Vào đầu thập niên 90 thế kỷ 20, ở khu vực Cẩm Lệ, có vài em học sinh mẫu giáo, trong đó có con gái một lương y là Chủ tịch hội kiêm Giám đốc Trung tâm dịch vụ y dược dân tộc huyện, trong giờ ra chơi đã hái quả một dây leo trên bờ rào có hạt như hạt cườm với hai màu đỏ đen rất đẹp đem chơi rồi ăn vào gây nôn mửa, co giật. May được người nhà phát hiện sớm nguyên nhân, đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên tránh được tử vong.
“Cam thảo dây - hạt này rất độc/ Cây lá thời làm thuốc chữa ho”. Ảnh: P.C.T |
Loài cây có hạt độc đó chính là Cam thảo dây, còn gọi là Cườm thảo, Dây chi chi, Dây cườm cườm, Tương tư đằng, tên khoa học Abrus precatorius L., thuộc họ Đậu - Fabaceae.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Cam thảo dây là cây leo với cành nhánh nhiều và mảnh. Lá kép lông chim chẵn gồm 9-11 cặp lá chét thuôn, tù, màu lục sẫm; cuống lá chét và cuống lá kép đều có đốt. Hoa nhiều, nhỏ, màu hồng hay tím nhạt, có tràng hoa dạng bướm, xếp thành chùy ở nách lá. Quả đậu dẹt, có 3-7 hạt. Hạt hình trứng, nhẵn bóng, to bằng hạt đậu gạo, màu đỏ chói, có một đốm đen rộng bao quanh rốn hạt. Mùa hoa quả tháng 3-6 trở đi đến tháng 9-10.
Cây mọc hoang trong các rừng còi, rừng thưa vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng. Ở nước ta, thường gặp nhiều ở các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận. Ở Đà Nẵng, chúng tôi đã gặp cây mọc tự nhiên trong các trảng cây bụi ven biển ở Nam Hải Vân, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà.
Cam thảo dây cũng thường được trồng làm cảnh và làm thuốc ở nhiều nơi. Trồng được 3 tháng đã có thể thu hoạch dây lá. Cắt các đoạn dây mang lá, quấn lại thành bó rồi phơi khô. Thu hái rễ vào mùa xuân-hè; thu hoạch quả vào mùa thu rồi phơi khô, đập lấy hạt.
Lá, rễ Cam thảo dây chứa một chất ngọt tương tự glycyrrhizin của Cam thảo, nhưng vị khó chịu và đắng. Hạt chứa một albumin độc (toxalbumin) là abrin có cấu trúc và tính chất gần với ricin trong hạt thầu dầu; 1/2mg abrin đã là liều tử cho người trưởng thành; còn có các chất khác như L. abrin, abralin, precatorin, hemaglutinin, trigonellin. N-dimethyl tryptophan methyl este, hypaphorin, một số sterol như stigmasterol, brassicasterol, men ureaza. Vỏ hạt chứa chất màu là abarnin (anthocyan monoglycosid).
Theo Đông y, dây lá, rễ Cam thảo dây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Hạt có vị đắng, rất độc, có tác dụng sát trùng, tiêu viêm. Abrin là một albumin độc; khi vào cơ thể, nó sẽ tạo ra một kháng thể gây vón hồng cầu dễ dàng, làm phù tấy kết mạc và gây hại tới giác mạc một cách vĩnh viễn.
Người ta thường dùng dây lá Cam thảo dây để điều hòa các vị thuốc khác, dùng chữa ho, giải cảm, trị hoàng đản do viêm gan siêu vi trùng. Liều dùng 8-16g, sắc uống. Có thể dùng thay Cam thảo bắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác. Người ta còn dùng lá Cam thảo dây nhai với muối và nuốt nước để chữa chứng đánh trống ngực. Hạt chỉ dùng bôi ngoài để sát trùng, tiêu viêm, làm mụn nhọt chóng vỡ mủ (giã nhỏ đắp), nhưng dùng phải hết sức cẩn thận.
Bài thuốc:
1. Chữa cảm nắng, sốt nóng, ho khan, viêm họng: Lá Cam thảo dây 15g, sắc uống.
2. Chữa cảm cúm: Cam thảo dây 12g, Lá lức (đồ chín) 60g , Cây lức (sao qua ) 12g, Bạc hà 12g, Vỏ quýt 12g, Phèn chua (phi) 2g, Củ xương bồ 10g. Tất cả tán dập, sắc và chia uống 2 lần trong ngày.
3. Chữa hen suyễn, có phong hàn xâm nhập bên ngoài: Cam thảo dây 12g, Hành hương 12g, Gừng sống 12g, Quế chi 12g, Tía tô 12g sắc uống.
4. Thuốc giải độc: Cam thảo dây dùng 50-60g sắc uống, hoặc hòa thêm bột Đậu xanh nghiền sống, uống nhiều càng tốt.
Lưu ý: Theo sách Cây độc ở Việt Nam, khi ăn phải hạt sống Cam thảo dây, sau vài giờ thấy buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, khó thở, da tím tái, trụy tim mạch, đái ít. Cuối cùng xuất hiện sự tan máu và đái ra máu. Có thể tử vong. Một số dân tộc vùng Tây Ấn dùng hạt cây này để đầu độc. Chất độc này dính vào chỗ xước da sẽ gây loét tại chỗ. Nếu ngấm vào máu sẽ làm chết trong vòng 48 giờ. Gặp trường hợp ngộ độc cần đưa ngay đến bệnh viện để xử lý cấp cứu.
PHAN CÔNG TUẤN