* Xóm tôi có một ông giỏi chữ Nho, hôm rồi ông nói chuyện con thỏ làm ba cái hang để khỏi bị bắt, xuất phát từ một thành ngữ Hán - Việt. Có điều, ông nói nhanh quá, tôi chỉ nghe ra được từ “thố” nghĩa là con thỏ còn mấy từ kia thì... mù tịt. Thành ngữ này lâu nay chưa hề nghe nên tôi không thể đoán ra được, xin quý báo giải thích giùm. (Lê Ngọc Quang, Hải Châu, Đà Nẵng).
Mạnh Thường Quân. (Ảnh minh họa) |
- Đó là thành ngữ “Giảo thố tam quật”, nghĩa là con thỏ khôn phải đào ba ngách hang để tránh khỏi bị chết. Nghĩa rộng ra, con người muốn tồn tại phải có trí mưu.
Câu này xuất phát từ việc Phùng Huyên mua nghĩa cho Mạnh Thường Quân (? - 279 TCN, tên thật là Điền Văn) được chép trong sách cổ văn Trung Hoa.
Phùng Huyên người nước Tề, đời Chiến Quốc (470-221 trước CN), một trong những thực khách của Tướng quốc nước Tề là Mạnh Thường Quân.
Một hôm, Mạnh Thường Quân giở sổ nợ ra hỏi các thực khách xem có người nào biết về việc kế toán, nhờ qua đất Tiết, là phong ấp của Thường Quân, để thu các mối nợ, thì xin ký tên vào sổ. Phùng Huyên nhận sổ ký tên.
Khi ra đi, họ Phùng hỏi: Thu nợ hết rồi, có cần mua thứ gì về? Họ Mạnh đáp: Tiên sinh coi nhà này thiếu thứ gì thì mua thứ đó.
Phùng Huyên đến đất Tiết, cho người thư lại mời tất cả những người thiếu nợ đến đông đủ, rồi tuyên bố rằng Mạnh Tướng quốc ra lịnh xóa bỏ tất cả số nợ. Nói xong, đem đốt hết những văn khế nợ. Dân đất Tiết vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Thường Quân lấy làm lạ, hỏi thu nợ có được không mà mau chóng thế. Phùng Huyên đáp, thu xong cả.
Mạnh Thường Quân hỏi tiếp: “Có mua gì về không?”. Họ Phùng đáp: “Khi tôi đi ngài bảo, coi nhà này thiếu thứ gì thì mua thứ đó. Huyên này nghĩ, trong nhà ngài chứa đầy châu báu, ngoài chuồng đầy ngựa chó, hậu đình chật mỹ nữ, nhà ngài chỉ thiếu điều Nghĩa mà thôi, nên tôi đã trộm lịnh ngài mua Nghĩa về”.
Thường Quân ngạc nhiên hỏi: “Thế mua điều nghĩa thế nào?”
Họ Phùng đáp: “Ngài được phong đất Tiết là đất nhỏ hẹp, đã không lo vỗ về dân mà còn mưu toan cướp đi cái lợi của dân. Vì vậy, tôi trộm lịnh ngài xóa nợ, thiêu hủy văn khế, dân chúng vui mừng tung hô ngài vạn tuế. Mua được điều nghĩa cho ngài là vậy”.
Thường Quân nghe nói không bằng lòng, nhưng phải bỏ qua.
Một năm sau, do vua Tề không tin dùng làm Tướng quốc nữa, Mạnh phải lui về đất Tiết ở. Ba ngàn môn khách trong nhà Mạnh chỉ còn lại Phùng Huyên theo về. Nam phụ lão ấu đất Tiết kéo nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt.
Khi ấy, Mạnh quay lại Phùng Huyên mà bảo rằng: “Tiên sinh vì Văn này mua điều nghĩa, ngày nay Văn mới trông thấy”.
Phùng thưa: “Con thỏ khôn có ba cái ngách hang mới khỏi chết, nay Tướng công mới có một ngách hang, chưa được dựa gối nằm yên, tôi xin vì ngài mà đào thêm hai ngách nữa”.
Mạnh nghe nói, liền ban 50 cỗ xe và 50 cân vàng để họ Phùng hoạt động. Phùng Huyên sang Tần thuyết Tần Vương đón Mạnh Thường Quân làm tướng quốc, vua Tần nghe theo. Phùng Huyên lại bắn tin cho vua Tề, vua Tề sợ hãi liền đem vàng bạc, xe ngựa đón Mạnh Thường Quân.
Đến lúc đó, Phùng Huyên nói với Mạnh Thường Quân: “Tôi đã đào xong ba hang, ngài có thể yên tâm mà sống vui.
Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc mấy chục năm, không gặp họa lớn nhỏ nào cả là nhờ mưu kế “Giảo thố tam quật” của Phùng Huyên. “Ba ngách hang” đó là: mua nghĩa, lập kế cho vua Tề tái dụng làm tướng, lập tôn miếu ở đất Tiết.
Thành ngữ “Giảo thố tam quật” chỉ con người cần phải có trí mưu để tạo nhiều điều kiện, nhiều phương tiện mới tự tồn được. Cũng từ đó, Mạnh Thường Quân là một điển tích được dùng rất phổ biến trong cuộc sống để chỉ việc làm, nghĩa cử giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn mà không vụ lợi.
ĐNCT