Nhớ mùi khói bếp quê nhà

.

Mặt trời nghiêng hẳn về phía núi, bị che khuất bởi những lùm cây, những ngọn khói màu lam len qua lớp tranh nứa trên nóc bếp, tỏa trên những tàu lá chuối. Mùi khói khiến lũ trẻ đang háo hức chơi đùa chững lại, hít hà bằng cái bụng đói meo rồi ùa chạy về nhà…

Ảnh: T.L
Ảnh: T.L

Làng bây giờ vắng bóng thanh niên, đa phần là người già và con trẻ. Hầu hết nhà nào cũng đã “lên đời” bếp gas, nhưng mạ vẫn luôn giữ góc bếp củi năm xưa. Thi thoảng, mạ đỏ lửa để nấu nồi nước sôi cho thằng Tí tắm lúc trở lạnh, lúc khác lại luộc nồi sắn, nướng củ khoai hay vài ba con cá lóc đồng mà ba thằng Tí vừa giăng lưới bắt được lúc chiều. Mạ cứ cặm cụi xoay trở trong căn bếp chật, sặc mùi khói, cay xè mắt. Bếp đỏ thường xuyên hơn vào đận cuối tuần. Mạ nói, nhóm lửa để mấy đứa trên phố có về chúng nó luộc bắp, nướng khoai…

Những món nướng lùi trong than luôn mang hương vị hấp dẫn đối với bất kỳ đứa trẻ nào, gợi sự tò mò với những đứa trẻ thành phố. Với đứa trẻ lớn lên từ làng, bếp đỏ lửa còn mang ý nghĩa khác, đó là chốn an yên tìm về.

Hồi trước, nhà làm nông nên bếp đỏ lửa ngày ba bận. Không ai khác, mạ luôn là chủ của căn bếp đó. Gọi là bếp nhưng mọi thứ bày biện khá đơn sơ. Một cái kiềng được hàn bằng sắt đặt ở vị trí chính của bếp, bên góc trái là bó củi cùng với bó cây tràm, cây chổi làm mồi nhen lửa, bên phải là cái chạn để xoong nồi, các thứ mắm muối gia vị. Trên bếp, ngang tầm với, mạ treo đôi gióng được thắt từ những sợi mây nhỏ, đủ một cái rổ tre nhỏ lồng vào làm chỗ treo mấy xoong cá hoặc thịt tránh mèo, chuột nhòm ngó.

Đôi khi mạ ra đồng giữa vụ gặt, phần việc nấu cơm trưa thuộc về anh em chúng tôi. Gọi là nấu bữa trưa nhưng thực chất chỉ bắc nồi cơm vài lon gạo lộn khoai sắn. Anh cả luôn là người đứng về phía tôi khi tôi và anh kế chia nhau phần việc nấu cơm.

Những lúc ấy tôi chỉ việc nhận phần nấu khi nồi cơm vừa sôi lên. Đương nhiên là tôi không phải nhọc nhằn, vì anh kế rất khéo nên lúc vo gạo xong, đổ nước vào nồi thì luôn cho đủ số nước cần cho một nồi cơm, không dư ra tí nào. Thấy nồi cơm sôi, tôi chỉ việc rút bớt ngọn lửa đang đỏ đượm, xới qua nồi cơm một lượt, đắp lên tấm lá chuối rồi đậy nắp vung lại. Ấy vậy mà ngày nào hai anh em tôi cũng làm một cuộc phân công nhiệm vụ mất cả mấy chục phút trước khi nồi cơm chính thức được bắc lên bếp.

Cơm bếp củi của mạ thuở khó nghèo lúc nào cũng nóng hổi, thơm lựng và ngon khó tả. Nhất là vào những bữa cha ra đồng bắt được vài con cá nơi chân ruộng cạn đem về. Mạ cho cá đã làm sạch vào chiếc nồi gang cũ, nêm mắm muối. Lửa nổi lên, nồi cá kho sôi bốc hơi đến đâu, anh em chúng tôi hít hà mùi thơm đến đó. Đứa ngồi im dán mắt vào nồi cá, đứa nhảy lò cò hỏi: “Gần chín chưa mạ?”… Đồ rằng những lúc ấy trong đầu mỗi đứa đều tưởng tượng ra một bữa cơm ngon tuyệt hơn bất cứ mâm cỗ nào.

Ngày ấy, “nệm êm chăn ấm” vẫn còn là cụm từ lạc trôi đâu đó trong vốn từ tiếng Việt mênh mông mà chúng tôi chưa hề biết tới. Cha mạ vun vén lắm mới sắm được vài tấm chăn chiên mỏng dính, mấy anh em chia nhau đắp. Mùa đông không đủ ấm là chuyện thường. Những lúc đó, căn bếp trở thành “tổ ấm” để qua những ngày đông rét buốt cắt da thịt. Cả mấy đứa rủ nhau đem chiếu trải quanh bếp, nằm thu gọn đầu gối hết sức để tạo hơi ấm.

Trước giờ đi ngủ, mạ cho thêm vào bếp mấy gốc củi dương do cha vừa đào về lúc chiều chưa kịp ráo nước. Sau một hồi khói chạy vòng quanh, um khắp nhà thì cũng bắt đầu bén lửa. Lửa đượm đến đâu, giấc ngủ chúng tôi chìm sâu đến đó.

Những ngày hè, lũ chúng tôi ham chơi nên cứ mãi theo những trò chơi trên những bãi đất hoang, thường quên mất giờ về mãi cho đến khi mạ cất tiếng gọi hoặc lúc cái bụng đói meo bắt theo mùi khói bếp len lỏi qua mái tranh để ù chạy về nhà.

Cái khó nghèo bất đắc dĩ đôi khi giúp chúng tôi hoàn thiện mọi thứ, gieo lên mầm tích cực khi chúng tôi có thể thoải mái chơi đùa, lăn lóc cùng nhau ở một góc xó nào đó trên cánh đồng làng, để từ đó mỗi đứa có thể tự bổ túc thêm những kỹ năng sống hữu ích.

Cứ thế, mưa nắng xứ nghèo và góc bếp đượm mùi mồ hôi của mạ luôn là hình ảnh phản biện cho ước mơ phố thị trong lòng chúng tôi. Chúng tôi vùng vẫy để thoát khỏi quê nghèo bằng nỗ lực học hành, trụ lại với thành phố. Phố thì luôn có bếp gas và những dụng cụ làm bếp tiện ích nhất. Những món nướng hay luộc có thể chế biến bất cứ lúc nào bằng phương tiện bếp hiện đại mà không phải nhọc công nhóm bếp, phùng má thổi lửa phù phù, khói cay xè cả mắt.

Thậm chí, chỉ cần tạt ngang bên góc đường cũng đã có đủ bắp, khoai, sắn nướng, luộc sẵn của những người hàng rong… Nhưng hương vị xưa chỉ toàn là những thế vị na ná, chỉ làm đầy thêm khoảng trống trong lòng, thiếu đi sự đùm túm rộn ràng thời thơ trẻ.

Ngoài ba mươi tuổi, lũ chúng tôi chưa già nhưng đủ lớn để thấy quay quắt nhớ nhung mùi khói bếp xưa cũ. Thằng bạn tôi có lần ngồi khơi bếp giữa ngày trời trở gió, giọng nghèn nghẹn: “Tao về quê, đang ngồi nướng khoai nhưng bếp vắng mạ nên vẫn… lạnh”.

Chừng ấy đủ để hai chúng tôi lặng đi giữa tiếng tích tắc đếm giây của cuộc gọi. Rồi chúng tôi vực tâm trạng nhau dậy bằng những câu chuyện phố phường miên man nóng hổi, giữa quay cuồng áo cơm thời Covid-19 mà trong lòng mỗi đứa dường như vẫn mắc kẹt lại đâu đó nơi xó bếp ở làng - nơi những chén bát, xoong nồi nồng mùi mồ hôi của mạ và khói bếp vòng quanh cay xè sống mũi!

Thiên Lam

;
;
.
.
.
.
.