Sáng 28-7, khu vực chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà) phát hiện ca nghi mắc Covid-19. Tiếng còi xe cấp cứu, xe cảnh sát, xe tải chuyên dụng của địa phương… lập tức có mặt ở khu chợ, đưa người đi cách ly, đồng thời khẩn trương phong tỏa chợ.
Bà con tiểu thương đang buôn bán bỗng nháo nhào thu dọn đồ đạc, những người dân sống cạnh chợ lập tức đóng cửa. Chỉ cách nhau vài tiếng đồng hồ mà mọi thứ quay ngoắt 180 độ, từ ồn ã, sống động sang hiu hắt, tiêu điều. Nhà tôi nằm trên con hẻm đối diện chợ. Mặc dù không bị phong tỏa nhưng một hàng rào chắn dựng lên, ngăn cách với khu chợ thân thuộc cũng khiến người người buồn bã.
Sang ngày thứ hai, các bà, các chị trong xóm lại quen xách giỏ hướng về chợ An Cư, từng người từng người đến rồi quay đầu. Mẹ tôi thở dài: “Mình ở ngoài ni còn đi chợ này, chợ kia, đi siêu thị được. Những người ở trong đó (trong khu bị phong tỏa) hẳn sẽ bức bối lắm”.
Thế nhưng, nhắn tin hỏi thăm một người bạn cũ có nhà cạnh chợ, bạn nói, cuộc sống trong khu phong tỏa của bạn nhẹ nhàng, không sao cả. Thậm chí, bạn đang chắt chiu khoảng thời gian tĩnh lặng này. Từ nhỏ đến lớn, đây là lần đầu tiên bạn thức dậy mà nghe tiếng chim hót, ánh nắng tràn vào tận phòng ngủ. Bạn gửi một số hình ảnh bạn chụp cảnh người dân ở chợ ngồi khoan thai trước hiên nhà, thật đẹp đẽ và yên bình. Không chỉ bạn mà hàng trăm hộ dân sống cạnh chợ hẳn đang tận hưởng chút an yên ít ỏi này. Phố chợ mấy khi được tĩnh lặng, trong lành như thế!
Dịch bệnh khiến cuộc sống của mọi người đều thay đổi. Có câu nói nổi tiếng: “Đọc sách là để tìm lại ý nghĩa, giá trị cuộc sống - Khi bên ngoài đảo lộn”, chợt tôi nghĩ đến cuốn sách “Quẳng gánh lo đi để vui sống” của tác giả Dale Carnegie. Nhà văn Dale Carnegie đã kết luận một điều đơn giản và đúng đắn: “Không phải hoàn cảnh làm chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh, mà chính là cách phản ứng của chúng ta với hoàn cảnh ấy mới quyết định cảm xúc vui buồn”.
Trong lúc này, nếu lạc quan, bình tĩnh và can đảm thì chúng ta vẫn có thể nhìn ngắm cảnh đẹp, vẫn có thể ca hát rộn ràng dù dịch bệnh diễn tiến thế nào.
Tôi biết một nhà văn nữ ở Đà Nẵng, từ trước dịch bệnh đến nay, đều đặn từ 5 giờ 30 mỗi ngày, chị livestream hướng dẫn cách massage mặt cho chị em phụ nữ. Mở đầu các video, chị nói: “Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nên cố gắng duy trì những thói quen tốt nhé chị em, ví như tập thể dục, ăn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tăng cường uống các loại sữa hạt…”.
Tôi theo dõi trang cá nhân của chị từ lâu, thực tình, rất ít khi dậy sớm để vào xem các video ấy. Tôi thấy số lượng người xem không nhiều. Trước khi đại dịch, thông điệp về việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân nhìn chung luôn đóng vai trò tích cực, thường được truyền tải bằng những hình ảnh mọi người luyện tập yoga vào sáng sớm hay hình ảnh uống sinh tố, sữa hạt, sử dụng rau củ lành mạnh. Dù vậy, nó chỉ hướng đến một bộ phận đối tượng nhỏ. Thế nhưng, những ngày xảy ra dịch bệnh, vấn đề chăm sóc sức khỏe bản thân được nâng lên tầm cao.
Hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 tử vong (trong làn sóng dịch bệnh thứ hai này) đều là người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền như: ung thư máu, tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp, viêm phổi... Nhiều hơn cả trong số đó là những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn từng nhấn mạnh, khi mắc Covid-19, những người có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng tập trung vào nhóm người cao tuổi, người bệnh lý nền hoặc cơ địa, thể trạng béo phì…, khi mắc Covid-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác. SARS-CoV-2 kéo theo nỗi sợ hãi, nhưng đó cũng chính là tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy sự thay đổi về bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Mỗi người dân áp dụng suy nghĩ tích cực kết hợp với việc tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe - những thói quen mới trong mùa Covid-19 này sẽ giúp ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe khi người dân biết tự bảo vệ mình hơn. Và cũng chính điều này sẽ giúp các y, bác sĩ tập trung vào các ca bệnh nghiêm trọng cần tập trung cứu chữa. Đây là kết quả cùng có lợi cho người dân, hệ thống y tế và chính phủ.
HẢI ÂU