Tránh lãng phí sách giáo khoa

.

Cứ đến năm học mới, chuyện cải cách sách giáo khoa (SGK) luôn là chủ đề “nóng” được các phụ huynh và xã hội quan tâm. Đặc biệt, năm nay ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Làm sao để không lãng phí SGK cũ là điều trăn trở không chỉ đối với cha mẹ học sinh mà còn với những người làm công tác giáo dục.

Có lần lên tác nghiệp ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), tôi nghe một thầy hiệu trưởng chia sẻ: Các em học sinh ở đây vẫn thiếu sách và dụng cụ học tập. Tôi ngạc nhiên hỏi: Em thấy nhiều nhóm thiện nguyện thường gom sách cũ tặng cho các trẻ vùng cao mà thầy? Thầy hiệu trưởng đưa tôi vào kho thư viện trường và mở ra cho tôi xem những cuốn SGK cũ chất thành từng đống, phủ đầy bụi, rồi cho biết: “SGK cũ nhà trường vẫn nhận thường xuyên nhưng các em không sử dụng được bởi tất cả các sách đều bị ghi vào chỗ trống trong sách. Chỉ mong các em dưới xuôi khi làm bài tập đừng ghi trực tiếp vào sách”.

Đầu năm học này, cộng đồng mạng tranh luận sôi nổi khi Trường tiểu học An Phong (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) thông báo cho phụ huynh mua bộ sách lớp 1 với giá hơn 800.000 đồng. Nguyên nhân là nhà trường đã thông tin không rõ ràng giữa SGK với sách tham khảo, bài tập dẫn đến giá bộ sách quá đắt.

Tuy nhiên, bộ SGK lớp 1 trong chương trình mới năm nay có giá dao động từ 179.000 - 199.000 đồng, bao gồm 9 hoặc 10 cuốn sử dụng cho 8 môn học bắt buộc là Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất. Trong khi đó, bộ SGK lớp 1 năm học 2019-2020 có giá 54.000 đồng, gồm 6 cuốn Tiếng Việt (2 tập), Toán, Tự nhiên và xã hội, Tập viết (2 tập). Như vậy, bộ SGK mới nhiều hơn từ 3-4 cuốn và giá thành cũng cao hơn nhiều so với bộ SGK hiện hành.

Nhưng, điều đáng nói ở đây là làm sao để học sinh năm sau có thể kế thừa bộ SGK cũ nhằm tránh lãng phí. Trước đây, mỗi gia đình thường đông con, một bộ SGK có thể chuyền tay nhau cho các anh chị em trong nhà học từ năm này qua năm khác hoặc có thể mượn các anh chị hàng xóm, bà con thân thích để học vì sách hầu như không có chỗ trống để điền sẵn vào khi làm bài tập. Bộ SGK cũng tương đối ít nên rất tiện trong việc mang tới lớp. Trong ký ức của nhiều cha mẹ học sinh là “Hồi nhỏ đi học chỉ việc lận quyển vở là xong. Vừa học vừa chơi!”.

Ngày nay, nhìn chung điều kiện kinh tế mỗi gia đình khấm khá hơn trước, mỗi gia đình cũng chỉ có từ 1-2 con. Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn và miền núi, học sinh vẫn còn nhiều thiếu thốn vật chất và dụng cụ học tập. Việc tận dụng SGK cũ để học tập sẽ giúp các gia đình nghèo giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho năm học mới.

Trong khi nhiều nơi hiện nay, bố mẹ còn vất vả chạy ăn từng bữa thì việc bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua các bộ SGK cho các con nhưng chỉ sử dụng một lần rồi bỏ thì quá lãng phí. Hơn nữa, hiện nay học sinh đã có vở bài tập rồi, lại còn có thêm sách bài tập. Việc khuyên học sinh không nên viết vào SGK có ô trống là rất khó thực hiện. Vì vậy, nên chăng Bộ GD&ĐT cần quy định chỉ chấp nhận những bộ SGK không chừa chỗ cho học sinh viết vào để có thể tiết kiệm được sách cũ sau khi sử dụng?

Thiết nghĩ, việc đổi mới SGK trong việc dạy và học là nhu cầu tất yếu của sự phát triển khi ngành giáo dục đang hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, nhưng cũng cần tính đến tính thực tiễn nhằm tránh sự lãng phí, nhất là trong điều kiện nền kinh tế đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG



 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích