưng lại kéo dài cả hơn ba mươi ngày cũng là vì vậy.
Nếu như ngày thường, mượn nợ ai một đồng cũng tính thì trong ba ngày Tết, hào phóng rộng lượng cho qua, không so đo tính toán. Nếu ngày thường một chuyện nhỏ cũng có thể hóa to thành nỗi bất hòa thì trong ba ngày Tết, chuyện gì cũng có thể xí xóa cho nhau.
Ra đường bất kể gặp ai, người thân hay không thân, thích hay không thích, câu cửa miệng luôn là câu chào năm mới và tiếp sau là những lời chúc mượt mà, thăm hỏi tình hình phát lộc đầu năm. Nếu như trong năm, bà con chòm xóm chia sẻ nhau những buồn vui, lo toan trong cuộc sống thì ba ngày xuân luôn là sự chia vui, bởi không gì vui hơn Tết, vui như Tết.
Ăn Tết chơi Tết thì phải rộng rãi, phóng khoáng nên mỗi khi có khách, trong nhà có thứ gì là mang ra tất, thết đãi khách nhiệt tình, chu đáo. Điều này thật khác với thường nhật khi phải sống trong cảnh khó khăn, con người trở nên chắt chiu, kỹ lưỡng…
Ngày xuân thết đãi khách trong nhà, ngoài dọn cỗ bày mâm thì chén trà chén rượu ngày Tết cũng khác thường. Rượu uống nhiều nhưng không say, ít say bởi ai cũng có ý thức giữ mình không muốn đụng độ trong ba ngày Tết. Ly rượu từ bàn thờ gia tiên đến bàn tiệc trong mâm cỗ đều được trân trọng, thành kính khác hẳn ngày thường.
Trên bàn thờ gia tiên rượu xuất hiện như một thức uống không thể thiếu để dâng lên ông bà, tiên tổ, thánh thần trong những ngày đầu năm. Rượu đại diện cho hành thủy kết hợp với các yếu tố khác như: lư đồng - hành kim, nhang - hành hỏa, đất cắm nhang - hành thổ, hoa quả - hành mộc kết thành ngũ hành tượng trưng, thể hiện rõ triết lý sống thuận theo vũ trụ, theo sự vận hành của đất trời, từ đấy con người Việt sẽ hanh thông với một năm mới thuận lợi về sức khỏe, làm ăn, công danh, sự nghiệp…
Có thể nói văn hóa ngày Xuân đón Tết của người Việt phản ánh rất rõ đặc trưng văn hóa dân tộc Việt. Nó biểu hiện trong các tục lệ, nghi lễ đến các biểu tượng văn hóa, hay sinh hoạt cộng đồng… Tục cúng ông Táo quen thuộc là một phong tục đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam cho thấy được sự trân trọng của người Việt đối với đời sống gia đình, công việc bếp núc, việc chăm sóc dinh dưỡng cho mọi người, cũng như ý thức lối sống nền nếp, cách cư xử đúng mực của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về.
Mâm ngũ quả được bày biện gọn gàng, đẹp mắt trang trọng ở bàn thờ tổ tiên với đủ 5 loại trái cây cùng 5 màu sắc khác nhau đã chứa đựng bao mong ước đầu năm của con người. Đó là hoa trái thiên nhiên và thành quả lao động mà con cháu thành kính dâng lên tổ tiên, tạ ơn trời đất.
Cùng bánh chưng, giò chả, khoanh cá kho gừng và con gà trống mỏ ngậm bông hoa hồng, đĩa xôi gấc đỏ thắm đơm tròn đầy đặn dưới làn khói hương ngày xuân chứa đựng một sắc độ tâm linh, trở thành niềm tin cho những điều an lành, thịnh vượng trong năm mới…
Người Việt coi trọng đời sống tâm linh, vì thế Tết còn chứa đựng sự hội tụ giữa sinh khí trời đất, linh khí tổ tiên và nhân đức con người. Khi khắp đầu làng cuối ngõ thướt tha áo mới với tiếng cười lời chúc rộn rã, thì trong ngôi nhà người Việt, những sợi khói nhang cuộn tròn, thơm thảo phảng phất bay lên dịu dàng như một sợi dây thiêng liêng gắn kết cuộc sống con người với đất trời, gắn kết con người trần thế với thần thánh, tổ tiên ở cõi vĩnh hằng.
Ngoài vườn, hoa mai, hoa đào khoe sắc tươi trong nắng xuân hiển hiện như là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, gợi lên một sự khởi đầu bình an, hanh thông và phát đạt. Lúc ấy mắt người tràn đầy sắc màu hy vọng, lòng người tràn ngập niềm hân hoan sống và tự trong chiều sâu tâm thức dường như đã cảm nhận được tình yêu đang đầy đặn từ khắp muôn phương trở về…
LÊ QUANG ĐỨC