Từ đam mê nghiên cứu khoa học và có những dự án hữu ích, hai cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) Nguyễn Thị Thùy Dương và Nguyễn Tiến Danh đã chung tay phát triển mở rộng các công trình nghiên cứu để khởi nghiệp.
Hai bạn Thùy Dương và Tiến Danh bên mô hình nấm kinh doanh và học qua dự án. |
Cả Dương và Danh đến từ hai miền quê khác nhau nhưng đều chọn Đà Nẵng làm điểm lập nghiệp. Điều đáng chú ý nhất, cả hai đều bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình bằng những ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học ngay từ những ngày còn ở giảng đường đại học. Hành trang khởi nghiệp của họ là ý chí, niềm tin và một tình yêu dành cho Đà Nẵng.
Sau hơn 6 tháng đưa vào vận hành sản xuất, mô hình Trại nấm sạch Yên Thế - Bắc Sơn ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu của Nguyễn Thị Thùy Dương đã cho ra thành phẩm nấm bào ngư sạch thu hút nhiều bà nội trợ tìm mua.
Điều đáng mừng nhất, đây là sản phẩm được Dương phát triển từ đề tài nghiên cứu khoa học trong những năm tháng ở trường đại học. Dương kể, từ nhỏ đã rất thích ăn nấm, nhất là nấm bào ngư. Vào đại học, Dương học khoa Môi trường nhưng lại rất thích môn vi sinh và bắt đầu nghiên cứu trồng nấm để giải quyết vấn đề về môi trường và thực phẩm sạch.
Dương cùng nhóm bạn đã nghiên cứu trồng nấm bằng việc tái sử dụng bông thải. Đề tài đoạt giải nhì chung kết cuộc thi WEPICS 2017 - Cuộc thi Phụ nữ với các dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng.
Qua quá trình nghiên cứu, Dương nắm bắt được những kỹ thuật trồng nấm cơ bản và các yếu tố để giúp nấm tươi ngon, bổ dưỡng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, khi thực tập tốt nghiệp ở Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Đà Nẵng, Dương học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm và tiến hành trồng nấm trên nguyên liệu mùn cưa, cám gạo và cám bắp.
Đợt thu hoạch đầu tiên được 20kg nấm, cứ thấp thỏm sợ không bán được, không ngờ sản lượng chừng ấy không đủ để cung cấp các đơn hàng bán trực tuyến. Nhận thấy nhu cầu lớn, Dương quyết định xây dựng trại nấm và khởi nghiệp nho nhỏ trước khi tốt nghiệp đại học.
Đến nay, hằng tháng, trại nấm của Dương cho khoảng hơn 3 tạ nấm bán lẻ trên thị trường, sản lượng tuy không nhiều nhưng cái cốt lõi của dự án này là xây dựng uy tín dựa trên chất lượng sản phẩm, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trước khi nghĩ đến quy mô lớn hơn.
Dương chia sẻ, trại nấm hiện còn là điểm đến để nhiều học viên của DUTI Education - nơi Dương kết hợp với anh Nguyễn Tiến Danh, cũng là một cựu SV Trường ĐH Bách khoa thành lập, học viên đến đây sẽ được tiếp cận và thực hành chương trình học tiếng Anh qua dự án.
Trại nấm của Thùy Dương hai tháng nay đón nhiều học viên tiếng Anh từ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Giáo dục DUTI đến với mô hình kết hợp giữa học tập và trải nghiệm thực tế do Dương và Danh xây dựng. Hoạt động này nhằm tạo ra môi trường giúp học viên được tiếp cận, học hỏi những kỹ năng bổ ích để phát triển bản thân và tiếp lửa đam mê nghiên cứu khoa học.
DUTI Education là tâm huyết của Nguyễn Tiến Danh, cựu SV khoa Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa. Ngay từ khi ngồi ghế giảng đường, Danh nhận thấy SV đa phần rất giỏi chuyên ngành mà mình theo học nhưng kỹ năng mềm thì chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Làm thế nào để tạo ra môi trường giúp các bạn vừa học tiếng Anh, vừa luyện các kỹ năng luôn thôi thúc Danh làm một điều gì đó. Ngày tốt nghiệp, Danh càng đau đáu với dự định này. Danh bàn với Thùy Dương và cả hai cùng xây dựng kế hoạch phát triển từ ý tưởng của Danh.
DUTI Education ra đời trong tâm huyết ấy của đôi bạn trẻ. Trung tuần tháng 8-2018, công ty được thành lập, đến nay đã chiêu sinh được hơn 120 học viên, từ những em học sinh tiểu học đến những người đang học thạc sĩ.
Danh cho biết, học viên đến với DUTI Education không chỉ được học tiếng Anh mà các bạn còn được rèn luyện các kỹ năng mềm như: Kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, lập kế hoạch SMART, giao tiếp, các kiến thức về tài chính cá nhân, về kinh doanh…
Để phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và kỹ năng mềm hiệu quả, các học viên sẽ được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là hoạt động làm việc nhóm, tạo ra sản phẩm và bán sản phẩm đó cho du khách nước ngoài tại Hội An.
Một điểm đáng thú vị khác, tại DUTI Education còn có không gian dành cho các SV học nhóm hoặc sinh hoạt câu lạc bộ miễn phí, kể cả những bạn không phải là học viên của trung tâm. Dương chia sẻ, mục tiêu của DUTI Education là tạo ra hệ sinh thái mở, như một ngôi nhà chung mà ở đó các bạn trẻ đều có cơ hội được sinh hoạt, học tập, rèn luyện, chia sẻ, nghiên cứu, phát triển bản thân.
“DUTI Education đang xây dựng một cộng đồng SV năng động, thay đổi tư duy và thái độ học tập thông qua dự án Co-learning Space và tủ sách dùng chung, khuyến khích việc đọc và tự học trong sinh viên và giới trẻ.
Phương pháp giảng dạy tại DUTI là học qua dự án, học qua trải nghiệm. DUTI luôn tạo ra môi trường, dự án cho SV rèn luyện kỹ năng và ngoại ngữ. Còn với trại nấm, ngoài việc phát triển từ đề tài nghiên cứu khoa học để sản xuất nấm sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, còn là môi trường để học viên DUTI học tập trải nghiệm, học tập thực tế (từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bán sản phẩm từ nấm…).
Trại nấm chỉ là một trong những mô hình triển khai phương pháp đào tạo học qua dự án - học qua trải nghiệm. Trong thời gian tới, DUTI sẽ áp dụng dạy học qua dự án dựa trên đề tài Hệ thống nuôi trùn quế thông minh từ kết quả nghiên cứu khoa học của nhóm Thùy Dương.
Ngoài ra, DUTI sẽ chú trọng trang bị kỹ năng mềm cho học viên, trang bị các kiến thức về tài chính cá nhân và những dự án hỗ trợ khởi nghiệp trong SV”, anh Nguyễn Tiến Danh, Giám đốc DUTI chia sẻ.
Thiên Lam