Nói rằng “sống tử tế là một lựa chọn”, nghĩa là họ - những người chúng tôi có dịp gặp và kể ra sau đây có rất nhiều lựa chọn, họ có thể nói không, có thể im lặng, nhưng chẳng ai làm thế! Họ tình nguyện cho đi những giọt máu nóng hổi, họ cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ bát cơm của mình và gia đình cho những người khốn khó, hoạn nạn. Họ hạnh phúc khi được cho đi...
Chị Nguyễn Hà Giang luôn nặng lòng với những số phận kém may mắn, đặc biệt là những em bé. Trong ảnh: Hà Giang với một em bé vùng cao. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Anh Nguyễn Đạt Hùng, trú tổ dân phố số 23, khu dân cư Xuân Đán 5, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê - một trong những đại diện cá nhân, gia đình tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện thành phố, đã chia sẻ như thế khi nói về câu chuyện hiến máu của bản thân và gia đình, hơn 20 năm qua.
“Chính là hạnh phúc cho mình”
Anh Hùng hồ hởi cho biết: “Quan tâm, giúp đỡ người khác chính là tạo niềm hạnh phúc cho mình và cho chính cuộc đời này. Hiến máu nhân đạo là một trong những phong trào tốt đẹp, đậm chất nhân văn của Hội Chữ thập đỏ. Tôi và gia đình chỉ góp một phần rất nhỏ trong phong trào đó.
Không biết mọi người sao chứ với tôi tham gia phong trào tôi thấy bản thân chỉ có được chứ đâu thấy mất mát gì. Ví dụ đơn giản, từ một thanh niên chưa khi nào được 50kg nay qua mấy chục lần hiến máu, tôi đã tăng lên được trên 60kg, sức khỏe cải thiện nhiều mặt. Những người thân trong gia đình tôi tham gia hiến máu đều như vậy”.
Phong trào hiến máu tại Đà Nẵng được bắt đầu từ giữa những năm 1990. Như bao nhiêu thanh niên khác, những đoàn viên như anh Nguyễn Đạt Hùng, chị Nguyễn Thị Kim Thu (nay là vợ anh Hùng) hăng hái tham gia hiến máu cứu người, chứ kỳ thực “hồi đó cũng chẳng biết hiến máu là gì, cũng thấy sờ sợ”, chị Kim Thu bộc bạch.
Nói là “sợ”, nhưng rồi năm nào có đợt hiến máu định kỳ, đoàn viên Kim Thu, Đạt Hùng cũng tìm mọi cách đi hiến bằng được. Cảm mến, trân trọng nhau từ mỗi hành động đẹp của tuổi trẻ, anh Hùng, chị Thu đã đến với nhau từ trong phong trào thiện nguyện đầy nhân văn ấy.
Hơn 20 năm trôi qua, từ cán bộ Đoàn, chị Kim Thu nay đã là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Xuân Hà; anh Đạt Hùng công tác ở Phòng Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê. Dù bận rộn, hai vợ chồng vẫn đều đặn hiến máu cứu người, mỗi khi cơ quan, đơn vị, địa phương kêu gọi, đặc biệt, khi người bệnh hiểm nghèo, người bất ngờ gặp nạn.
Trong hơn 30 lần anh Hùng đã tham gia hiến máu tình nguyện, không hiếm những lần hiến máu đột xuất tại bệnh viện. Dù giữa đêm khuya, trên đường đi công tác, hay đang giữa bữa cơm…, được gọi đi hiến máu, anh Hùng cũng lập tức lên đường.
“Thi thoảng hiến đột xuất xong cảm giác hơi choáng nhưng ngồi nghỉ ngơi chút, cảm giác mệt mỏi qua rất nhanh, thay vào đó là niềm vui choáng ngợp khi nhận được tin người nhận máu được cứu sống”, anh Hùng thổ lộ.
Không chỉ “nghiện”... hiến máu, anh Hùng, chị Thu còn góp nhiều công sức trong việc vận động người thân trong gia đình, bà con trong khu dân cư, bạn bè, đồng nghiệp tham gia hiến máu. Đến nay, những người thân cận được anh chị vận động ít cũng 1-2 lần tham gia hiến máu, còn lại cứ đều đặn 5-6 lần/ người.
“Bởi “một giọt máu cho đi” có thể “một cuộc đời ở lại”, ý nghĩa như thế, ai mà không muốn làm. Con người ta ai cũng có lòng thiện, chủ yếu có được khơi dậy hay không thôi”, chị Kim Thu trải lòng.
Còn yêu thương ở lại
Mới 33 tuổi, chị Nguyễn Hà Giang đã được các đồng nghiệp Phòng Công tác chính trị và công tác Đảng (Công an thành phố) gọi là “bà già lắm chuyện” bởi cứ hay quan tâm đến chuyện người dưng. Mỗi lần nghe hay đọc được qua báo đài có người nghèo gặp nạn, những em bé mắc bệnh hiểm nghèo không có điều kiện thuốc thang, chạy chữa, Giang cứ “đứng ngồi không yên”, tìm mọi cách từ bỏ tiền túi (dù với đồng lương công chức không được bao nhiêu) đến vận động, kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng mạng chung tay giúp đỡ.
Giang kể, hồi mới chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng, khi đang làm phóng viên, nhân một lần lên huyện Hòa Vang viết bài, Giang bắt gặp một gia đình có hoàn cảnh thương tâm:
Cha mẹ đều bị bệnh ung thư không qua khỏi, một người con cũng bị bệnh hiểm nghèo; chỉ còn hai chị em, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi nuôi nhau. Thế là, với những đồng nhuận bút ít ỏi của một phóng viên tập sự, Giang liên tục trở lại thăm hai chị em khi thì hộp sữa, khi gói bánh động viên, chủ yếu lên gặp xem các em sống thế nào vì “thương quá”. Đến nay, đã 7-8 năm trôi qua, khung cảnh buồn bã của ngôi nhà ấy vẫn không nguôi ám ảnh nữ cán bộ công an trẻ tuổi.
Giang quan niệm, con người ta không thể sống mà không yêu thương; dù cuộc sống có đổi thay thế nào đi nữa, thì cũng chỉ có yêu thương là còn lại sau tất cả. Và, để phát đi thiện tâm, theo cô không cần phải có nhiều tiền, mà quan trọng hơn là sự yêu thương. “Còn gì xót xa hơn khi giữa cuộc đời no đủ, thậm chí xa hoa này vẫn có không ít hoàn cảnh, số phận vì đói ăn, vì nghèo khổ, sinh bệnh không có tiền chữa bệnh mà chết”, Giang giãi bày.
Để có tiền ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, Giang nhờ mẹ gửi đồ quê, làm hàng thủ công, bánh trái đi bán để tăng nguồn thu. Những lúc có thể, Giang dẫn con đi cùng, hoặc chia sẻ câu chuyện thiện nguyện chị đang làm với mong muốn gieo lòng thiện trong lòng con trẻ, để con biết rằng, làm việc thiện không phải là điều gì to tát, cao siêu, tất cả chỉ cốt ở cái tâm, ở tấm lòng.
Phải, chỉ cần có lòng, chúng ta có thể chọn lựa những hành động, cách sống giàu yêu thương, tử tế, bằng nhiều cách. Như cách một giám đốc trẻ tuổi (không để lại tên) đều đặn ủng hộ nồi cơm từ thiện hằng tháng cho bệnh nhân ung thư chỉ qua một cuộc gặp gỡ tình cờ.
Chuyện người mẹ cùng cậu con trai duy nhất bị tật nguyền được tài trợ 300 USD mỗi tháng bèn tình nguyện góp 100 USD/tháng để chia sẻ với những phận người “kém may mắn” hơn...
Tử tế là yêu thương, là chia sẻ, hay có thể cũng đơn giản chỉ là chuyện những người không đắn đo việc của mình hay của ai, sáng sáng lặng lẽ quét rác cho nhà hàng xóm để những con đường thêm sạch sẽ, tinh tươm, phố phường thêm đẹp.
Không quá khó, song, để tử tế là một lựa chọn, không phải ai cũng làm được!
Thanh Tân