20 năm trước, muốn công tác lên hai thôn Tà Lang, Giàn Bí nơi đầu sát nguồn Cu Đê, chỉ có thể đi bằng đường bộ hoặc đường sông mà đường nào cũng là “con đường đau khổ”. Nay thì mọi sự đã khác...
Hội đua thuyền của người dân Trường Định đoạn qua cây cầu cùng tên. Ảnh: NHƯ HẠNH |
1. Lúc đó, đường bộ thì lầy lội, đầy ổ trâu, ổ voi bởi các xe khai thác gỗ cày nát đỏ loe loét như những vết thương không kịp lành. Thỉnh thoảng từ sau những khóm cây ven đường lại trồi ra những khe, suối băng ngang đường một cách bất ngờ khiến những tay lái lụa cũng phải chờn chợn.
Đường sông thì phải chen chúc tại bến Bà Tân ở Nam Ô để được mua vé. Từ Nam Ô cũng trưa trật mới tới đến bến Sạn, chỗ gần trụ sở xã Hòa Bắc. Vì mỗi ngày chỉ có hai chuyến xuôi ngược nên nếu mà để lỡ chuyến đò thì cầm bằng như đưa sáo sang sông...
Cái cảm giác được đắm mình trong một dòng tịnh yên xanh biếc cho mãi đến 20 năm sau vẫn chòng chành trong ký ức của những cán bộ đi thực tế Hòa Bắc ngày ấy. Còn nhớ, cô cán bộ Hội Nông dân thành phố trẻ măng, người đi cùng chuyến đò năm ấy đã đếm được tất cả 12 bến sông mà thuyền đi qua.
Thỉnh thoảng, một vài thuyền đánh cá trôi thật chậm trên sông, chậm đến nỗi như đứng yên giữa dòng. Chỉ thấy người đứng đầu mũi thuyền thu lưới, đôi cánh tay như múa giữa chiều rơi.
Một cán bộ xã Hòa Bắc hồi ấy nói, nếu không tính cây cầu Nam Ô nằm cuối dòng Cu Đê ở đoạn ra cửa biển thì cả một dòng sông tính từ xã Hòa Bắc tới biển gần 40 cây số chỉ có một cây cầu duy nhất từ thượng nguồn nhưng đã đổ sụp và chết tên cầu Sụp.
Chiếc cầu của quá khứ này do người Pháp bắc qua khi mở đường giao thông (nay là đường ĐT601) đã sụp đổ bởi dòng lũ cuồng nộ từ thời nào vẫn còn lưu dấu. Vì thế, để đi lại các nơi, người dân chỉ có thể đi đò ngang hoặc đò dọc.
Hòa Bắc bấy giờ được mệnh danh là vùng đất “4 không”: không điện, không chợ, không cầu, không đường nhựa. Nếu như hơn 20 năm về trước, nhắc đến Hòa Bắc, chẳng mấy ai biết tới và nếu có chăng thì người ta chỉ biết ở đó có Trung tâm 05-06 (nay là Cơ sở Xã hội Bầu Bàng), nơi giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng ma túy, mại dâm.
Và dòng Cu Đê mãi mãi chỉ là dòng sông âm thầm cất giấu những hào quang lịch sử, chảy qua 12 bến nước xuôi về cửa biển Nam Ô… thì hôm nay, những điều đó là trở thành quá vãng…
2. Tôi chạy xe từ trụ sở Ủy ban xã Hòa Liên qua cầu Trường Định. Con đường bụi mờ khô khốc. Thỉnh thoảng có chiếc ô-tô tải đi ngược chiều bỏ lại sau lưng đám bụi màu xám cuồn cuộn như khói cháy rừng. Từ trong đám “hồng trần” ấy bước ra, vỡ òa trước mắt là cây cầu Trường Định duyên dáng vắt ngang dòng Cu Đê xanh mướt. Gió từ con sông thổi lên làm dịu đi nỗi mệt nhọc đường xa. Nhà trưởng thôn Võ Văn Thành cách cây cầu không xa mấy.
Dường như đối với người dân “ốc đảo” thì cái ngày thông cầu Trường Định - 18-11-2011 là một ngày khó quên. Làng mổ 3 bò 2 heo để khao dân. Cả làng đội áo mưa đi dự lễ thông cầu với niềm hạnh phúc ngút ngàn. Kể từ đó, Trường Định không còn là ốc đảo bị chia cắt bởi dòng Cu Đê với các thôn lân cận nữa.
Hằng năm, đến ngày 16-3 âm lịch, bà con trong thôn tề tựu về đình làng Trường Định cúng tế tổ tiên, sau đó xem các khu dân cư trong thôn thi thố tài năng qua hội đua thuyền dưới sông Cu Đê.
Hơn 20 năm làm Trưởng thôn, ông Thành là người cảm nhận rõ nét nhất về sự đổi thay của mảnh đất Trường Định. “Nhịp cầu nối những bờ vui” là cách nói văn vẻ chứ đối với ông, từ khi có cây cầu bắc qua sông Cu Đê thì con em Trường Định mới có người đậu đại học: “Thì thiệt rứa đó. Trước đó mấy chục năm chỉ có số ít đi học trung cấp, cao tay hơn thì lên cao đẳng chứ đại học thì chưa hề. Rứa mà khánh thành cầu năm trước, năm sau có 3 đứa đậu đại học liền tù tì. Từ đó trở đi năm nào cũng có giấy báo tin con em thi đỗ đại học...”.
Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, ông cười khà khà giải thích: “Chớ mọi năm nước lũ xuống, đò nằm trên bờ thì lấy chi đưa đi học. Một năm học có 9 tháng mà nghỉ học hết hơn tháng vì lụt, chữ nghĩa nước cuốn trôi hết rồi mô mà thi với cử!”.
Buổi trưa, gió nồm rộ từ mặt sông thổi lên mát rượi. Con sông Cu Đê ngày trước chảy qua Trường Định không chỉ tạo nên thế cách trở đò giang mà còn là một thử thách đối với trai gái yêu nhau. Ông Thành vui miệng kể chuyện trai làng Trường Định đi tán gái ở Quan Nam bên kia sông trong những năm 80, 90 thế kỷ trước.
Hồi đó muốn qua bên tê sông phải đi đò ngang. Đò chỉ đưa ban ngày, tới 5 giờ chiều là gác sào nghỉ. Tối đến, thanh niên trai tráng đến tuổi đi tìm người thương chỉ còn cách bơi qua sông. Cứ cởi hết áo quần bỏ vào bọc ni-lông cột vào cổ rồi lội qua con sông rộng, tới bờ bên tê thì lôi áo quần ra đóng bộ vào. Bao ni-lông nhét túi quần để khi bơi về còn có cái mà dùng.
Cứ như thế, những đêm sáng trăng những chàng trai Trường Định bơi lội như những con rái cá đi tìm người thương. Đã có bao cô gái Quan Nam, Vân Dương, Hưởng Phước… vì say cái tình sông nước ấy mà khăn gói vượt sông về làm dâu Trường Định.
Cùng với niềm vui mừng của bà con Trường Định, từ năm 2010 trở về đây, các cư dân ở hai bờ sông Cu Đê đã mở đại tiệc ăn mừng những cây cầu nối lại đôi bờ trên quê hương mình. Cây cầu Tà Lang - Gian Bí đã thay thế cây cầu Sụp năm nào ở đầu nguồn sông Cu Đê.
Trước đó khá lâu, cây cầu dây văng Phò Nam duyên dáng bắc từ bến Sạn sang bên kia sông như một cung đàn treo giữa trời mây non nước. Thế là chấm dứt những ngày chòng chành vượt sóng sang sông dù chỉ qua ủy ban xã chứng mấy cái giấy tờ hay đêm đêm như bầy con sít lội sông đi tìm người trong mộng.
3. Hơn 10 năm trước, tôi có lần đến Khu du lịch sinh thái – văn hóa Thọ Yên ở Hòa Bắc mà ngậm ngùi tiếc nuối cho một ý tưởng đẹp bỗng trở thành hoang phế. Hồi đó chưa có cầu bắc qua sông Cu Đê và những con đường vẫn còn ổ voi ổ gà, đường ADB5 từ Thủy Tú lên Hòa Bắc vẫn còn trên giấy nên khu du lịch mở ra chơ chỏng không khách thưởng ngoạn.
Những tưởng sau cái “chết yểu” ấy thì con đường du lịch dọc sông Cu Đê sẽ là ký ức đầy bụi. Nhưng không, giờ đã khác, sông Cu Đê và những làng mạc đẹp như bài thơ trải dài hai bên bờ trở thành tiềm năng du lịch sinh thái không gì cưỡng nổi.
Năm 2015, một nhóm nghiên cứu đề xuất ý tưởng thực hiện dự án “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng”, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Cơ tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, do Hội Nông dân huyện Hòa Vang đứng tên đã là một khởi đầu nhiều hy vọng.
Tôi đã từng có những ngày ăn dầm ở dề cùng đồng bào Tà Lang, Giàn Bí trong những chuyến đi công tác thời còn làm Hội Nông dân nên hiểu cái khát khao được giữ gìn hồn Cơ tu trong từng điệu múa, tiếng cồng.
Những năm 2000, lúc bà Trương Thị Ríp còn sống cũng đã thủ thỉ mỗi khi tôi ghé thăm: Phải dạy cho bọn trẻ biết hát ru, biết múa Tung tung - da dá, biết dệt thổ cẩm như ông bà ta…
Bây giờ, ước vọng ấy đã được hiện thực hóa bằng một dự án hẳn hoi và con em Cơ tu ở hai thôn được xã cử đi Đông Giang học dệt, học đánh cồng chiêng, đến các trường đại học ở Đà Nẵng học thuyết minh du lịch nhằm góp phần gìn giữ và quảng bá bản sắc Cơ tu qua con đường du lịch.
Như một mảng màu tươi sáng bên dòng Cu Đê, nghề dệt thổ cẩm Cơ tu ở Hòa Bắc được khôi phục từ đầu năm 2018 với số lượng 20 chị ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí.
Chị Nguyễn Thị Nga, một trong 3 người dệt giỏi được địa phương đề nghị Hội LHPN huyện khen thưởng, cho biết đến nay cơ bản các chị đã dệt được các sản phẩm để tự phục vụ cho gia đình và cộng đồng như: vải thổ cẩm để may trang phục, khăn quàng cổ các loại với nhiều mẫu mã, màu sắc đa dạng. Các chị tự dệt tại nhà, hằng tuần tổ chức dệt tập trung tại nhà Gươl một lần.
Cùng với đó, Tổ hợp tác Du lịch sinh thái cộng đồng và homestay xã Hòa Bắc cũng đã hình thành. Tuy tên gọi như thế, nhưng hiện chưa có điểm phục vụ lưu trú (homestay) nên khách chưa thể ở lại qua đêm để có điều kiện khám phá bản sắc văn hóa về đêm của người Cơ tu.
Tổ trưởng Tổ hợp tác kiêm Trưởng thôn Giàn Bí Đinh Văn Như xung phong làm nhà lưu trú ngay tại nhà mình để bà con làm theo. Được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn quỹ phát triển du lịch của huyện Hòa Vang, anh làm nhà lưu trú có diện tích cỡ 90m2 theo kiểu nhà Gươl. Cạnh đó có một nhà Moong dành trưng bày và bán hàng lưu niệm. Anh phấn đấu đến ngày 2-9 năm nay sẽ khánh thành đưa vào hoạt động đón khách.
Như cho hay, tuy mới chỉ là bước khởi đầu nhưng tổ cũng đã đón 21 đoàn với hơn 700 lượt khách tham quan, đạt mức tổng doanh thu khoảng hơn 210 triệu đồng, tính từ đầu năm 2018 đến nay.
Anh hồ hởi khoe: “Trước đây, tôi đón khách du lịch mỗi đoàn dưới 20 người, chừ thì đang làm nhà lưu trú (homestay) nên không đón nữa. Mình lu bu công việc, không đón họ chu đáo thì mất uy tín. Chỉ duy trì 3 trại, 3 bè dưới mé sông Cu Đê. Khách mùa hè lên chơi, vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức ẩm thực dân dã của Tà Lang, Giàn Bí nữa thì không gì bằng”.
Đứng trên cầu Trường Định ngó về hướng Nam Ô, gió từ mặt sông thổi mơn man mái tóc. Xuôi theo con nước Cu Đê, rồi đây, những khu Miếu Bà, Đình làng Thủy Tú, bến Hầm Vàng, bến Tàu... sẽ trở thành các điểm du lịch dọc con sông thơ mộng này.
Lúc đó, ước gì có thể lênh đênh từ đầu sông đến cuối bãi trên chuyến đò để lắng nghe dòng sông kể chuyện...
NHƯ HẠNH