Có nhiều cách để người Đà Nẵng thể hiện lòng yêu nước trong những ngày đại dịch Covid-19 tái bùng phát. Và tình yêu nước trong mỗi người đang lan tỏa, tạo thành sự cộng hưởng giữa “hậu phương” và “tiền tuyến”.
Đoàn bác sĩ Bình Định tình nguyện đến “chia lửa” với các y, bác sĩ Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN |
Lên tuyến đầu chống dịch
Từ hạ tuần tháng 7 đến nay, khi Covid-19 tái bùng phát, người Đà Nẵng càng có dịp suy ngẫm và thấm thía hơn về lòng yêu nước. Với người Đà Nẵng, lòng yêu nước thể hiện rõ nhất và đáng trân quý nhất trong đại dịch là ở đội ngũ thầy thuốc của thành phố đang ngày đêm căng mình cứu chữa các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, cũng như “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để theo vết và kịp thời phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm. Các y, bác sĩ phải chia tay người thân - kể cả con nhỏ - để vào bệnh viện tập trung chống dịch với những điều kiện sinh hoạt có thể còn khắc nghiệt không thua kém thời khói lửa chiến tranh. Với người Đà Nẵng, càng đáng trân quý hơn nữa là lòng yêu nước được thể hiện ở các thầy thuốc từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên Huế… đã lên đường “chi viện”, “chia lửa” cho đồng nghiệp ở tâm dịch Đà Nẵng.
Người Đà Nẵng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh nữ bác sĩ ở một bệnh viện Đà Nẵng đang cắt ngắn mái tóc dài, càng xúc động hơn khi thấy nhiều bác sĩ nam đã “xuống tóc” trước khi rời Hải Phòng vào “tuyến lửa” Đà Nẵng, càng xúc động hơn nữa khi nghe bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy Tiên, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định; hay bác sĩ Trần Thanh Linh, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh; hay Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn… xác định sẽ làm hết khả năng chuyên môn có thể của mình và quyết ở lại Đà Nẵng cho tới khi hết dịch mới về.
Những gì đang diễn ra trong công cuộc “chống dịch như chống giặc” hôm nay khiến người Đà Nẵng không thể không bồi hồi nhớ lại hơn 160 năm trước, khi Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước chiến đấu dưới chân thành Điện Hải để chống lại cuộc tiến công của liên quân Pháp và Tây Ban Nha. Nhiều người yêu nước ở Nam Định, Huế… lúc đó cũng tình nguyện xin vào mặt trận Đà Nẵng để một mất một còn với quân xâm lược, tiêu biểu như nhà giáo Phạm Văn Nghị hay nhà thơ Nguyễn Công Trứ…
“Ở nhà là yêu nước”
Người Đà Nẵng cũng nhận thức sâu sắc rằng, yêu nước lúc này không chỉ là tự nguyện xung phong tìm đến các điểm nóng đầy nguy hiểm để đương đầu với dịch bệnh như giới chuyên môn; mà còn phải làm điều “tưởng chừng ngược lại” là… tránh xa các điểm nóng, nhất là các khu vực đã có lệnh phong tỏa hoặc cách ly triệt để. Người Đà Nẵng cho rằng, đối với “đa số người dân”, yêu nước trong mùa đại dịch là phải tự giác thực hiện nghiêm chủ trương giãn cách xã hội, cố ở yên trong nhà và hạn chế đến mức thấp nhất việc ra đường hay đi lại không cần thiết. Không phải ngẫu nhiên mà tại một số nơi trong thành phố đã có các khẩu hiệu như: “Ở nhà là yêu nước”, hoặc “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”…
Sở dĩ nói “đa số người dân” là bởi ngoài giới chuyên môn y tế hoặc lực lượng bảo vệ trật tự an toàn xã hội - cũng là một tuyến đầu nóng bỏng - luôn có mặt để thực thi công vụ, vẫn có một số ít người dân tự nguyện tiếp cận các khu vực phong tỏa hoặc cách ly triệt để nhằm tiếp tế nhu yếu phẩm thấm đẫm Đà-Nẵng-tình-người cho đội ngũ thầy thuốc và lực lượng bảo vệ trật tự an toàn xã hội, cũng như cho bệnh nhân dương tính, hoặc người có nguy cơ lây nhiễm đang phải cách ly. Đương nhiên đấy là chuyện của thời gian đầu, khi thành phố chưa kịp bố trí điểm tiếp nhận tập trung nhằm bảo đảm an toàn cho chính những người hoạt động thiện nguyện.
Còn sở dĩ nói “tưởng chừng ngược lại” là bởi thoạt trông thì hai hướng có vẻ khác nhau - tìm đến và tránh xa khu vực phong tỏa hoặc cách ly triệt để, nhưng kỳ thực đều cùng chung một hướng duy nhất là nói “không” với dịch bệnh, là hạn chế/khống chế hiệu quả khả năng lây lan nguồn bệnh, là góp phần rút ngắn thời gian chiến thắng dịch bệnh ở tuyến đầu Tổ quốc phòng chống đại dịch Covid-19, là cách tri ân thiết thực nhất đối với những thầy thuốc đã vì Đà Nẵng mà quyết trụ bám ở đất này cho đến ngày hết dịch.
Dựa vào dân
Người Đà Nẵng cũng nhận thức sâu sắc rằng, yêu nước lúc này là phải tự giác trở thành “tai mắt” của lực lượng bảo vệ trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia trong việc phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng kể cả khi đã có lệnh cấm nhập cảnh vào Việt Nam, và những người Việt vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay trong việc này.
Người nước ngoài đến Đà Nẵng càng đông càng chứng tỏ Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn về công nghiệp không khói, góp phần thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng thêm phát triển, văn hóa Đà Nẵng thêm đa dạng. Nhưng người nước ngoài đến Đà Nẵng càng đông càng làm Đà Nẵng phải đương đầu với tình hình phức tạp hơn nhiều về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; và tuy chưa phổ biến nhưng không còn cá biệt những trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật, thậm chí giết người, tổ chức đánh bạc, trốn truy nã, hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động trái phép xuyên tạc lịch sử và chủ quyền của Việt Nam... Đặc biệt, trong bối cảnh người Đà Nẵng đang đứng ở tuyến đầu Tổ quốc phòng, chống Covid-19 như hiện nay, việc cả trăm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng còn trở thành nguồn lây nhiễm dịch bệnh không thể xem thường.
Người Đà Nẵng nhớ như in lời cảnh báo của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 ngày 25-7 vừa qua rằng, “tình trạng người nước ngoài mà chủ yếu là người Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào nước ta đang rất nguy hiểm”. Dẫu chưa hẳn bệnh nhân số 416 - ca dương tính đầu tiên sau 99 ngày yên ắng được xác định ở Đà Nẵng - bị lây nhiễm từ nhóm đối tượng này nhưng đã cho thấy “khoảng trống trong việc kiểm soát biên giới cần phải sớm được khắc phục”, đồng thời cũng cho thấy có sự móc nối của một bộ phận người Việt trong việc đưa người nhập cảnh trái phép.
Do vậy, “lực lượng chức năng phải đi từng nhà kiểm tra vì người Trung Quốc nhập cảnh vào đang có rất nhiều vấn đề”. Tuy nhiên, lực lượng chức năng dẫu tinh thông nghiệp vụ đến mấy và đủ tận tụy để “đi từng nhà kiểm tra” thì cũng khó có thể hoàn thành trọng trách này nếu không dựa vào dân, vào “tai mắt” của người dân ở khắp hang cùng ngõ hẻm đang suy ngẫm và thấm thía về lòng yêu nước trong những ngày giãn cách xã hội.
BÙI VĂN TIẾNG