Nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật

Bài chòi Đà Nẵng: Gian nan tìm người kế cận

.

Bài chòi ở Đà Nẵng tồn tại chủ yếu dưới hình thức các CLB hô/hát bài chòi dân gian tại các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Khó khăn chung của các CLB là việc tìm kiếm đội ngũ kế thừa bộ môn này.

Hô hát bài chòi tại Lễ hội đình làng Túy Loan năm 2019.  (Ảnh do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang cung cấp)
Hô hát bài chòi tại Lễ hội đình làng Túy Loan năm 2019. (Ảnh do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang cung cấp)

Sức sống của bài chòi

Là cái nôi của bài chòi Đà Nẵng, vào những năm 90 của thế kỷ 20, lúc cao điểm, toàn huyện Hòa Vang có đến 30 đội dân ca bài chòi. Những nghệ nhân như Đỗ Hữu Quế, Hồ Thanh Châu, Lê Thế Dân, Phạm Hồng Thái, Võ Thị Ninh… đi đến đâu cũng được người dân, nhất là người dân vùng quê chào đón nồng nhiệt. Nghệ nhân Đỗ Hữu Quế chia sẻ: “Bài chòi là trò chơi, trò diễn xướng dân gian độc đáo mang phong vị làng quê, đậm chất văn hóa nông nghiệp ở các làng quê miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Trong nhiều thập niên qua, nghệ thuật bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội của người dân Đà Nẵng, nhất là dịp Tết, lễ hội đình làng và những dịp sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, tháng 12-2017, nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là vinh dự, nguồn động lực to lớn của những nghệ nhân như chúng tôi”.

Có tuổi đời khá trẻ nhưng nghệ sĩ Huyền Tân (tên thật Nguyễn Thị Phú Tân, SN 1984) tạo được chỗ đứng khá vững chắc trong làng nghệ thuật bài chòi Đà Nẵng. Hiện chị là người hô hát chính tại CLB Bài chòi Sông Hàn, biểu diễn phục vụ khách du lịch tại bờ đông cầu Rồng vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần.

Huyền Tân say sưa nói: “Nét khác biệt của bài chòi với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác là ở phách, nhịp và âm nhạc. Ngày trước, người ta gọi là “hô bài” chứ không phải “hát” vì không có gì để hát. Người hô thai (anh hiệu, chị hiệu) sẽ hô ngẫu nhiên câu ca dao, dân ca, điệu lý bất kỳ có một tiếng trùng với con bài là được, không cần quan tâm ngữ nghĩa. Dần về sau, để tăng tính hấp dẫn, sự cạnh tranh trong biểu diễn, anh hiệu, chị hiệu tìm cách tạo nên nét riêng, khác biệt, bằng những vần điệu ý nghĩa, những câu hát có cao độ, trường độ. Âm nhạc bài chòi bắt đầu từ đó”.

Tuyển người khó như… mò kim đáy bể

CLB Bài chòi Sông Hàn hiện có 9 thành viên, trong đó có 2 cặp hát chính, 2 người chạy cờ và 3 nhạc công. Các thành viên tham gia CLB đều có nghề nghiệp riêng, tham gia vì tinh thần tự nguyện, lòng đam mê nghệ thuật bài chòi và mong muốn khôi phục, gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này. Thu nhập của các nghệ nhân và kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chỉ dựa vào các khoản thu tại các buổi biểu diễn và đóng góp của các thành viên trong nhóm.

Ngoài ra, chưa có chính sách, cơ chế đặc thù liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân để thu hút họ gắn bó chặt chẽ, lâu dài với bài chòi. “Chúng tôi sẵn sàng truyền dạy miễn phí cho bất kỳ ai yêu thích nghệ thuật bài chòi. Tôi đăng tin tuyển người, tìm kiếm hạt nhân từ các phong trào nghệ thuật quần chúng nhưng tìm không ra, đặc biệt là thiếu anh hiệu nam và nhạc công”, Huyền Tân bộc bạch.

Riêng huyện Hòa Vang hiện còn 4 đội: đội bài chòi Hòa Khương, Hòa Bắc, CLB Dân ca xã Hòa Liên và CLB Bài chòi Sông Yên. Chị Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên chia sẻ, bài chòi sống được đến hôm nay là nhờ tình yêu nghề của những nghệ nhân dân gian. Họ hầu hết là những người lao động bình thường với các công việc như buôn bán, làm nông, lao động phổ thông, nhưng sẵn sàng gác lại để đi tập luyện, đi diễn khi có chương trình, dù thù lao ít ỏi. “Kinh phí hạn hẹp khiến việc phát triển CLB khá khó khăn. CLB không có điều kiện mua sắm các trang thiết bị cũng như thiếu tác giả, người viết kịch bản. Do đó, nội dung kịch bản vẫn sử dụng chủ yếu những câu hát cổ, những tác phẩm có sẵn”, chị Lệ trải lòng.

Nghệ sĩ Huyền Tân cùng CLB bài chòi Sông Hàn biểu diễn tại sân khấu phía đông cầu Rồng. Ảnh: Q.T
Nghệ sĩ Huyền Tân cùng CLB bài chòi Sông Hàn biểu diễn tại sân khấu phía đông cầu Rồng. Ảnh: Q.T

Ông Cao Tấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng cho biết, đã có nhiều lớp diễn viên được phát hiện thông qua các phong trào văn nghệ của Đà Nẵng và được đào tạo tiếp. Tuy nhiên, qua thời gian, lớp diễn viên này có tuổi đời lớn trong nghệ thuật, cần tìm một lớp diễn viên trẻ, có thanh sắc mới để đào tạo. Nhưng câu chuyện tìm kiếm lớp diễn viên bài chòi trẻ tại Đà Nẵng khá nan giải.

“Không chỉ đội ngũ diễn viên mà nhạc công cho bộ môn này còn thiếu trầm trọng hơn. Số nhạc công ở Đà Nẵng hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, anh Nguyễn Vĩ (đàn nhị kiêm thổi sáo), anh Phạm Hồng Thái (guitar phím lõm)… đều trên 60 tuổi. Mỗi lần tổ chức liên hoan hô hát bài chòi, địa phương phải tìm nhạc công đàn cò, đàn guitar phím lõm… ở những đội nhạc phục vụ đám tang để tập họp họ lại, trở thành đội nhạc cho liên hoan. Nhiều nhạc công chạy “show” liên tục dẫn đến chất lượng đánh nhạc giảm”, ông Ngọc nói.

 Khuyến khích thế hệ trẻ

Tại huyện Hòa Vang, từ năm 2009, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện có chương trình đưa dân ca vào trường học. Đến nay, huyện đã bồi dưỡng kỹ năng hô hát các làn điệu dân ca khu 5 cho giáo viên và học sinh của 45 trường mầm non, tiểu học, THCS cùng 30 CLB Em hát dân ca được thành lập tại các trường tiểu học và THCS. Các nghệ nhân và những người có kinh nghiệm sưu tầm đã biên soạn tài liệu và trực tiếp về các trường giới thiệu, hướng dẫn hát các làn điệu dân ca; đồng thời xây dựng kịch bản sân khấu, dàn dựng, tập luyện để các em có thể tham gia biểu diễn. Nhiều nghệ sĩ và nghệ nhân ưu tú như Nhật Lệ, Thế Dân… đã sưu tầm tài liệu, các làn điệu dân ca khu 5 và viết những kịch bản dân ca phục vụ cho việc giảng dạy thêm phong phú.

Ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang cho hay, nhằm tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật bài chòi, sắp tới, Trung tâm phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật sân khấu học đường. Nội dung bao gồm: Giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành và phát triển dân ca bài chòi; hướng dẫn kỹ năng hát thành thạo các làn điệu dân ca bài chòi; phân tích nhân vật, thể hiện nhân vật và nghệ thuật biểu diễn sân khấu bài chòi. Lớp bồi dưỡng sẽ dành cho giáo viên có năng khiếu âm nhạc và năng khiếu biểu diễn sân khấu của 45 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn toàn huyện (tổng số học viên: 68 người).

Theo tìm hiểu, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 10 nhóm/đội, CLB bài chòi, chủ yếu tập trung ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Trong đó, 7 nhóm thành lập tự phát, không có sự hỗ trợ của bất kỳ đơn vị nào và 3 CLB có sự đỡ đầu, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Có khoảng 200 người tham gia các CLB đội nhóm và biết hô/hát bài chòi trên địa bàn thành phố. Trong đó, khoảng 36 nghệ nhân làm anh hiệu trong các hội chơi bài chòi, 5 nghệ nhân độc diễn bài chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ bài chòi, 6 người biết đàn bài chòi, 49 người có khả năng truyền dạy...

Hiện nay, số lượng người sáng tác lời cho bài chòi rất ít, những người am hiểu về nghệ thuật bài chòi trên địa bàn thì tuổi đã cao. Vì vậy, để làm phong phú thêm cho lời hô/hát bài chòi, ngành văn hóa cần có kế hoạch tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho bài chòi và các vở kịch bài chòi theo chủ đề gắn với các chủ trương, chương trình lớn của thành phố như: “Thành phố 5 không, 3 có”, “Thành phố môi trường”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị”…, vừa góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, vừa thực hiện tốt công tác cổ vũ, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương của Nhà nước cũng như của thành phố, đặc biệt là đóng góp cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi”

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Mai (CLB dân ca xã Hòa Liên)

QUỲNH TRANG



 

;
;
.
.
.
.
.