Tự nguyện khám sức khỏe tiền hôn nhân

.

Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân được xem là cần thiết để những người chuẩn bị kết hôn có thể tự tin bước vào đời sống vợ chồng, sẵn sàng chào đón những đứa trẻ chào đời.

Thực tế, nhiều người lâu nay vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe trước khi kết hôn, do sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, thậm chí có người còn cho rằng chỉ khám sức khỏe khi “nghi ngờ” nhau. Đây là quan niệm lỗi thời. Ở nhiều nước trên thế giới, luật pháp quy định rất rõ ràng việc bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân, coi đó là một điều kiện cần trước khi được cho phép đăng ký kết hôn.

Ở nước ta chưa có quy định bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn, nên việc làm này hoàn toàn tự nguyện. Những người có suy nghĩ hiện đại thì sẵn sàng “chứng minh” mình khỏe mạnh để bước vào cuộc hôn nhân. Nhưng với các trường hợp còn lại, để thuyết phục được cả hai người trước khi đến với hôn nhân cần đi khám sức khỏe lại là vấn đề tế nhị, khó nói.

Cách đây 2 năm, khi bạn của tôi thông báo sắp kết hôn, tôi khuyên cô ấy nên đi khám tiền hôn nhân. Lúc đó, bạn từ chối với lý do: “Thôi, đang yên đang lành vô bệnh viện làm chi cho tốn tiền!”. Bạn cưới 1 năm mà chưa thấy “động tĩnh” gì. Khi tôi hỏi, bạn òa khóc và tâm sự rằng “vấn đề” là ở chồng của bạn.

Thực tế, vai trò của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân đã được Bộ Y tế xác định là một trong những yếu tố bảo đảm chất lượng dân số. Hiện tại, các địa phương đều có phòng khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, trong đó khám sức khỏe chỉ là một phần trong toàn bộ chương trình. Khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện những bệnh di truyền, bệnh lây nhiễm, thậm chí vô sinh.

Tại Đà Nẵng, trong 2 năm trở lại đây, các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai an toàn, đặc biệt là đối với trẻ em gái được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố rất quan tâm và xem là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.

Với mục đích nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã tổ chức triển khai các buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường THPT, THCS, trường đại học và cao đẳng trên địa bàn; duy trì sinh hoạt CLB tiền hôn nhân tại 56/56 phường, xã với những nội dung và hình thức luôn được thay đổi, cập nhật mới, thu hút nhiều thành viên tham gia.

ThS.BS Đồng Thị Hồng Trang (chuyên khoa Sản, Phó Giám đốc Phòng khám đa khoa Pasteur, Đà Nẵng) cho rằng, tốt nhất các cặp đôi nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu 3-6 tháng trước khi kết hôn để có nhiều thời gian chuẩn bị hơn.

BS Trang kể, có không ít cặp vợ chồng bị hiếm muộn, do không hiểu về tình trạng sức khỏe của nhau nên đã lo lắng, hoài nghi nhau, dẫn đến những ẩn ức làm rạn nứt hạnh phúc. Vì vậy, BS Trang đã tư vấn cho rất nhiều cặp đôi về sự cần thiết của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, chẳng hạn: chuẩn bị kiến thức, tâm lý khi làm vợ, làm chồng, tránh những tình huống “dở khóc dở cười” hay những lo lắng, hoài nghi; dự phòng bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị sức khỏe cho người phụ nữ để mang thai và sinh nở an toàn; giúp người phụ nữ chủ động và có kế hoạch mang thai; phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; biết chấp nhận sự thật về sức khỏe sinh sản của nhau. “Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là cách vừa quan tâm sức khỏe của chính mình, vừa thể hiện trách nhiệm đối với người chồng, người vợ, vừa chuẩn bị tốt cho cuộc sống hôn nhân. Vì thế, bạn không nên e ngại”, BS Trang nói.

Hôn nhân là sự hòa hợp hai con người về thể xác và tinh thần. Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân giúp những người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin. Về mặt cộng đồng, khám sức khỏe tiền hôn nhân được xem là một biện pháp để giải quyết bài toán dân số ngày càng tăng, khi chất lượng cuộc sống càng cao thì người ta có thể yên tâm sinh 1 hoặc 2 con.

HẢI ÂU

;
;
.
.
.
.
.